Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân
Lượt xem: 2894
Thời tiết giao mùa từ thu sang đông - xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với ThS.Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về công tác chỉ đạo phòng, chống các loại dịch bệnh trên địa bàn và khuyến cáo đối với người dân trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình khi mùa đông đến.

Phóng viên: Bác sĩ có thể đánh giá khái quát kết quả phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

  ThS.Bs Lê Hoàng Nam: Căn cứ tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh cùng với sự thay đổi bất thường của yếu tố khí hậu, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn. Để chủ động và kịp thời ngăn chặn các dịch bệnh, hạn chế tối đa những tác hại có thể xảy ra cho sức khỏe và tính mạng của người dân, thời gian qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động. Trong đó, chú trọng công tác giám sát dịch tễ tại tất cả các tuyến từ tuyến tỉnh, huyện, thành phố đến xã/phường/thị trấn, đặc biệt là các địa bàn có ổ dịch cũ, vùng sâu, vùng xa, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để bùng phát dịch.

  Trong trường hợp có dịch xảy ra, có biện pháp khoanh vùng cách ly, giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc và có nguy cơ tại khu vực có dịch, không để dịch lan rộng, điều trị kịp thời không để trường hợp tử vong xảy ra. Bên cạnh đó, kiện toàn các đội cơ động chống dịch từ tỉnh đến huyện; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, hoá chất, phương tiện, nhân lực sẵn sàng phục vụ chống dịch. Tại các bệnh viện, luôn sẵn sàng cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân, cơ số thuốc, nhân lực, phương tiện... để kịp thời hỗ trợ khi có dịch xảy ra...

 

Kết quả là từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra, đa số các bệnh truyền nhiễm có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, vẫn có một số bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng như Viêm gan vi rút, Viêm màng não do não mô cầu, Thủy đậu, Ho gà, Liệt mềm cấp, Bệnh do liên cầu lợn ở người. Đáng chú ý là diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết (SXH) trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2017, số lượng trường hợp mắc tăng mạnh so với năm 2016. Tính đến ngày 27/11/2017, toàn tỉnh ghi nhận 753 trường hợp nghi mắc SXH với 50 trường hợp nội tỉnh có test nhanh dương tính với vi rút Dengue và 27 ổ dịch rải rác tại 07/08 huyện, thành phố trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, qua theo dõi số liệu báo cáo trên phần mềm trực tuyến, bắt đầu từ tháng 11/2017, dịch bệnh SXH đang có xu hướng giảm dần. Hiện tại, không còn ổ dịch nào hoạt động và có duy nhất một trường hợp có test nhanh dương tính đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đây là thành quả của hoạt động giám sát tích cực, tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để và sự vào cuộc tích cực của tất cả các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng.

 Phóng viên: Hiện đã vào thời điểm mùa đông, thời tiết giá lạnh, vậy các loại bệnh nào thường gặp và dễ phát sinh, nhất là đối với trẻ em và người già, thưa bác sỹ?

  ThS.Bs Lê Hoàng Nam: So với các mùa khác trong năm thì mùa đông với thời tiết lạnh giá bao giờ cũng xuất hiện nhiều loại dịch bệnh và có khả năng truyền nhiễm, nguy hiểm đối với tính mạng con người. Năm nay mới bắt đầu vào mùa đông nhưng thời tiết đã có những diễn biến thất thường, lạnh đột ngột, nhiệt độ xuống thấp quá nhanh, là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh mùa đông có thể bùng phát thành dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

  Một số bệnh thường hay phát sinh trong thời điểm này là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, như bệnh sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng, liên cầu lợn… Đặc biệt, thời tiết giao mùa thu - đông làm cho sức đề kháng ở trẻ em và người già giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh hô hấp, các bệnh viêm nhiễm mãn tính bùng phát. Trẻ càng nhỏ thì bệnh có diễn tiến càng nhanh nên việc điều trị thường mất thời gian, bệnh dễ tái phát và phức tạp hơn. Đáng chú ý nữa là nguy cơ phát sinh các dịch bệnh có vắc xin trong tiêm chủng mở rộng như sởi, rubella, ho gà,… đối với những trẻ không được tiêm chủng phòng bệnh hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Với người già thường có nguy cơ mắc các bệnh như cúm mùa, viêm phổi, viêm đường hô hấp trên (mũi, họng, khí quản). Ngoài ra, các bệnh mãn tính như hen phế quản, COPD, viêm khớp… cũng có khả năng tái phát hoặc trở nên trầm trọng và nguy hiểm hơn.

 Phóng viên: Để phòng chống dịch bệnh mùa đông-xuân, Ngành Y tế tỉnh tập trung chỉ đạo và có các biện pháp chủ yếu nào?

  ThS.Bs Lê Hoàng Nam: Nhận định được nguy cơ diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong thời gian tới, Ngành Y tế nói chung và Trung tâm Y tế dự phòng nói riêng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp dự phòng, ngăn ngừa nguy cơ dịch phát sinh và phát triển. Trong đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa đông – xuân, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các khoa, phòng chức năng của Trung tâm; kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và các đội chống dịch cơ động tại đơn vị. Trung tâm cũng ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế; Triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.

  Chú trọng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại những khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao trong những năm qua. Đẩy mạnh công tác tiêm chủng các vắc xin có trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng như Sởi, Rubella, Ho gà… tổ chức rà soát, tiêm bổ sung cho các đối tượng chưa được tiêm phòng, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% trên quy mô xã, phường, thị trấn. Trung tâm cũng chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất để đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cũng được tăng cường, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao ý thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng. Ngành Y tế duy trì phối hợp chặt chẽ với ngành Thú y trong hoạt động trao đổi thông tin về dịch cúm trên gia cầm và các dịch bệnh có khả năng lây truyền từ động vật sang người.

 Phóng viên: Với người dân thì cần phải làm gì để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn các dịch bệnh trong thời điểm này, thưa bác sĩ?

  Ths.Bs Lê Hoàng Nam: Thời tiết giao mùa chuyển từ mùa thu sang đông - xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Đồng thời đây cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan như bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Đặc biệt dịp cuối năm, ngày lễ, Tết, khi nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng, vì vậy, mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh trong thời điểm này.

  Ngoài nỗ lực của ngành Y tế, rất cần ý thức từ phía người dân. Ngành Y tế khuyến cáo các biện pháp chính người dân cần thực hiện là: Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…). Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

 Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!

  • Từ khóa :