THÔNG BÁO








Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Lịch sử hình thành và phát triển

TÓM TẮT LỊCH SỬ Y TẾ NINH BÌNH

 

  I. Y TẾ NINH BÌNH THỜI KỲ TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945

  1. Đặc điểm địa lý, khí hậu kinh tế xã hội  

Ninh Bình là tỉnh nằm ở phía nam đồng bằng bắc bộ, có 3 vùng sinh thái: vùng miền núi, đồng bằng và ven biển. Trước cách mạng tháng 8/1945, dân số Ninh Bình có khoảng 20 vạn người. Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nhưng phương thức canh tác lạc hậu, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu hầu như không có, nên hiệu quả canh tác và sản lượng lương thực rất thấp.

Với đặc điểm địa lý, khí hậu của Ninh Bình, có vùng rừng núi âm u rậm rạp hiểm trở như: Tam Điệp, Quán Cháo - Đồng Giao, Trường Yên - Hoa Lư và có khu rừng nguyên sinh Cúc Phương, khí hậu ẩm ướt là nơi cư trú của nhiều loại côn trùng như ruồi, muỗi, ve mò, bọ chét và các loài chim, khỉ là những vật trung gian dễ truyền bệnh sang người. Cùng với cuộc sống lạc hậu, đói nghèo dẫn đến tình trạng cơ thể bị suy kiệt sinh ra ốm đau bệnh tật, nhiều dịch bệnh phát sinh, phát tán. Tỷ lệ mắc bệnh thường rất cao, nhất là trẻ em. Tuổi thọ trung bình của người dân thấp. Tình hình dịch bệnh và các bệnh xã hội như sốt rét, đau mắt, suy dinh dưỡng, lao, phong, tâm thần,… diễn ra ở khắp nơi và mọi lứa tuổi.

2. Quá trình phát triển nền y dược học

Nền y dược học của đất nước ta đã có từ lâu đời gắn liền với sự hình thành và phát triển của dân tộc. Từ xa xưa ông cha ta đã biết dùng cây cỏ, động vật để làm các phương thuốc phòng và chữa bệnh như: xoa bóp, đánh cảm, xông hơi, châm cứu, v.v… những phương pháp chữa bệnh này được truyền miệng trong dân gian, nhiều người biết tự chữa cho mình và cho gia đình. Từng bước các nhà y dược học thời xưa đã nghiên cứu đúc kết những bài thuốc hay, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, có tính kế thừa, chọn lọc và có sức sống mãnh liệt, trường tồn với dân tộc.

Tuy lý luận và phương pháp chữa bệnh của nền y học cổ truyền dân tộc còn ở mức áp dụng y học lâm sàng, theo kinh nghiệm chưa có cơ sở khoa học để chứng minh, nhưng nó đã góp phần đáng kể trong việc phục vụ sức khỏe nhân dân trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, theo chiều dài của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Những danh y tiêu biểu: Thiền sư Tuệ Tĩnh (tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh); Thiền sư Minh Không (tên thật là Nguyễn Chí Thành); Hải Thượng Lãn Ông (tên thật là Lê Hữu Trác);,...

 

II. Y TẾ NINH BÌNH THỜI KỲ (1919 - 1945)

 Vào khoảng những năm 1920, nhà thương tỉnh Ninh Bình được xây dựng tại tỉnh lỵ (nay là thành phố Ninh Bình) gồm 5 căn nhà 1 tầng. Những năm ba mươi (thế kỷ XX) có thêm 2 cơ sở y tế được xây dựng ở thị trấn Phát Diệm và thị trấn Nho Quan, mỗi cơ sở chỉ có 3 - 4 căn nhà nhỏ 1 tầng. Cả tỉnh có 100 giường bệnh. Nhân viên y tế chỉ có 3 thầy thuốc cho cả 3 nhà thương. Những năm đầu có bác sĩ người Pháp và người Việt Nam.  

Những năm sau, nhân viên y tế chủ yếu là người Việt Nam có trình độ trung cấp (gọi là y sĩ Đông Dương). Lúc này cả tỉnh chỉ có trên 20 y tá nữ hộ sinh và một số hộ lý. Tổ chức y tế tại các xã hầu như không có, một số làng xã có bà đỡ vườn làm việc đỡ đẻ. Về chuyên môn kỹ thuật: nội khoa chỉ mới khám và chữa được các bệnh nội nhi, bệnh truyền nhiễm thông thường; sản khoa mới giải quyết được những ca sản thường; ngoại khoa mới làm được trung tiểu phẫu thuật đơn giản ở các cơ quan vận động và ngoài da, chưa phẫu thuật được ổ bụng, lồng ngực. Công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống các bệnh xã hội và công tác y tế nông thôn hầu như không làm được, ngoài việc hàng năm các bệnh viện cử y tá xuống các xã triển khai chủng đậu và tiêm phòng tả cho nhân dân.

