Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Ngành Y tế tỉnh Ninh Bình kiểm soát tốt các dịch bệnh truyền nhiễm
    Có thể nói, năm 2022 tiếp tục là năm có nhiều biến động với việc lây lan và bùng phát một số dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi, trong đó đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm. Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, ngành Y tế Ninh Bình đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khống chế thành công các dịch bệnh nguy hiểm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

     Phòng bệnh hơn chữa bệnh là phương châm luôn được đề cao trong y học hiện nay. Xuất phát từ chủ trương đó, thời gian qua, ngành Y tế Ninh Bình luôn chú trọng đề cao công tác y tế dự phòng, chủ động các biện pháp phòng chống và triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo đó, ngành Y tế Ninh Bình đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh ở người năm 2022; kế hoạch phòng chống các bệnh nguy hiểm như COVID-19, Đậu mùa khỉ, Sốt xuất huyết…; kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo mùa. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

 

          Ngành Y tế đã đảm bảo công tác y tế, vệ sinh môi trường phục vụ cho các sự kiện lớn của tỉnh, như: Lễ Kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh, Lễ hội Hoa Lư năm 2022; Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - năm 2021 (SEA Games 31) diễn ra tại tỉnh Ninh Bình; Lễ kỷ niệm 50 Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972); Đại hội thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình lần thứ VII năm 2022; Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản; Chương trình vinh danh, khen thưởng của Quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh tỉnh Ninh Bình năm 2022; Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV...

          Đặc biệt là những tháng đầu năm 2022, giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với số ca bệnh mắc tăng mạnh ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, ngành Y tế đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Y tế; phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, chủ động, linh hoạt của tập thể cán bộ và lãnh đạo ngành Y tế để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế của tỉnh, tạo điều kiện sớm phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

          Ngành Y tế đã tùy vào điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh để có các biện pháp và tổ chức phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả. Đồng thời mua sắm, bổ sung trang thiết bị, máy móc, hóa chất đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; bố trí nhân lực, địa điểm thu dung và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo quy định. Ngành Y tế cũng tập trung công tác điều trị, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, nhân lực, cơ sở vật chất tại các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, thường xuyên hội chẩn với tuyến Trung ương, tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh, hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong.        

          Cộng dồn từ khi dịch bệnh xuất hiện đến ngày 24/12/2022, tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận 107.143 trường hợp mắc COVID-19.Trong đó, đã điều trị khỏi và xuất viện cho 106.985 ca bệnh; đang điều trị cho 20 ca bệnh; chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị cho 31 ca và có 107 ca bệnh trong tỉnh tử vong, chiếm 0,1%. Đây là sự cố gắng, nỗ lực, chung sức, đoàn kết của toàn ngành trong công tác phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất số ca bệnh phải chuyển tuyến và tử vong.

          Đặc biệt, xác định rõ vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất trong thời điểm hiện nay, ngành Y tế đã chủ động, phối hợp và triển khai tốt các chiến dịch tiêm chủng vắc xin diện rộng cho người dân. Công tác tiêm chủng được thực hiện an toàn, tiết kiệm vắc xin, không xảy ra sự cố sau tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng của tất cả các nhóm tuổi tại tỉnh Ninh Bình đều cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc. Ninh Bình được xếp vào nhóm địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao nhất toàn quốc.

          Tính đến ngày 24/12/2022, số lượng vắc xin đã tiêm toàn tỉnh là 2.871.436 liều. Tỷ lệ tiêm chủng các mũi tiêm ở các nhóm đều cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Trong đó, tiêm tối thiểu 1 mũi cho 99,91% dân số trên 18 tuổi đang có mặt tại tỉnh Ninh Bình, 100% dân số từ 12 - dưới 18 tuổi và 99,42% dân số từ 5 - dưới 12 tuổi; tiêm đủ 2 mũi cho 99,39% dân số trên 18 tuổi đang có mặt tại tỉnh Ninh Bình, 100% dân số từ 12 - dưới 18 tuổi và 87,13% dân số từ 5 - dưới 12 tuổi. Tiêm mũi 3 cho đối tượng trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bình đạt 93,98%, đối tượng từ 12 - dưới 18 tuổi đạt 79,71%. Tiêm mũi 4 cho đối tượng trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bình đạt 100%. Tại hội nghị sơ kết công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 diễn ra vào sáng ngày 21/12/2022 tại Hà Nội do Bộ Y tế tổ chức, Ninh Bình được đánh giá và biểu dương là một trong 7 tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng cao, tất cả các mũi tiêm cho các nhóm đối tượng đều đạt trên 80%.

            Theo bác sĩ Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: mặc dù đạt được những kết quả phấn khởi trong công tác phòng chống, điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng ngành Y tế Ninh Bình nhận định vẫn còn những khó khăn, tồn tại và nguy cơ. Đó là tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, vi rút liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến thể phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.

          Vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão; đô thị hóa và di dân là điều kiện thuận lợi để nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan và bùng phát. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân 2023 sắp tới, hoạt động vận chuyển, buôn bán, đi lại của người dân gia tăng. Cùng với đó là thời tiết thường xuyên thay đổi bất thường, tạo thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, đặc biệt là các bệnh thường gặp vào mùa đông xuân như cúm gia cầm, sởi, ho gà, rota vi rút... Sự gia tăng của các dịch bệnh lưu hành hoặc nguy cơ xâm nhập các bệnh mới nổi/tái nổi như bệnh Đậu mùa khỉ làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch. Hơn nữa vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 ở các địa phương không đồng đều; còn tình trạng né tránh tiêm vắc xin ở một bộ phận người dân, nhất là việc tuân thủ các lịch tiêm của các liều vắc xin nhắc lại. Đặc biệt là còn một bộ phận phụ huynh chưa đồng thuận về chủ trương tiêm vắc xin cho con em mình, ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả tiêm vắc xin trong phòng chống dịch bệnh. Việc tổ chức mua sắm thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ hoạt động chuyên môn gặp không ít khó khăn...

          Trước những thuận lợi và khó khăn trên, ngành Y tế Ninh Bình đề ra các giải pháp phòng, chống dịch trọng tâm trong thời gian tới. Đó là tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là sắp tới thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, tạo thuận lợi cho vi rút dịch bệnh lây lan, phát triển; tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát.

          Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong; khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới "Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh", thông điệp “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.

          Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19. Chủ động có các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên địa bàn và ngăn chặn, kiểm soát với các dịch bệnh mới; tăng cường giám sát, sàng lọc phát hiện sớm các ca mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị; triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng; đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, giảm thiểu nguy cơ dịch chồng dịch.

          Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra; nhất là việc tiêm vắc xin mũi 4 cho người trên 18 tuổi, mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Thường xuyên rà soát, đề xuất nhu cầu vắc xin sát thực tế, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu vắc xin cục bộ cũng như hủy vắc xin hết hạn. Tiếp tục rà soát số liệu tiêm chủng và thúc đẩy việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng hàng ngày lên hệ thống Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác...

Nguyễn Minh

  • Từ khóa :