Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Chăm sóc trẻ viêm phế quản đúng cách để giúp trẻ chóng hồi phục
Viêm phế quản ở trẻ nhỏ là tình trạng viêm nhiễm kích thích ở niêm mạc phế quản, là rối loạn xuất tiết, phản ứng tại chỗ của phế quản. Đây là một bệnh nhiễm trùng hoặc viêm các đường dẫn không khí đến phổi.

    Khi trẻ nhỏ bị cảm lạnh, đau họng, cảm cúm hoặc nhiễm trùng xoang mũi, virus gây bệnh có thể xâm nhập phế quản. Đây là nguyên nhân khiến đường hô hấp bị viêm, sưng lên và bị dịch nhầy làm tắc. Vì vậy, việc chăm sóc đúng và cần nhận biết dấu hiệu nguy hiểm để đưa trẻ nhập viện kịp thời là vô cùng quan trọng.

    Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ

    Viêm phế quản ở trẻ em có thể là cấp tính hoặc mạn tính, đối với viêm phế quản mạn tính có thể kéo dài từ vài tháng tới nhiều năm, trong khi đó viêm phế quản cấp tính ở trẻ thường diễn ra trong thời gian ngắn. Trẻ sơ sinh ít bị viêm phế quản, các bé lớn hơn thường mắc viêm tiểu phế quản. Viêm tiểu phế quản ở trẻ xảy ra khi đường hô hấp trong phổi của trẻ bị đờm lấp đầy và sưng lên.

    Có nhiều nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ, tuy nhiên nguyên nhân do nhiễm các loại virus là thường gặp nhất. Một trong số đó là virus Parainfluenza gây viêm đường hô hấp trên và dưới, virus hợp bào hô hấp, các loại virus sởi hoặc cúm.

    Tiếp đến là viêm phế quản do trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn, hay gặp nhất là phế cầu khuẩn H. Influenza, rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn. Đây là những loại vi khuẩn thường có trong mũi - họng, khi sức đề kháng của trẻ bị yếu đi, chúng có cơ hội hoạt động mạnh hơn, từ đó sinh ra độc tính và gây bệnh.

    Ngoài ra, viêm phế quản ở trẻ còn do nguyên nhân từ môi trường. Khí hậu thay đổi đột ngột, thời tiết lúc nóng, lúc lạnh, tình trạng ô nhiễm môi trường… cũng tác động và tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát tán mạnh hơn. Việc trẻ hít phải khói bụi độc hại, sống trong môi trường đầy khói thuốc lá hay những khu vực công nghiệp với những yếu tố độc hại cũng là những nguyên nhân khá phổ biến khiến trẻ mắc bệnh này.

    Một số nguyên nhân khác cũng dẫn đến viêm phế quản như trẻ sinh non, sức đề kháng yếu hay phải dùng kháng sinh trong thời gian dài. Trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc bệnh hen suyễn. Mẹ tắm cho trẻ sai cách hoặc trẻ tắm quá lâu, ngâm mình trong nước lạnh, nhà tắm không được kín gió.

Chăm sóc trẻ viêm phế quản đúng cách để giúp trẻ mong chóng hồi phục - Ảnh 2.

Viêm phế quản ở trẻ nhỏ là tình trạng viêm nhiễm kích thích ở niêm mạc phế quản.

    Biểu hiện viêm phế quản ở trẻ em

    Viêm phế quản ở trẻ khá phổ biến, tuy nhiên lại không có dấu hiệu nào thực sự rõ ràng. Những dấu hiệu đầu tiên cần để ý là trẻ sẽ bỏ bú hoặc bú ít, khóc vì khó thở, chán ăn, nôn ói, thậm chí là đau ngực… do viêm phế quản là khi đường thở bị viêm và tiết dịch nhầy, nên trẻ sẽ có dấu hiệu ho nhiều và khó thở.

    Các mẹ cũng nên chú ý nếu trẻ xuất hiện những cơn sốt và cơn ho kéo dài đến tuần thứ 2, khả năng cao là trẻ đã bị viêm phế quản. Khi cơn ho của trẻ kéo dài từ 2 - 3 tuần, trẻ sẽ bị đau rát cổ họng, có đờm. Đờm thường có màu xanh, xám hoặc hơi vàng. Cùng với đó, trẻ cũng có những dấu hiệu như đau ngực, mệt mỏi hoặc có thể bị sốt nhẹ.