III. Y TẾ NINH BÌNH THỜI KỲ (1946 - 1954)

Tháng 8 năm1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn đảng, toàn dân ta đã dứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trong đoàn người tham gia cách mạng có nhiều người là nhân viên y tế đã tham gia nhập quân khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh và các huyện Gia Viễn, Gia Khánh.          

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, từ một ngành y tế hoàn toàn bị phụ thuộc và nhiều khó khăn thiếu thốn, trải qua bao thăng trầm của lịch sử; đến nay ngành Y tế Ninh Bình đã trở thành một bộ phận của chính quyền cách mạng, có nhiệm vụ phục vụ sức khỏe cho nhân dân lao động, phong cách làm việc và thái độ, trách nhiệm với bệnh nhân từng bước được nâng cao, đánh dấu sự đổi mới tiến bộ vượt bậc Y tế Ninh Bình.

Mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là y tế xã được thiết lập và không ngừng kiện toàn, củng cố. Chính nhờ có mạng lưới y tế xã, thôn mà công tác cấp cứu trong chiến tranh mới được kịp thời, tình trạng tử vong giảm đi rõ rệt. Mặt khác nhờ có y tế xã mới thực hiện được các phong trào vệ sinh phòng bệnh, tuyên truyền hướng dẫn y học thường thức trong nhân dân như phong trào ba sạch: Ăn sạch, ở sạch, uống sạch; phong trào bốn diệt: Diệt ruồi - Diệt muỗi - Diệt chấy rận và diệt chuột là những vật trung gian truyền bệnh dịch nguy hiểm, tuyên truyền vận động nhân dân không ăn rau sống, không uống nước lã, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tránh làm ô nhiễm môi trường để quản lý nguồn lây các bệnh dịch. Cũng từ đây mới có phong trào xây giếng khơi, nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh ở các gia đình. Nhờ vậy các dịch bệnh lớn như: dịch tả, đậu mùa khỉ, sốt rét,… dần dần được khống chế. Tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh dịch ngày càng giảm rõ rệt, tuổi thọ trung bình trong nhân dân được nâng lên, các bệnh thông thường được khám, phát hiện và điều trị kịp thời ngay tại địa phương.

Về tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng trong ngành Y tế từ những năm 1946 - 1949, ngành y tế Ninh Bình đã có đảng viên và chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến năm 1950, đã thành lập được tổ chức công đoàn.  

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các cơ sở y tế của tỉnh Ninh Bình phải di chuyển nhiều lần, qua nhiều địa điểm khác nhau phục vụ cho việc khám và chữa bệnh cho bộ đội, dân quân du kích và nhân dân. Y dụng cụ thuốc men thiếu thốn, nguồn cung cấp hạn chế. Việc chăm sóc, dinh dưỡng cho thương bệnh binh, bệnh nhân rất khó khăn. Các bệnh viện luôn phải di chuyển theo tình hình của chiến sự, nhưng toàn ngành Y tế Ninh Bình không hề lùi bước trước những gian nan nguy hiểm, đã khắc phục được những khó khăn thiếu thốn, đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ phục vụ sản xuất, chiến đấu kịp thời. Nhiều cán bộ y tế đã dũng cảm xông pha dưới làn mưa bom bão đạn, cứu thương, băng bó cho thương binh và chuyển thương binh về tuyến sau, để tiếp tục chữa trị, góp phần giảm thiểu đi nhiều thương vong trong chiến đấu. Ở hậu phương, cán bộ y tế vừa làm nhiệm vụ tiếp tục điều trị và nuôi dưỡng thương binh từ các mặt trận gửi về, lại vừa làm công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân biết tự sơ cứu các vết thương. Đồng thời vận động nhân dân tham gia phong trào vệ sinh phòng chống các dịch bệnh góp phần làm cho tỷ lệ mắc bệnh và tử vong vì bệnh tật giảm nhiều.

 

IV. Y TẾ NINH BÌNH THỜI KỲ (1954 - 1965)

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Song khó khăn rất lớn, nhất là việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giải quyết những bệnh tật, hậu quả của chiến tranh, bệnh tật gia tăng, nhiệm vụ của ngành y tế hết sức nặng nề.

Được Lệnh của Bộ Y tế và Ủy ban hành chính tỉnh, ngành y tế Ninh Bình đã cử một số cán bộ, nhân viên y tế mang theo phương tiện, thuốc men, vừa làm nhiệm vụ khám bệnh, phát thuốc cho những người bị ốm đau, vừa giải thích vận động nhân dân quay trở lại với nhà cửa, quê hương, làng xóm.  

