Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mùa thu-đông
   Hiện nay, miền Bắc đã bước sang giai đoạn mùa thu-đông. Vào thời điểm này, các bệnh thường gặp là cúm A, B, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản... và một số bệnh truyền nhiễm mới nổi khác. Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 mới chỉ khống chế thành công bước đầu. Nếu người dân lơ là, chủ quan không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, nguy cơ "dịch chồng dịch" luôn hiện hữu.

    Những ngày gần đây, tại nhiều trường học trong tỉnh, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học, số học sinh nghỉ ốm do mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao. Có những lớp độ tuổi nhà trẻ, trong các trường mầm non, số trẻ nghỉ học đến gần 1 nửa lớp. Trong đó phần lớn trẻ được xác định là các bệnh truyền nhiễm theo mùa, như các bệnh về đường hô hấp, cúm, ho, sốt, viêm phổi và các bệnh về đường tiêu hóa...

    Cô giáo Tống Thị Loan, giáo viên lớp 4 tuổi, trường Mầm non Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) cho biết: Những ngày cuối tháng 10/2022, tỷ lệ sĩ số đến lớp của trẻ rất thấp, chỉ đạt khoảng 1 nửa hoặc hơn 1 nửa. Nguyên nhân là nhiều trẻ mắc bệnh cúm A, rồi lây lan sang nhau. Chúng tôi cũng đã tăng cường công tác vệ sinh trường lớp, đảm bảo các điều kiện ăn, ở sạch sẽ cho trẻ. Đồng thời nắm bắt thông tin, nhắc nhở cha mẹ theo dõi sức khỏe của con, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần cách ly ở nhà, không để lây nhiễm chéo cho các trẻ trong lớp học.

    Chị Trần Thị Hiền, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) có con nhỏ 2 tuổi chia sẻ, thời điểm giao mùa thu-đông khá nguy hiểm, sáng và tối trời lạnh, trưa thì có ngày nắng nóng như mùa hè. Nên tôi luôn chú ý tới việc đảm bảo sức khỏe cho con. Ngoài cho con mặc quần áo phù hợp theo thời tiết, tôi chú ý về chế độ dinh dưỡng hợp lý với lứa tuổi, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi sạch sẽ; đồng thời tuân thủ nghiêm lịch tiêm chủng các mũi vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của y tế phường.

    Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 10 tháng năm 2022, Trung tâm đã tập trung các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi. Trong đó, tiếp tục tổ chức giám sát thường xuyên các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quân Y 5, Bệnh viện Sản nhi và cộng đồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiêm vắc xin phòng COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát thành dịch như COVID-19, sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ, các bệnh dịch mùa mưa lũ, cúm A, B...

    Trong tháng 10, tình hình một số dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm: Dịch bệnh COVID-19, toàn tỉnh ghi nhận 86 ca mắc COVID-19, số mắc trong tháng 10 thấp hơn nhiều so với tháng 9 (343 ca). Giảm 74,9% (257 ca) so với tháng 9. Dịch bệnh tay chân miệng (TCM), toàn tỉnh ghi nhận 4 ca mắc. Số mắc trong tháng 10 (4 ca) thấp hơn so với tháng 9 (7 ca). Giảm 42,85% (3 ca) so với tháng 9. Tổng số ca mắc từ tháng 01/2022 đến hết ngày 30/10/2022 là 136 ca, không có ca tử vong.

    Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD), đến hết tháng 10 ghi nhận 212 ca bệnh, trong đó có 126 trường hợp nội tỉnh và 86 trường hợp xâm nhập. Toàn tỉnh ghi nhận 46 ổ dịch, trong đó 45 ổ dịch đã kết thúc, hiện chỉ còn 1 ổ dịch đang hoạt động tại huyện Yên Mô. Số trường hợp mắc SXHD cao nhất ở huyện Yên Mô, tiếp đến là huyện là Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn, Tam Điệp, thấp nhất là thành phố Ninh Bình.

 

    Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời tiết thời điểm giao mùa thu-đông, nhiệt độ có sự chênh lệch nhiều giữa ngày và đêm, nắng mưa thất thường khiến cơ thể con người không kịp thích nghi. Bên cạnh đó, giao mùa cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển và lây lan trong cộng đồng. Hiện nay, các bệnh thường gặp vào mùa thu-đông như: Nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới; bệnh tay chân miệng; sốt xuất huyết; viêm não Nhật Bản; các bệnh về đường tiêu hóa...

    Để tích cực và chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mùa thu-đông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng với các Trung tâm Y tế tuyến huyện, Trạm y tế tiếp tục truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống bệnh theo mùa. Đồng thời, thông qua mạng lưới cộng tác viên y tế thôn, bản để vận động nhân dân chủ động ăn, ở hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư an toàn, sạch sẽ…

    Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người dân về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh, giúp người dân hiểu, thực hiện tốt công tác tiêm chủng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Chính phủ. Đồng thời, khuyến khích người dân đi tiêm phòng dịch vụ đối với các bệnh chưa được triển khai tiêm phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

      Đối với người dân, để phòng chống dịch bệnh lúc giao mùa hiệu quả, người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng bệnh. Trong đó cần chú ý tới đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em nhỏ và người cao tuổi. Đối với trẻ em, hệ miễn dịch của trẻ nhỏ vẫn chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Khi mắc bệnh, trẻ dễ có diễn tiến nặng hơn người lớn. Đối với người cao tuổi, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thời tiết, môi trường ngày càng suy giảm; hệ miễn dịch không còn đủ sức chiến đấu với các tác nhân gây bệnh; thêm vào đó là những căn bệnh mãn tính khiến cơ thể suy yếu, nguy cơ "bệnh chồng bệnh'' và diễn tiến nặng tăng cao

   Ngành Y tế khuyến cáo, phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Chăm sóc sức khỏe tốt với những phương pháp khoa học sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh được các bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để chủ động phòng ngừa bệnh, người cao tuổi cần ăn uống hợp lý, khoa học, vận động điều độ và với trẻ nhỏ, cần đảm bảo giữ ấm phù hợp, ăn uống vệ sinh, giữ đồ chơi sạch sẽ và rất cần phải tiêm phòng vắc xin đúng lịch....

 

Nguyễn Minh ( theo Báo Ninh Bình)

  • Từ khóa :