Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Viêm mũi dị ứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh
Lượt xem: 1206

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến với mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp hơn ở người lớn với những triệu chứng mãn tính, gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Nếu không được điều trị, bệnh có thể chuyển sang dị ứng phế quản, dẫn đến hen phế quản.


Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng có thể khác nhau phụ thuộc vào sự xuất hiện triệu chứng theo mùa, quanh năm hoặc từng đợt.

* Viêm mũi dị ứng theo mùa: thường gặp là phấn hoa và bụi nấm mốc ngoài trời.

* Viêm mũi dị ứng quanh năm: Tác nhân gây viêm mũi dị ứng quanh năm  thường là bụi trong nhà. Trong những vùng thời tiết ấm áp, rất nhiều bụi hoa cỏ phát triển và phát tán quanh năm.

+  Bụi nhà (house dust mites): Là những loại mạt - mò, chúng sống trong nhà, đặc biệt là trên da người và vật cưng nuôi trong nhà, sau đó chúng vung vãi đi khắp nơi. Bụi mạt – mò có thể tìm thấy ở đồ dùng chăn, gối, nệm, thảm trải … Nơi mà nhiệt độ ấm, độ ẩm cao; ngược lại ở nơi nhiệt độ khô hanh rất khó kiếm thấy chúng.

+  Vật cưng: Vật cưng nuôi trong nhà thường gây viêm mũi dị ứng quanh năm, thường nhất là chó, mèo; ngoài ra còn do lông thú vật, chim và các con vật cưng khác.

+  Gián: Gián được cho là nguyên nhân gây ra những cơn suyễn, ngoài ra chúng còn là những bụi nhà gây viêm mũi dị ứng quanh năm.

+  Các loại gặm nhấm: nếu chúng ở trong nhà cũng là nguyên nhân nhạy cảm gây viêm mũi dị ứng.

* Viêm mũi dị ứng không thường xuyên: Xảy ra từng đợt khi có tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng ví dụ như bụi nhà, bụi môi trường, nấm mốc, phấn hoa… gây triệu chứng dị ứng từng đợt. Thức ăn cũng gây viêm mũi dị ứng, tùy theo từng người, triệu chứng dị ứng ở mũi thường kèm với triệu chứng ở da, đường ruột – dạ dày, ở phổi.

* Viêm mũi dị ứng nghề nghiệp: Nguyên nhân do tiếp xúc với tác nhân dị ứng tại nơi làm việc, tùy theo tính chất đặc thù của nghề nghiệp, có thể gây viêm mũi dị ứng từng đợt, theo mùa hoặc quanh năm.

Triệu chứng bệnh Viêm mũi dị ứng

Theo bác sĩ Trần Hải Long, Các triệu chứng lâm sàng là hậu quả của sự giải phóng ngay lập tức hay trì hoãn các hóa chất trung gian (không hạt) của các tế bào hiện diện trong niêm mạc mũi và vòm họng. 

Viêm mũi dị ứng có hai thể: chu kỳ và không có chu kỳ.

Thể bệnh có chu kỳ: thường xảy ra đột ngột về đầu mùa lạnh hay đầu mùa nóng, bệnh nhân thấy nhột cay trong mũi, hắt hơi liên tục vài chục cái, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Sau đó mũi chảy nước đầm đìa, nước mũi trong như nước lã. Người bệnh còn có cảm giác rát bỏng ở kết mạc, vòm họng. Bệnh nhân bị nặng đầu, mệt mỏi uể oải, sợ ánh sáng, nên thường tìm chỗ tối để nằm. Cơn dị ứng xuất hiện nhiều lần trong ngày, tối dịu đi, bệnh kéo dài trong vài ngày đến một tuần rồi tự biến mất. Hàng năm vào đúng thời kỳ đó bệnh lại tái diễn, có những bệnh nhân bị bệnh hàng chục năm. Ở một số bệnh nhân cao tuổi, do bệnh kéo dài nhiều năm, tổn thương làm cho niêm mạc mũi thoái hóa, phù nề gây ngạt mũi; các xương xoăn mũi to phình lên, xen với những polip.

