Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Vai trò của bảo hiểm y tế trong điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Lượt xem: 5670
Những năm qua, Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những giải pháp bền vững trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với người nhiễm HIV/AIDS, BHYT càng trở nên quan trọng trong việc bảo đảm cho họ được tiếp cận với thuốc ARV liên tục, suốt đời.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh tính đến 28/02/2023 là 2912 người, trong đó số người đang còn sống và quản lý được là 1.579 (Đang điều trị:1.526; Chưa điều trị: 53). Cùng với các biện pháp y tế thông thường, những năm qua, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc ARV, giúp bảo vệ sức khỏe người bệnh và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Khi sử dụng thuốc, bệnh nhân có đủ sức khỏe, thể lực, sống và lao động bình thường như những người khác, nhờ đó, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nguồn viện trợ từ nước ngoài hiện không còn, trong khi việc điều trị của người nhiễm HIV đòi hỏi quá trình lâu dài, chi phí tốn kém. Trước bối cảnh đó, BHYT là giải pháp tối ưu bảo đảm cho người nhiễm HIV duy trì điều trị đều đặn. Nếu tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ được chi trả từ 80% chi phí khám, chữa bệnh (KCB), bao gồm cả chi phí mua thuốc ARV. Người nhiễm HIV thực hiện KCB tại tuyến xã hoặc thuộc đối tượng diện nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi... sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí KCB.

Thời gian qua, ngành y tế đã kiện toàn các cơ sở điều trị và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thanh toán KCB BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho người bệnh về lợi ích khi tham gia BHYT và hỗ trợ mua thẻ BHYT cũng như triển khai các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở KCB và tại cộng đồng để người nhiễm HIV yên tâm điều trị. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với ngành y tế trong thực hiện KCB bằng BHYT với các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc từ nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị.

Nhờ tích cực triển khai, số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có thẻ BHYT tăng theo từng năm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1331 bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT, chiếm tỷ lệ 99,3% - Đây là một bước chuyển mang ý nghĩa to lớn hướng tới một chương trình điều trị HIV bền vững, với dịch vụ điều trị bảo đảm chất lượng và chi phí phải chăng, đóng góp cho nỗ lực chung hướng tới tiếp cận phổ cập về chăm sóc sức khỏe.

Ông Phan Khắc Lưu – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh cho biết: Điều trị ARV mang lại sức khỏe, giảm tử vong, nâng cao tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Điều trị ARV cũng giúp giảm lây truyền HIV do khi điều trị bằng thuốc ARV số lượng vi rút HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp. Khoa học đã chứng minh khi tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện tức dưới 200 bản sao/ml máu sẽ không có lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm thì có đến 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV. Điều trị ARV sớm còn đem lại lợi ích kinh tế cho bệnh nhân và xã hội. Trước đây người nhiễm HIV thường không quan tâm đến thẻ BHYT vì họ được miễn phí điều trị hoàn toàn. Nhưng hiện nay, khi thuốc ARV, các xét nghiệm liên quan đã được đưa vào danh mục chi trả của BHYT, nếu không có thẻ BHYT thực sự sẽ là một khó khăn đối với người bệnh. Hiện nay chúng tối có 9 cơ sở y tế có phòng khám HIV/AIDS, đã ký hợp đồng KCB cho người bệnh HIV/AIDS với cơ quan bảo hiểm. Các cơ sở y tế này lồng ghép quy trình KCB HIV/AIDS vào quy trình chung của CSYT, lồng ghép KCB HIV/AIDS vào phần mềm KCB chung của CSYT và thực hiện cung cấp các dịch vụ KCB BHYT cho người bệnh HIV/AIDS. Cùng với sự tiến bộ trong lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV, mở rộng điều trị bằng thuốc kháng vi-rút, ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất để phòng, chống HIV/AIDS. Triển khai điều trị ARV thông qua nguồn BHYT, các cơ sở y tế có phòng khám HIV/AIDS luôn  củng cố cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sỹ, sử dụng hệ thống phần mền chuyên môn, nhất là tăng cường hoạt động truyền thông với nhiều hình thức để người bệnh tích cực tham gia BHYT.

Một bệnh nhân đang điều trị ARV tại cơ sở điều trị Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn chia sẻ: “Nhờ duy trì điều trị bằng thuốc ARV nên công việc và sinh hoạt hàng ngày của bản thân tôi không bị xáo trộn.  Được điều trị ARV thông qua nguồn BHYT là sự thay đổi rất lớn đối với người nhiễm HIV/AIDS, bởi khi biết thông tin nguồn tài trợ thuốc điều trị cắt giảm, phải tự chi trả chi phí cho việc điều trị bệnh tôi đã rất lo lắng vì chi phí điều trị cao, nhưng bây giờ vẫn tiếp tục được điều trị bằng BHYT, chúng tôi lại có tinh thần hơn để tuân thủ điều trị một cách hiệu quả, lâu dài hơn, nhờ vậy mà giảm được gánh nặng về chi phí điều trị cho gia đình”

 

Theo báo cáo của chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về AIDS (UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, do đó có thể giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng. Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể tiếp tục sống, học tập và lao động. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, cần đẩy nhanh việc thực hiện thanh toán KCB BHYT đối với bệnh nhân điều trị ARV, đặc biệt là thanh toán xét nghiệm tải lượng vi-rút thông qua BHYT..., đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người có HIV tích cực tham gia BHYT để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình.

Có thể nói, BHYT được xác định là xương sống của chương trình điều trị HIV/AIDS, vì thế để chương trình này phát triển bền vững cần tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS, thay đổi nhận thức của người bệnh về BHYT, cũng như tạo môi trường thân thiện thông qua thay đổi thái độ, kỹ năng tư vấn, truyền thông của nhân viên y tế với người bệnh…

Nguyễn Minh

  • Từ khóa :