Để mở rộng mạng lưới y tế cơ sở, cuối năm 1959, Ty Y tế Ninh Bình đã mở các lớp đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế ở các huyện và thị xã. Giáo viên là các y bác sĩ của Ty Y tế, của Bệnh viện Ninh Bình và bệnh xá các huyện. Đến năm 1961, tỉnh ta bắt đầu đào tạo dược tá. Các lớp được tổ chức theo mùa vụ sản xuất để tiện cho học sinh ở nông thôn có điều kiện theo học.

Các Trạm y tế đã tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền xã, liên tục phát động chiến dịch vệ sinh, phòng chống dịch, phòng chữa bệnh với khẩu hiệu: “ngõ rộng, đường quang, sạch làng, lúa tốt”. Đặc biệt chú ý đến việc phòng chống tả, mở các lớp tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở về công tác tuyên truyền cho nhân dân cách ăn sạch, ở sạch, uống sạch và 3 diệt: Diệt ruồi – Diệt muỗi và diệt chấy rận.

Ngày 09/6/1960 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 211 về việc tăng cường công tác y tế. Ngày 10/6/1961, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị tiêu diệt bệnh sốt rét. Thực hiện các Chỉ thị này, ngành Y tế Ninh Bình đã mở nhiều đợt nhỏ thuốc cúm, chủng đậu, tiêm vác xin phòng bệnh, thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét cho nhân dân.

Trong những năm sau hòa bình lập lại, hệ thống tổ chức của ngành y tế ngày càng được tăng cường và kiện toàn: Bệnh viện tỉnh, bệnh xá huyện và các công nông trường xí nghiệp lớn, các trạm y tế, hộ sinh xã bảo đảm nhu cầu chữa và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

V. Y TẾ NINH BÌNH THỜI KỲ (1965 - 1975)

Ngành Y tế Ninh Bình được xây dựng và trở thành lực lượng cách mạng của Đảng, nhanh chóng triển khai công tác phòng và chữa bệnh cho dân, đồng thời cùng với quân và dân trong tỉnh, tham gia kháng chiến chống đế quốc xâm lược, bảo vệ quê hương.        

Chặng đường 10 năm, xây dựng và phát triển, ngành Y tế Ninh Bình có những bước tiến rõ rệt. Xây dựng được mạng lưới y tế rộng khắp, từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thôn bản, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp thu từ một y tế nhỏ bé, manh mún, lạc hậu của chính quyền cũ để lại, chúng ta đã nhanh chóng thu xếp cơ sở vật chất, ổn định tổ chức, đi vào hoạt động, từng bước khắc phục khó khăn, vừa phục vụ, vừa củng cố, xây dựng và phát triển sự nghiệp của ngành. Nét nổi bật là công tác xây dựng cơ sở vật chất, nhà cửa, mua sắm trang thiệt bị đào tạo bồi dưỡng cán bộ, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ để có đội ngũ cán bộ “Hồng thắm, chuyên sâu”.

VI. Y TẾ NINH BÌNH THỜI KỲ (1975 - 1992)

Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), đứng trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; cả nước cùng bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, tỉnh Ninh Bình sáp nhập với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Y tế khu vực Ninh Bình cùng với Y tế tỉnh Hà Nam Ninh ra sức chăm lo xây dựng, phát triển ngành, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trong điều kiện đất nước vừa qua khỏi cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ, ngành y tế còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Song với tinh thần tự lực, tự cường ngành đã từng bước khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

17 năm (1975 - 1992), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Y tế, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam Ninh, ngành Y tế Hà Nam Ninh đã phát huy sức mạnh tổng hợp toàn ngành, chung sức, chung lòng xây dựng và phát triển sự nghiệp Y tế, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo nguồn kế cận bổ sung cho ngành, lập nhiều thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

VII. Y TẾ NINH BÌNH THỜI KỲ (1992 - 1996)

Ngày 24/12/1991, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa VIII) ra Nghị quyết chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Ngày 01/4/1992, tỉnh Ninh Bình tái lập và bắt đầu đi vào hoạt động theo tỉnh mới. Ngành Y tế Ninh Bình lúc này tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ cấp bách: Kiện toàn mạng lưới chăm sóc sức khỏe nhân dân và tập trung xây dựng định hướng phát triển sự nghiệp và xây dựng chiến lược Y tế. Ngay sau ngày tái lập tỉnh, ngành Y tế Ninh Bình đã nhanh chóng ổn định tổ chức, từ cơ quan văn phòng Sở đến các Trạm chuyên khoa và Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em - Kế hoạch hóa gia đình, đều được kiện toàn, bổ sung thêm cán bộ chuyên môn. Các chức danh trưởng, phó các đơn vị và các phòng ban văn phòng Sở được lựa chọn, đề bạt để giúp Giám đốc Sở trong công tác quản lý và chỉ đạo chuyên môn, thực hiện việc mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh cho nhân dân. Cũng từ đây Xí nghiệp liên hợp dược Ninh Bình được thành lập (theo Quyết định số 205/QĐ-UB, ngày 09/7/1992 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình) và bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ yêu cầu thuốc chữa bệnh của nhân dân.