Thể bệnh không có chu kỳ: hay gặp nhất, bệnh nhân thường bị sổ mũi vào lúc sáng sớm thức dậy, giảm đi trong ngày, tái phát khi gặp luồng gió, gặp lạnh, tiếp xúc với bụi. Thời kỳ đầu nước mũi trong, thời gian sau đó đặc lại thành mủ, nước mũi chảy thành từng đợt, có khi viêm loét vùng tiền đình mũi; hắt hơi hàng tràng, trường hợp nặng hắt hơi liên tục nhiều giờ trong ngày, gây mệt mỏi, giảm trí nhớ; ngạt mũi thay đổi tùy theo thời gian, thời tiết và theo mùa; do nghẹt mũi bệnh nhân phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, amidan; các triệu chứng ngứa trong mũi, đau thắt ở gốc mũi, do tiết dịch ứ đọng trong vòm họng nên bệnh nhân luôn phải khạc nhổ; niêm mạc mũi phù nề, nhợt nhạt, phủ dịch nhầy loãng, hoặc mủ đặc, màu trắng hoặc vàng, xanh khi có bội nhiễm vi khuẩn; niêm mạc mũi bị thoái hóa biến thành polyp to nhẵn.

Cách chẩn đoán viêm mũi dị ứng

Việc chẩn đoán viêm mũi dị ứng dựa trên việc hỏi bệnh chính xác kết hợp với xét nghiệm da dương tính phù hợp với dữ liệu từ các test kiểm tra châm da (prick test). Vì vậy, các triệu chứng lâm sàng gợi ý nhiều là chảy nước mũi, hắt hơi, tắc mũi, ngứa mũi và màng hầu-vòm miệng cùng với mất khứu giác (trái với những thông tin nhận được, viêm mũi dị ứng không biến chứng không kèm với rối loạn khứu giác). 

Những triệu chứng này xảy ra tùy theo sự tiếp xúc trong với động vật hoặc tùy thuộc vào tính chu kỳ gợi ý hằng năm của phấn hoa trong trường hợp viêm mũi định kỳ. Trong trường hợp viêm mũi lâu năm, các triệu chứng này thường giảm nhẹ bởi thuốc. Các triệu chứng thường kết hợp với viêm kết mạc và ho (hoặc hen) xảy ra cùng các triệu chứng đi kèm. 

Những yếu tố định hướng rất quan trọng: đặc điểm theo mùa, tiền căn dị ứng bản thân hoặc gia đình, kết hợp với các bệnh khác (phế quản phổi, tai, kết mạc, xoang, da), hiệu quả của thuốc chống dị ứng và / hoặc corticoide tại chỗ. Việc chẩn đoán viêm mũi dị ứng nhằm chứng tỏ một đáp ứng miễn dịch chuyên biệt qua trung gian bởi IgE phát hiện được.

 Các test kiểm tra chích da (châm da, lẩy da) nhạy cảm cao, dễ thực hiện và không tốn kém. Chúng có thể được thực hiện với chất chiết xuất chuẩn hóa hoặc với các chất nguyên sơ. Phương pháp này thường được sử dụng cho các bệnh dị ứng thực phẩm chéo hơn là dị ứng đường hô hấp vì thường nhạy cảm hơn so với chất chiết xuất từ thương mại. 

Nếu cần thiết để khẳng định chẩn đoán, việc nghiên cứu các IgE chuyên biệt trong huyết thanh là chính xác, tuy nhiên giá thành của nó giới hạn việc sử dụng của nó.

 

 

Phương pháp phòng ngừa và điều trị viêm mũi dị ứng

Người bệnh có thể điều trị viêm mũi dị ứng theo nhiều cách khác nhau, bao gồm dùng thuốc chữa viêm mũi dị ứng, cũng như các biện pháp khắc phục tại nhà và có thể là các loại thuốc thay thế. Do đó người bệnh cần được khám và tư vấn của bác sĩ của bạn trước khi thử bất kỳ biện pháp điều trị mới cho viêm mũi dị ứng.

 Các loại thuốc kháng sinh dùng trong viêm mũi dị ứng

- Thuốc chống sung huyết: Pseudoéphédrin, phénylpropanolamin rất hiệu quả với triệu chứng nghẹt mũi nhưng có tác dụng phụ nguy hiểm như tăng huyết áp, đột quị ... Thuốc nhỏ, xịt mũi như Rhinex , Otrivin , nguy cơ viêm mũi do thuốc, không dùng quá 7 ngày .