    Cha mẹ cần chăm sóc đúng khi trẻ bị viêm phế quản

    Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở trẻ, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa hô hấp càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám và dựa vào nguyên nhân, mức độ của bệnh để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng trường hợp cụ thể.

    Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng phác đồ chỉ định của bác sĩ, trẻ cần được chăm sóc tốt ngay tại nhà để rút ngắn thời gian điều trị, giúp trẻ mong chóng hồi phục. Cụ thể:

- Cho trẻ uống nhiều nước ấm: Bởi khi viêm phế quản thì đường hô hấp của trẻ bị viêm, trẻ dễ rơi vào trạng thái sốt và mất nước. Lúc này, việc uống đủ nước sẽ giúp bù nước lại cho cơ thể, làm giảm bớt sự tắc nghẽn hô hấp, giúp làm loãng đờm và dịch nhầy, tạo điều kiện để tống xuất đờm khi ho.

 

    - Vệ sinh làm sạch đường thở của trẻ: Việc vệ sinh sạch sẽ là vô cùng cần thiết khi trẻ viêm nhiễm. Cần vệ sinh nhà ở nơi ngủ của trẻ. Dùng nước muối để rửa mũi cho trẻ là cách để làm giảm nghẹt mũi hiệu quả. Nên để trẻ được nghỉ ngơi, tăng khả năng tự hồi phục của cơ thể. Cần kê cao đầu của trẻ khi ngủ để giúp trẻ dễ thở hơn. Cần giữ ấm cho trẻ và tránh kích ứng đường hô hấp bởi không khí lạnh, đồng thời giữ trẻ tránh xa những nơi có khói thuốc lá. Có thể cho trẻ dùng mật ong pha nước ấm (trẻ trên 2 tuổi) để làm giảm ho, do mật ong có tính kháng viêm, sát trùng cổ họng.

 

 

Chăm sóc trẻ viêm phế quản đúng cách để giúp trẻ mong chóng hồi phục - Ảnh 3.

 

    Cần cho trẻ ăn đúng cách để phòng bệnh viêm phế quản. Ảnh minh hoạ.

    - Cần cho trẻ ăn đúng cách: Khi trẻ bị viêm phế quản, nhiều bậc cha mẹ thường băn khoăn không biết nên cho trẻ ăn gì? Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi chăm sóc trẻ bị viêm phế quản cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, bởi lúc này cơ thể trẻ yếu, suy kiệt, dễ mất nước... cần bổ sung dưỡng chất phù hợp để trẻ mau hồi phục.

    Trẻ bị viêm phế quản nên ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như ngũ cốc, thịt, cá, sữa bò, trứng gà, đậu phụ, sữa chua, chất béo lành mạnh. Rau xanh và hoa quả tươi chứa nhiều khoáng chất và các loại Vitamin A, C, E như cà rốt, rau cải xanh, bí ngô, dâu tây… Thức ăn dạng lỏng, mềm và dễ nuốt gồm canh, cháo, súp. Cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây, rau củ.

    Trẻ bị viêm phế quản nên tránh các thực phẩm như: Bánh kẹo ngọt, nước uống có gas. Trẻ cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm hoặc đồ ăn nhanh có chứa nhiều dầu mỡ như thịt chiên, khoai rán, gà chiên… Tránh ăn đồ quá nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng, khó tiêu hóa như tinh bột nguyên hạt…

    Cha mẹ cần lưu ý nên cho trẻ ăn ăn nhiều bữa, mỗi bữa ăn không quá nhiều. Thức ăn nên được nấu nhừ, dạng lỏng (cháo, bột…) để dễ tiêu hoá.

    Lời khuyên thầy thuốc

    Để phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm phế quản ở trẻ, cha mẹ cần giữ cơ thể trẻ luôn đủ ấm, đặc biệt là vào mùa lạnh và thời điểm giao mùa. Đối với trẻ dễ bị kích ứng bởi các tác nhân như bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo… nên hạn chế khả năng tiếp xúc.

    Việc giữ môi trường sống của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và môi trường ô nhiễm, ẩm mốc… cũng vô cùng quan trọng. Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhằm nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho trẻ.

 

Nguyễn Minh ( theo suckhoedoisong.vn)

  • Từ khóa :