Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bảo vệ sức khỏe trẻ em mùa đông xuân
Lượt xem: 2372

Mùa đông - xuân, đặc biệt là giai đoạn giao mùa với đặc điểm nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, và thường xuyên có những thay đổi khí hậu tạo điều kiện thuận lợi cho virus,vi khuẩn phát triển mạnh mẽ và gây bệnh cho người, đặc biệt là ở trẻ em.

Trẻ em là nhóm đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh vì sức đề kháng rất kém do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên khả năng chống chọi với bệnh tật của trẻ thật sự “chưa hiệu quả”. Hơn nữa, trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao trong khi trẻ chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh. Chính vì vậy, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trong mùa đông xuân là việc vô cùng cần thiết và quan trọng.

          Các bệnh hay gặp ở trẻ em trong mùa đông xuân:

 

          Bệnh mùa đông xuân hay gặp nhất ở trẻ nhỏ là các bệnh chủ yếu lây nhiễm qua đường hô hấp, nguyên nhân là do vi khuẩn từ người bệnh theo đường không khí gây bệnh cho những người xung quanh. Ở trẻ nhỏ thì đặc điểm giải phẫu và sinh lý hệ hô hấp chưa hoàn thiện cộng với hệ miễn dịch chưa hiệu quả do đó khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp rất cao. Những bệnh về đường hô hấp hay gặp nhất ở trẻ em vào mùa đông xuân là viêm mũi, viêm họng, viêm VA, viêm amidan, viêm xoang với các triệu chứng như  ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi sau đó sưng họng, đau đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức cơ và chán ăn.

 

          Ngoài ra trẻ em còn có thể mắc phải một số bệnh lây qua đường hô hấp như sở, rubella, ho gà, tay chân miệng, thủy đậu, quai bị…

 

          Trẻ cũng rất dễ mắc bệnh tiêu chảy vào mùa này. Bệnh này có thể do vi khuẩn, do ngộ độc thức ăn, do ký sinh trùng hoặc do rotavirus nhưng bệnh chủ yếu do rotavirus (80%) gây nên. Bệnh do rotavirus thường có các triệu chứng như: sốt (38-40 độ C), quấy khóc, ói, đi tiêu lỏng nhiều nước, đi nhiều lần trong ngày.

 

    Phòng bệnh:

 

          - Khi thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu mắc bệnh hô hấp như sốt cao, thở gấp, bỏ bú kéo dài thì cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và có hướng xử trí kịp thời, tránh tự ý điều trị.

 

          - Đối với các bệnh về đường hô hấp cần mặc ấm cho trẻ. Khi tắm, rửa cho trẻ ở buồng không có gió lùa, tắm nhanh, không để trẻ đùa nghịch với nước trong thời gian dài. Luôn luôn mặc quần áo ấm và có khăn quàng cổ. Khi ra khỏi nhà, cần mặc cho trẻ ấm hơn, có găng tay, bít tất, khẩu trang, đầu đội mũ ấm, tránh không cho không khí lạnh tác động vào mũi, họng, vùng da hở không có quần áo che kín. Ban đêm ngủ, trẻ thường đạp tung chăn, bố mẹ nên lưu ý đắp chăn cho trẻ để tránh trẻ bị cảm lạnh do ngủ không đủ ấm. Nên nhỏ mũi hằng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý (loại này có bán sẵn ở các quầy thuốc) để làm sạch mũi, hạn chế bụi và vi sinh vật bám vào niêm mạc mũi họng.

 

          - Đối với trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ đi khám để xác định nguyên nhân gây tiêu chảy và có chỉ định điều trị thích hợp, không được tự ý cho trẻ uống thuốc cầm, sẽ rất nguy hiểm. Thông thường, trẻ tiêu chảy dù là nguyên nhân gì cũng cần được bù nước và chất điện giải tại gia đình bằng cách cho trẻ uống dung dịch orezol. Việc pha dung dịch orezol cũng cần tuân thủ đúng quy cách, nếu không, mặc dù trẻ được uống orezol nhưng không có tác dụng bù nước và chất điện giải.

 

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong những ngày đông xuân giá lạnh, giúp trẻ tăng sức đề kháng. Nên cho trẻ ăn những thức ăn nóng ấm giúp cơ thể giữ nhiệt độ ổn định.

 

- Thực hiện tốt việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắcxin cho trẻ theo lứa tuổi để có cách phòng ngừa bệnh chủ động nhất và hiệu quả nhất.

 Bác sỹ Thế Phương – TTTTGDS

  • Từ khóa :