Căn cứ vào chủ trương phát triển sự nghiệp Y tế của Đảng, chính sách của Nhà nước và kết quả khảo sát tình hình thực trạng, tháng 10/1992, ngành Y tế Ninh Bình triển khai nghiên cứu xây dựng đề án: “Sắp xếp lại hệ thống tổ chức của ngành Y tế Ninh Bình”, theo hướng quản lý tập trung thống nhất theo ngành, thực hiện mô hình trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã. Từ đây ngành Y tế Ninh Bình chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn quản lý tập trung thống nhất theo ngành trên phạm vi toàn tỉnh thay thế cho quản lý cấp huyện, thị xã trước đây. Tổ chức bộ máy của ngành y tế được củng cố và kiện toàn, đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, nhanh chóng tiếp thu những thành tựu khoa học tiên tiến, đưa sự nghiệp Y tế tỉnh nhà ngày một phát triển, đáp ứng nhu cầu phục vụ sức khỏe nhân dân.

VIII. Y TẾ NINH BÌNH THỜI KỲ (1996 - 2023)

Trong gần 30 năm, cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, ngành y tế Ninh Bình trải qua những khó khăn, thách thức, nhưng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được kết quả vững chắc. Sức khỏe của người dân có những cải thiện rõ rệt, tuổi thọ trung bình của người dân tăng, mạng lưới y tế dự phòng rộng khắp từ tỉnh tới thôn, bản, không để dịch lớn xảy ra. Đến nay, trên địa bàn tỉnh: 100% số xã và thôn, bản đã có nhân viên y tế hoạt động, gần 80% số xã có bác sĩ hoạt động; trên 80% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) từ tuyến tỉnh xuống cơ sở, cả công lập và ngoài công lập, được mở rộng và củng cố về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo cán bộ để cung cấp dịch vụ KCB đa dạng và chất lượng hơn. Một số chính sách về nâng cao chất lượng dịch vụ được ban hành, thực hiện mang lại hiệu quả cao, như Chỉ thị 06/2007/CT-BYT, ngày 07/12/2007 và Quyết định số 1816/QĐ-BYT, ngày 26/5/2008 phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816) của Bộ Y tế,... nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai.

Số lượng cán bộ y tế được đào tạo đã tăng nhanh qua các năm qua, nhất là số bác sĩ, dược sĩ đại học, điều dưỡng và kỹ thuật viên y học. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng tăng, từng bước phấn đấu đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2015. Chính sách hỗ trợ cho các đối tượng được hưởng chính sách của Nhà nước trong KCB đã có những bước tiến mới với nhiều mức thích hợp.

 

IX. KẾT LUẬN

Gần 80 năm (1945 - 2023), phục vụ cách mạng, xây dựng đất nước và bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngành Y tế Ninh Bình đã từng bước trưởng thành, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, làm nên truyền thống vẻ vang của quân và dân Ninh Bình.

Từ cơ sở ban đầu, với vài chục nhân viên y tế có trình độ hạn chế, cơ sở vật chất trang thiết bị hết sức nghèo nàn thiếu thốn, ngày nay ngành Y tế Ninh Bình đã có một hệ thống tổ chức hoàn thiện, khoa học và hợp lý, đội ngũ cán bộ, thầy thuốc có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các cơ sở y tế của ngành từ tỉnh đến xã, phường, thôn bản được mở rộng, củng cố và nâng cao với trang thiết bị khá đầy đủ ngày một hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong mọi điều kiện, nhất là thời kỳ đổi mới trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Thành quả đã đạt được gần 1 thế kỷ qua là nhờ có đường lối cách mạng của Đảng soi sáng, sự lãnh đạo sát sao của Đảng bộ, sự chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của nhân dân, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất của đội ngũ cán bộ nhân viên của ngành sớm giác ngộ lý tưởng, đi theo con đường đấu tranh cách mạng của Đảng, phục vụ nhân dân. Đoàn kết thống nhất, ra sức rèn luyện, hăng hái học tập không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và khoa học, chăm lo bảo vệ sức khỏe cho dân. Ngành đã cứu chữa hàng ngàn thương bệnh binh, hàng chục vạn người khỏi bệnh hiểm nghèo, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng vạn gia đình, góp phần nâng cao tuổi thọ, làm cho mọi người sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, tạo dựng niềm tin yêu trong nhân dân. Với những đóng góp quan trọng, ngành Y tế Ninh Bình thực sự là một đội quân cách mạng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh./.