Những chiến sỹ áo trắng trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19
Tại tuyến y tế cơ sở, nhân viên
y tế thôn, bản, cán bộ, y bác sĩ các trạm y tế xã, phường, thị trấn được giao
nhiệm vụ nắm bắt từng đối tượng để hàng ngày đến tận nhà, gặp từng người thuộc
diện được khuyến cáo theo dõi, cách ly, giám sát để hỏi han, kiểm tra và theo
dõi sức khỏe.
Cùng với kiểm soát dịch bệnh, hướng
dẫn phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh môi trường, tư vấn dinh dưỡng, các nhân viên
y tế cơ sở còn có nhiệm vụ điều tra, phát hiện các trường hợp có biểu hiện bệnh,
nghi bệnh và những trường hợp tiếp xúc gần với người nghi nhiễm, thông báo kịp
thời với cơ quan y tế để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.
Bà Trần Thị Mai, xã Tân Thành
(huyện Kim Sơn) cho biết, khi trên địa bàn xuất hiện các ca bệnh nghi nhiễm phải
đến cơ sở y tế cách ly, người thân phải cách ly tại gia đình, người dân chúng
tôi cũng lo lắng. Rất may, được các nhân viên y tế hướng dẫn, tư vấn các biện
pháp phòng bệnh, chúng tôi hiểu rõ về bệnh và yên tâm, thông cảm cho những gia
đình bị cách ly, giám sát tại cộng đồng, không kỳ thị, xa lánh, đồng thời bản
thân cũng nâng cao ý thức, kêu gọi mọi người cùng thực hiện tốt các biện pháp
phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Đối với các y, bác sĩ công tác tại
các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, từ khi có thông tin về dịch bệnh
Covid-19 và xuất hiện các ca nghi nhiễm bệnh được phân tuyến để theo dõi, điều
trị, tất cả đều sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, điều động của
đơn vị. Bác sĩ Vũ Hà Bắc, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Yên Mô cho
biết: Hiện nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh bên ngoài
Trung Quốc, có nhiều trường hợp đi từ vùng dịch các nước về phải thực hiện cách
ly tại các khu vực cách ly của Trung tâm, thì nhiệm vụ của chúng tôi vất vả, áp
lực hơn gấp nhiều lần. Trong quá trình cách ly, cán bộ, nhân viên y tế ngoài việc
phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, theo dõi sức khỏe, còn hướng dẫn các trường
hợp cách phòng tránh và hạn chế lây lan, phối hợp với cơ sở để cách ly trong
vòng 14 ngày, bệnh nhân không được tự ý bỏ về. Trung tâm cũng chuẩn bị đầy đủ
cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo hộ y tế, cơ số thuốc, đồ dùng cá nhân, khu
nhà ở riêng biệt cho cán bộ, nhân viên để đảm bảo sức khỏe cho y, bác sĩ và bệnh
nhân trong quá trình cách ly, tuyệt đối không được ai ra vào khu vực...
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hàng
ngày luôn có hàng nghìn người bệnh và người nhà đến điều trị, chăm sóc, thăm hỏi.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A rất nguy hiểm, số
người nhiễm, người tử vong ở các nước trên thế giới không ngừng gia tăng, trong
khi thông tin về virus Corona chưa đầy đủ, nên nhiều bệnh nhân điều trị tại bệnh
viện thường lo lắng, bất an hoặc lại thờ ơ, coi nhẹ. Vì vậy, ngoài điều trị bệnh
tật cho bệnh nhân, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn thực hiện thêm
việc tư vấn tâm lý, trấn an, động viên để người bệnh yên tâm, không hoang mang,
lo lắng thái quá. Đối với các y, bác sĩ được phân công làm nhiệm vụ tại Khoa
Truyền nhiễm của bệnh viện, ngoài thực hiện nghiêm quy trình phòng bệnh cho
mình, tránh lây nhiễm chéo, họ còn phải nắm bắt tâm lý bệnh nhân, thường xuyên
tuyên truyền để các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đang được điều trị, theo dõi tại
đây hiểu rõ về sự cần thiết phải cách ly, theo dõi... giúp họ yên tâm, hợp tác
trong điều trị, không trốn viện ra ngoài cộng đồng.
“Những ngày đầu tháng 2, dịch bệnh bùng phát mạnh
ở Trung Quốc, tại Việt Nam xuất hiện hàng chục ca bệnh tại các tỉnh, thành phố,
Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng tiếp nhận các ca bệnh nghi
nhiễm vào điều trị, chúng tôi cũng lo lắng, tâm tư lắm. Mặc dù đã được tập huấn,
tuyên truyền, nhưng đây là một bệnh truyền nhiễm mới, chưa có thuốc đặc trị,
trong khi tại Trung Quốc, có hơn 1 nghìn bác sĩ, nhân viên y tế nhiễm bệnh và
đã có những người không qua khỏi, khiến chúng tôi băn khoăn. Nhưng rồi, với
trách nhiệm của một người thầy thuốc, với nhiệm vụ được giao, đặc biệt, chúng
tôi được trang bị đầy đủ phương tiện, quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay...,
nên nhắc nhau cùng thận trọng, thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình khám, chữa
bệnh; tích cực chăm sóc, động viên người bệnh cùng hợp tác điều trị. Rất may, tất
cả các ca nghi nhiễm đều có kết quả âm tính” - Bác sỹ Trần Thị Thu Hiền, Khoa
Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Nam,
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, với những người làm lĩnh vực
y tế dự phòng thì mỗi lần xuất hiện một ổ dịch, bệnh dịch nào đó là một lần
mang nỗi lo bùng phát dịch trong cộng đồng. Đối với dịch bệnh Covid-19, chỉ cần
một bệnh nhân nghi ngờ là cả hệ thống trong ngành đã “chạy” bất kể đêm ngày, điện
thoại thường trực 24/24h và liên tục “cháy máy”, ăn không ngon, ngủ không yên;
không kể ngày đêm, giám sát người đến từ vùng dịch, người nghi nhiễm, đến người
tiếp xúc gần, những người từng tiếp xúc, điều tra tiền sử bệnh tật, điều tra dịch
tễ, diễn biến bệnh... để vừa hỗ trợ y tế cho những người này, vừa để kiểm soát
lây bệnh cho cộng đồng, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người dân.
Theo đồng chí Vũ Mạnh Dương,
Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình, ngành Y tế xác định đây là cuộc chiến dài ngày và
những chiến sĩ áo trắng là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch
bệnh nguy hiểm này. Trước đó, ngành Y tế đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nhiều
cuộc họp trực tuyến với các đơn vị, cơ sở y tế trong ngành về kiến thức phòng,
chống dịch bệnh, quy trình cách ly, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm..., giúp cán bộ,
nhân viên y tế hiểu rõ nguyên nhân, diễn biến, các triệu chứng của bệnh; các biện
pháp phòng ngừa, ổn định tư tưởng, không hoang mang, lo sợ, nhưng cũng không chủ
quan, lơ là với dịch. Đồng thời tham mưu với chính quyền các cấp đầu tư kinh
phí mua sắm vật tư y tế, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, đúng quy định, đảm bảo
an toàn, an tâm cho mỗi cán bộ, nhân viên y tế, với quyết tâm cao nhất cùng
chung tay phòng chống, khống chế và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
( Báo Ninh BÌnh)