Đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Hiện nay, trên khắp các tuyến đường,
tại các khu dân cư, nơi công cộng, tập trung đông người, các nhà máy, xí nghiệp,
công sở, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang.... của thành phố Ninh Bình và
các huyện, thành phố trong tỉnh, đều bắt gặp các băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ
gấp.... được căng treo hoặc gửi tới người dân có nội dung tuyên truyền về dịch
bệnh Covid-19, cho thấy, công tác tuyên truyền trực quan về dịch bệnh đã được
thực hiện tương đối tốt.
Phát khẩu trang y tế tại Trường THPT Yên Khánh A, huyện Yên Khánh
Ông Đinh Trần Thủy, Giám đốc
Trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh thành phố Ninh Bình cho biết: Để
nâng cao nhận thức cho người dân về dịch bệnh Covid-19, ngay từ những ngày đầu
tháng 1/2020, khi dịch bệnh bắt đầu lây lan rộng tại Trung Quốc và Việt Nam xuất
hiện một số ca bệnh, thành phố Ninh Bình đã chỉ đạo Trung tâm văn hóa, thể thao
và truyền thanh đẩy mạnh công tác tuyên truyền và coi đó là biện pháp, hình thức
rất quan trọng. Theo đó, Trung tâm đã chủ động và phối hợp với các cơ quan, đơn
vị trên địa bàn thành phố căng treo hàng trăm băng zôn, phát hàng nghìn tờ rơi,
tờ gấp; đồng thời tăng thời lượng phát sóng trên Đài truyền thành từ thành phố
đến các phường, xã. Mỗi ngày, Đài Truyền thanh thành phố thực hiện phát 6 lần,
nội dung tập trung vào nguyên nhân lây nhiễm bệnh; các biện pháp phòng, chống dịch
bệnh; cách sử dụng khẩu trang y tế đúng cách và các khuyến cáo đối với người
dân, khách du lịch... theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Với trách nhiệm của mình, Sở Y tế
đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung vào việc tuyên truyền tại các cơ
sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện, nơi tập trung đông người và người bệnh dễ
lây nhiễm chéo. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, công tác truyền thông được
thực hiện với nhiều hình thức: Phát video thông điệp phòng, chống dịch bệnh
Covid-19 của Bộ Y tế tại tất cả các khu vực ngồi chờ; phát thanh trên hệ thống
loa nội bộ; dán poster tuyên truyền và phát tờ rơi tại các khoa, phòng để khuyến
cáo, hướng dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân... Bên cạnh đó, Bệnh viện còn
tuyên truyền trên Website của Bệnh viện nhằm đăng tải, cung cấp thông tin đầy đủ,
chính xác và kịp thời về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống
dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời thực hiện tuyên truyền trực tiếp thông qua việc
nhắc nhở người bệnh các biện pháp phòng bệnh tại nơi khám, chữa bệnh, trang bị
thêm dung dịch sát khuẩn tại các khoa, phòng, buồng bệnh...
Đến nay, Sở Y tế đã chỉ đạo, triển
khai in phát tài liệu truyền thông, treo băng zôn, áp phích tại hầu hết các địa
điểm công cộng. Đã in, phát trên 60 nghìn tài liệu tuyên truyền về dịch bệnh
Covid-19; trong đó có trên 50 nghìn tờ rơi/tranh gấp; gần 9 nghìn áp phích, hơn
500 băng zôn.... Đồng thời phối hợp với ngành Du lịch, các đơn vị lữ hành, kinh
doanh dịch vụ du lịch truyền tải các thông điệp, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh
tới các đoàn du lịch, người lao động tới các vùng có dịch; cung cấp các tài liệu
truyền thông hướng dẫn những hành khách tự theo dõi tình trạng sức khỏe và chủ
động liên hệ với các đơn vị y tế khi cần thiết. Đồng thời, Ngành Y tế cũng triển
khai hoạt động đường dây nóng với 2 số hotline là: 0965.26.14.14 của Sở Y tế và
0961.746.188 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để tiếp nhận thông tin
thông báo tình hình dịch bệnh và hỗ trợ, tư vấn biện pháp phòng bệnh Covid–19
cho nhân dân.
Các cơ quan báo chí từ Trung ương
đến địa phương cũng đã tập trung cao độ cho công tác tuyên truyền, tăng thời lượng
đăng tải, phát sóng về diễn biến tình hình dịch bệnh trong tỉnh, trong nước, quốc
tế. Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tùy theo tình hình diễn
biến dịch bệnh, chủ động tăng thời lượng, số lượng đăng tải, phát sóng tuyên
truyền về dịch bệnh, đã có hàng trăm tin, bài, phóng sự, phỏng vấn... nội dung
tập trung tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ nguy
cơ và cách thức phòng ngừa dịch bệnh; nâng cao ý thức của người dân về việc
tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây
lan của dịch bệnh; không lơ là, chủ quan nhưng không được gây hoang mang, lo lắng
trong xã hội...
Các thông tin được cung cấp chính
thống, tin cậy, nhanh chóng đến người đọc, người xem, tránh gây hoang mang dư
luận, giúp người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, Đài
truyền thanh các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn cũng đã tăng thời
lượng, số lượng tin, bài đăng, phát trên hệ thống truyền thanh, với nội dung ngắn
gọn, dễ hiểu và hướng dẫn các bước cơ bản giúp người dân tự phòng, chống dịch bệnh
Covid-19 như: Sử dụng khẩu trang đúng cách, rửa tay bằng xà phòng, giữ ấm cơ thể;
hướng dẫn người dân cách khai báo với chính quyền địa phương các trường hợp người
đi từ vùng dịch về để theo dõi, cách ly, giám sát sức khỏe...
Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
đã xây dựng và ban hành công văn, hướng dẫn tuyên truyền về công tác phòng, chống
dịch Covid-19; LĐLĐ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ và các tổ chức chính trị-xã hội
cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác tuyên truyền, vận động đoàn
viên, hội viên và nhân dân tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt,
Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương
tiện thông tin đại chúng về thông tin dịch bệnh, cập nhật tình hình dịch bệnh
và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đấu tranh với các tổ chức, cá nhân
đưa các thông tin không chính xác, gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống nhân
dân...
Hiện nay, tình hình dịch bệnh
Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và nguy cơ cao tại Việt
Nam, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cần chung tay phòng, chống dịch
bệnh nguy hiểm này. Theo đó, các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, dự phòng
cần tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, các cơ quan báo chí, hệ thống đài truyền
thanh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; mở các chuyên
trang, chuyên mục về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để cán bộ, đảng viên và
nhân dân nhận rõ tính chất anguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh gây
ra. Đồng thời thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức, ý thức
và trách nhiệm cho người dân dự phòng là chính, không được chủ quan, lơ là
nhưng cũng không hoang mang trước tình hình dịch bệnh, góp phần nâng cao ý thức,
trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh của mỗi người, không để dịch bệnh xuất hiện
và lây lan ra cộng đồng.