Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm ( ATVSTP)
Lượt xem: 4924
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu xảy ra khoảng 40 triệu vụ ngộ độc. Một nửa số ca tử vong trên thế giới có liên quan tới lương thực, thực phẩm. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 50%. Đến nay, thực phẩm bẩn không chỉ là vấn đề của một quốc gia riêng lẻ mà là vấn nạn của toàn thế giới, vừa gây tổn hại về sức khỏe vừa tổn thất nghiêm trọng về kinh tế. Ở các nước đang phát triển, ước tính mỗi năm có 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra, trong đó tiêu chảy do thực phẩm và nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng năm cho khoảng 2,2 triệu người trong đó hầu hết là trẻ em. Vì vậy nhận thức của người tiêu dùng, nhà sản xuất kinh doanh về an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng góp phần giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm sảy ra.

Ý thức của chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm

Trong tháng hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2017, sau khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh bán kẹo trên địa bàn tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của tỉnh đã phát hiện một số sản phẩm hết hạn sử dụng, hàng không nhãn mác, nơi sản xuất vẫn được bày bán công khai. Cũng trong đợt kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đã bộc lộ những sai phạm mà chủ yếu do ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở như thiếu một số giấy tờ: Giấy khám sức khỏe; giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATVSTP đối với chủ cơ sở, nhân viên bán hàng; đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP đối với cơ sở; hóa đơn, hợp đồng mua bán nguyên liệu, phụ gia thực phẩm... Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng... vẫn được bày bán công khai, đặc biệt là tại các xã vùng cao. Khi được hỏi về những quy định về luật an toàn vệ sinh thực phẩm, các chủ đại lý kinh doanh đều trả lời đúng. Tuy nhiên việc thực hiện lại không đúng như quy định.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, đến nay toàn tỉnh có khoảng  trên 2 nghìn cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm; đã thành lập được hàng chục đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành từ tỉnh đến xã trong các dịp cao điểm. Thế nhưng, không ít chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn chưa ý thức được rằng, những vi phạm trong đảm bảo ATVSTP sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người tiêu dùng.

Ý thức người tiêu dùng

 Tại các khu chợ tự phát, vấn đề vệ sinh thực phẩm không được các tiểu thương quan tâm. Hàng bán gia cầm, thịt, cá xen lẫn ngay trong khu vực bán rau, quả và đồ ăn chín; hoặc bày bán ngay trên những tấm nilon rải tạm trên nền đất... tuy vậy, khách hàng vẫn thản nhiên chọn mua. Khi hỏi số khách hàng Nguyễn Văn An ở phường Tân Thành – thành phố Ninh Bình về vấn đề ATVSTP, chúng tôi bất ngờ khi nhận được câu trả lời: tôi về rửa sạch làm chín là được, trong chợ hay ngoài chợ ở đâu chả thế! Mua ở đây rất nhanh, gọn và không tốn thời gian chờ đợi gửi xe…

 Còn trên các tuyến đường trên địa bàn thành phố có thể gặp không ít các quán ăn vỉa hè. Nhiều người vẫn thản nhiên ăn uống dù ngồi ngay sát đường đầy bụi, rác thải, ống cống. Vì là quán ăn vỉa hè nên việc sử dụng nước để rửa chén, bát, ly… không đảm bảo vệ sinh, dưới chân bàn, ghế, giấy ăn, rác vứt bừa bãi... Về chất lượng ATVSTP của các mặt hàng nói trên thì không ai dám đảm bảo.

Có thể nhận thấy, chính sự dễ dãi về vấn đề ATVSTP của người tiêu dùng dường như  tạo đà  cho việc buôn bán, kinh doanh thiếu ý thức của những người bán hàng.

 Cần nâng cao nhận thức trong an toàn thực phẩm

Thực tế cho thấy, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh kém an toàn, khiến cho người dân không khỏi lo ngại. Bà Nguyễn Thị Hường – Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh  cho biết: Thời gian qua, công tác đảm bảo ATVSTP luôn được sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Công tác truyền thông được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, bằng nhiều hình thức; tổ chức các lớp tập hấn cho các đối tượng là nhân viên y tế thôn bản, cán bộ y tế xã phường, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm..Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn : số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn; lực lượng cán bộ chuyên trách ATVSTP các tuyến còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm nên năng lực hạn chế; một số địa phương chưa thật sự quan tâm tới vấn đề ATVSTP; một số người kinh doanh, tiêu dùng thiếu kiến thức về ATVSTP, dẫn đến còn sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn...

Đảm bảo ATVSTP là việc làm thường xuyên. Để đạt kết quả bền vững, cần sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các cấp chính quyền, ngành chức năng; tăng cường truyền thông để nâng cao ý thức của mỗi người dân khi sử dụng chế biến thực phẩm, đồng thời phát huy sức mạnh của truyền thông nhằm xóa bỏ cơ sở chế biến tiêu thụ thực phẩm không an toàn cũng là đảm bảo cho lợi ích, sức khoẻ của bản thân, gia đình và xã hội.

Thu Minh

  • Từ khóa :