- Thuốc kháng Histamin: làm giảm triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi, chảy mũi nhưng không hiệu quả đối với nghẹt mũi. Nhóm thuốc cũ như chlorpheniramine ,cyproheptadine ( Périactine ), hydroxyzine ( Atarax ). . .an tòan cho trẻ em > 1 tuổi , nhưng gây buồn ngủ , khô miện,bí tiểu. Nhóm thuốc mới như cétirizine,levocétirizine, loratadine , desloratadine, fexofenadine . . . ít  buồn  ngủ, nhưng một số thuốc có thể gây tác dụng phụ về tim mạch .

- Thuốc kháng viêm corticoide: rất hiệu quả đối với 4 triệu chứng của viêm mũi dị ứng .Thuốc uống như prenisone, dexamethasone …hấp thu toàn thân nhiều, tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày,ức chế trục hạ đồi - tuyến yên –  tuyến thượng thận nên không thể dùng lâu dài .

 

Thuốc xịt mũi tác dụng tại chỗ, ít hấp thu toàn thân, ít tác dụng phụ  , có thể sử dụng cho trẻ em > 4 tuổi và có thể dùng để dự phòng như Beconase , Rhinocort , Flixonase , Nasonex. . . thuốc chỉ có hiệu quả sau 1-2 tuần điều trị , thời gian điều trị có thể kéo dài 1_ 3 tháng

Phòng tránh tác nhân gây viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng thật đa dạng và nhiều nguyên nhân, những trường hợp có cơ địa dị ứng cần cảnh giác cao với viêm mũi dị ứng. Để góp phần hạn chế bị viêm mũi dị ứng không nên nuôi chó, mèo trong nhà. Và nếu không thể không nuôi thì nên hạn chế đến mức tối đa tiếp xúc với chúng.

Cần vệ sinh định kỳ các chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng (mò, mạt). 

Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển.

Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

Cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào và không nên ăn các loại thực phẩm mà xác định hoặc nghi ngờ gây viêm mũi dị ứng cho bản thân mình (tôm, cua, ốc).

Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với với bụi (bụi trong nhà và bụi ngoài đường). Vì vậy, cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường.

Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh nhất là ở những người có cơ địa dị ứng thì cần giữ ấm cơ thể như: mặc đủ ấm, cổ nên được quàng khăn ấm.

 

 

Liệu pháp miễn dịch

Nếu đã dùng các biện pháp trên thất bại thì người ta mới xem xét đến phương pháp thứ ba là thay đổi miễn dịch (miễn dịch liệu pháp - immunotherapy). Đây là phương pháp cho bệnh nhân hấp thụ với liều tăng dần dị nguyên nhằm đạt được giảm mẫn cảm, tức là giảm các triệu chứng khi phơi nhiễm tự nhiên trở lại với chính dị nguyên đó. 

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp duy nhất điều trị tận gốc căn nguyên gây dị ứng. Tuy nhiên, dù viêm mũi dị ứng thường được điều trị nội khoa, nhưng trong một số trường hợp các bác sĩ vẫn chỉ định phẫu thuật để điều trị. Đó là khi cần giải quyết bệnh tích ở những bệnh nhân viêm mũi dị ứng tiến triển tạo nhiều polyp, hoặc niêm mạc cuốn mũi thoái hóa quá mức gây nghẹt mũi nhiều không thể phục hồi dù đã uống thuốc tích cực.

Đối với người cao tuổi, nên tránh dùng các thuốc kháng histamin, như promethazine, chlorpheniramine vì tác dụng kém chọn lọc nên có thể gây buồn ngủ, lo lắng, lú lẫn, bí tiểu, táo bón, tụt huyết áp… Những trường hợp chỉ có bệnh viêm mũi đơn thuần không đi kèm với viêm kết mạc, nên dùng các thuốc kháng histamin xịt mũi như azelastine vì có tác dụng nhanh và ít tác dụng phụ.

Khi nghi ngờ bị bệnh viêm mũi dị ứng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng để được điều trị sớm, tránh để bệnh thành mãn tính đưa đến viêm họng, viêm xoang, phế quản dị ứng, hen suyễn. Không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự mua thuốc để điều trị.


Nguồn:
Sức khoẻ y tế

  • Từ khóa :