Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa xuân - hè
Lượt xem: 4039

Khoảng thời gian này, thời tiết ấm lên cùng với độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, côn trùng truyền bệnh, vi sinh gây bệnh phát triển… Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hoá. Kèm theo đó, một số bệnh khác cũng có khả năng phát triển như: Sốt xuất huyết, thuỷ đậu… Vì vậy, việc chủ động phòng dịch, giám sát, phát hiện kịp thời các ca bệnh có thể lây lan thành dịch chiếm vai trò hết sức quan trọng…

Ông Lê Hoàng Nam – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Trong tháng 2/2018, toàn tỉnh có trên 1 nghìn trường hợp mắc cúm; trên 500 ca mắc tiêu chảy; số ca mắc viêm gan vi rút, thủy đậu, quai bị… có từ vài chục đến gần 100 trường hợp. Các bệnh truyền nhiễm nêu trên hầu hết có số trường hợp mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017, nhưng ngành Y tế không chủ quan bởi các loại dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Cùng với tuyên truyền đến người dân cách phòng chống dịch bệnh, Trung tâm y tế dự phòng cũng tuyên truyền sâu rộng để người dân thực hiện tiêm chủng mở rộng đối với các bệnh có thuốc phòng, chống. Trong tháng 2, có hàng nghìn trẻ sơ sinh được tiêm phòng viêm gan B, gần 2 nghìn trẻ được tiêm chủng đầy đủ các mũi sởi, viêm não Nhật Bản, OPV, BH-HG-UV-VGB-Hib… và gần 2 nghìn phụ nữ có thai được tiêm AT2. Theo kết quả khảo sát, số trẻ em dưới 5 tuổi và trên 5 tuổi bị tiêu chảy giảm so với cùng kỳ năm 2017, không có trường hợp chết sơ sinh, chết do uốn ván sơ sinh, không có trẻ tử vong do tiêu chảy. Trung tâm Y tế dự phòng cũng chú trọng đến công tác đảm bảo sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học. Khuyến cáo các nhà trường, đặc biệt là bậc học mầm non tăng cường vệ sinh lớp học, phun thuốc diệt muỗi, đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, giữ gìn môi trường sống, chỗ ăn, ngủ đủ ấm hoặc mát theo điều kiện thời tiết, không để các mầm bệnh có điều kiện phát tán.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm và dịch bệnh trong mùa xuân 2018, để làm tốt công tác phòng bệnh nói chung, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo các Trung tâm y tế huyện, trạm y tế các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền về cách phòng, tránh một số loại bệnh thường gặp trong thời tiết giao mùa, đặc biệt là bệnh cúm. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường các hoạt động giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng. Cùng với đó chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động phòng chống dịch kịp thời. Đồng thời, triển khai thực hiện phòng, chống dịch theo 3 cấp từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và tuyến xã, phường, thị trấn. Có phương án đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, phù hợp với diễn biến dịch tễ tại các địa phương và trên địa bàn tỉnh… Ông Ngô Văn Quốc – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn cho biết: Ngay từ đầu tháng 3, chúng tôi đã nhận được công văn chỉ đạo của Sở Y tế về công tác phòng bệnh khi giao mùa, nhất là bệnh sốt xuất huyết và Tay – Chân – Miệng. Vì vậy Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tới 100% xã, thị trấn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cộng đồng, đặc biệt là các trường mầm non về vệ sinh môi trường, ăn sạch, ở sạch, uống sạch… để phòng bệnh tốt. Về vấn đề này, Ông Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cho biết thêm: Trung tâm Y tế huyện Nho Quan đã chỉ đạo Trạm y tế thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin qua đài truyền thanh thị trấn, cấp phát tờ rơi tới các hộ dân, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch bệnh ở tất cả các mùa xuân, hè, thu, đông, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết vào mùa hè và một số bệnh thường gặp trong thời tiết giao mùa như sởi, quai bị, cúm…Đặc biệt thời gian từ tháng 4 - 5 là thời điểm thuận lợi cho đàn muỗi phát triển mạnh, rất dễ gây thành dịch bệnh sốt xuất huyết như năm 2017. Do vậy, người dân cần ý thức cao trong việc đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, loại trừ nơi ở của muỗi; phun thuốc diệt muỗi, không để muỗi đốt nhằm hạn chế nguy cơ lây bệnh. Đồng thời hạn chế đến những nơi đông người, khu du lịch, địa điểm diễn ra lễ hội… Với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi, quai bị, viêm não…, người dân cần chủ động tiêm vắc xin để tạo miễn dịch; tăng cường sức đề kháng cho cơ thể; hạn chế đến những nơi tập trung đông người nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Những người mắc các bệnh truyền nhiễm cũng cần nêu cao ý thức, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh để tránh lây bệnh cho cộng đồng.

Để tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh giao mùa, ngay từ đầu năm, Trung tâm truyền thông – GDSK tỉnh đã chủ động phối hợp với ngành Y tế các huyện, thị xã tổ chức hàng chục buổi truyền thông trực tiếp về phòng chống dịch bệnh khi giao mùa, qua đó người dân được cung cấp những thông tin cần thiết để phòng một số bệnh thời tiết giao mùa như: Sốt xuất huyết, Tay – Chân – Miệng, các bệnh về mắt, Cúm…Bà Phạm Thị Hồng – Xã Yên Hòa – Huyện Yên Mô phấn khởi chia sẻ: Người dân chúng tôi rất phấn khởi khi được quan tâm về vấn đề sức khỏe, khi được nghe những thông tin về phòng bệnh, chúng tôi sẽ về tuyên truyền cho gia đình, hàng xóm để mọi người cùng bảo về sức khỏe. Chúng tôi mong rằng sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa, mong có nhiều buổi nói chuyện như thế này để người dân có nhiều kiến thức về phòng bệnh.

Mặc dù vậy, công tác phòng chống dịch bệnh mùa xuân - hè hiện nay vẫn đang đối mặt với một số khó khăn. Kinh phí hoạt động mới chỉ cấp cho công tác phòng chống một số bệnh nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia, như: Sốt rét, sốt xuất huyết. Còn kinh phí cho việc phòng chống một số bệnh mới nổi khác rất khó khăn. Bởi vậy việc tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các cấp về những dịch bệnh này còn hạn chế. Bản thân người dân chưa chủ động trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho chính mình và người thân. Tình trạng vứt rác thải bừa bãi vẫn còn. Thêm vào đó, nhiều người biết việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh, như: Sử dụng tiết canh, ăn gỏi sống... dễ mắc một số bệnh như liên cầu khuẩn, tiêu chảy cấp song vẫn sử dụng. Hiện nay, người dân mới chỉ quan tâm đến tiêm phòng cho trẻ em dưới một tuổi chứ chưa cho trẻ tiêm các mũi nhắc lại. Trẻ em, người lớn cũng chưa quan tâm tiêm một số loại vắc xin phòng chống các bệnh khác như: Cúm, thuỷ đậu, rubella...

Để phòng tránh tốt dịch bệnh, ngoài nỗ lực của ngành y tế thì chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể liên quan cũng cần phải vào cuộc quyết liệt, đặc biệt người dân cần có thái độ tích cực, đề cao cảnh giác với dịch bệnh để chủ động phòng chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Khi phát hiện mắc bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để có phương pháp điều trị phù hợp, không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định.

Thu Minh

 

  • Từ khóa :