Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Lượt xem: 658
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh lý khá thường gặp và có tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trên thế giới theo thống kê của WHO. Bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu như không có biện pháp chăm sóc và điều trị đúng cách. Tại tỉnh Ninh Bình năm 2022 đã khám và phát hiện 812 bệnh nhân COPD. Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD nếu được chăm sóc và điều trị tích cực sẽ kiểm soát tốt bệnh, giảm đờm, ho, khó thở, hạn chế biến chứng của bệnh.  Cuộc trao đổi giữa Bác sỹ Vũ Thị Bích Thảo -  Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh với phóng viên sẽ làm rõ hơn về vấn đề này, qua đó giúp  chăm sóc bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính COPD một cách tốt nhất.

    Phóng viên: Xin Bác sỹ cho biết Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD nguy hiểm như thế nào?

    Bác sỹ Vũ Thị Bích Thảo: Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD khiến người bệnh bị làm phiền bởi các triệu chứng đờm, ho, khó thở, thể trạng kém dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và có thể là nguyên nhân chính gây tử vong ở người bệnh COPD.

    Một số biến chứng như:

    Tràn khí màng phổi : Là biến chứng hay gặp nhất ở bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính COPD. Sự tắc nghẽn đường dẫn khí kéo dài, lượng khí hít vào bên trong phế nang không được thở ra hết khiến phổi chứa nhiều khí cặn, dần dần làm căng giãn các phế nang gây ra hiện tượng khí phế thũng. Các phế nang căng giãn nhiều ngày rồi mỏng dần và dễ dàng bị bục vỡ vào trong khoang màng phổi gây ra tràn khí màng phổi.

    Khi xảy ra hiện tượng này bệnh nhân có triệu chứng đau ngực bên tràn khí, thở khó khăn hơn.

    Tăng áp lực động mạch phổi: Phế nang giãn nhiều gây ra sự chèn ép vào hầu hết các mao mạch phổi gây tăng áp lực động mạch phổi. Ngoài ra, tình trạng oxy không đủ cũng là nguyên nhân gây co thắt tiểu động mạch và gây áp lực động mạch phổi.

    Suy tim : Suy tim là biến chứng nặng nề nhất của đợt cấp COPD, có thể trực tiếp dẫn đến tử vong ở người bệnh. Khi áp lực động mạch phổi tăng cao cộng với tình trạng người bệnh thiếu oxy mạn tính sẽ dẫn tới bị suy tim phải. Bệnh tiếp tục tiến triển dẫn đến suy tim trái, hay suy tim toàn bộ.

     Phóng viên: Vậy chăm sóc bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính COPD như thế nào, thưa Bác sỹ?

    Bác sỹ Vũ Thị Bích Thảo: Chăm sóc tích cực được coi là một phương pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả, hạn chế những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân:

- Giảm ngay tình trạng khó thở bằng thuốc giãn phế quản: giữ ấm đường thở sau khi đã hít thuốc giúp giãn phế quản, làm loãng đờm, giúp đẩy chất ra ngoài dễ dàng hơn khi khạc.

- Nếu cơ thể suy nhược không khạc được đờm thì nên hút đờm ra bên ngoài bằng đường mũi, miệng.

- Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào, tránh xa môi trường nhiều khói bụi, hóa chất độc hại. Loại bỏ các yếu tố nguy cơ khởi phát bệnh

- Uống nhiều nước ấm, kết hợp thêm vỗ ngực và ho để dẫn đờm ra ngoài hiệu quả hơn. 

- Học cách ho hiệu quả với tư thế hơi cúi đầu về phía trước, hông và đầu gối ở tư thế gấp, đồng thời thả lỏng cơ bụng. Sau đó hít vào từ từ bằng mũi và thở ra nhẹ nhàng bằng miệng, mỗi lần ho 2 lần, co cơ bụng để lấy sức.

Theo dõi quá trình dùng thuốc của bệnh nhân: Những người bị bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính COPD phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị. Các thiết bị điều trị cũng cần sử dụng đúng cách, những người chăm sóc bệnh nhân cần sử dụng đúng cách các thiết bị và giúp đỡ người thân của bạn khi cần thiết.

    Đảm bảo uống đủ lượng thuốc theo lịch bác sĩ đưa ra: Theo dõi các phản ứng sau khi dùng thuốc, nếu có dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ .

    Dinh dưỡng cho bệnh nhân: Bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là rất quan trọng. Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ thì bệnh nhân COPD sẽ cần nhiều dinh dưỡng và năng lượng hơn so với người bình thường (tầm 30kcal/ kg cân nặng) .

- Với người cao tuổi vào đợt cấp phổi tắc nghẽn mạn tính COPD thường cảm thấy mệt mỏi, khó thở nên chán ăn. Để tránh bị suy dinh dưỡng, chế độ ăn hàng ngày phải đủ chất dinh dưỡng. Hướng dẫn người nhà bệnh nhân chế biến thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn giảm mỡ, đường và tinh bột, tăng cường vitamin, ăn thành nhiều bữa.

- Ăn chậm, nhai kỹ, tránh sử dụng đồ ăn hay thức uống gây đầy hơi hoặc có chất kích thích.

- Động viên bệnh nhân ăn đủ bữa, đúng giờ. Trước và sau khi ăn nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh.

- Theo dõi đáp ứng dinh dưỡng bệnh nhân .

    Chăm sóc tâm lý bệnh nhân : Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn được ước tính là có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn, vì vậy điều quan trọng là quan tâm đến cảm xúc của bệnh nhân khi chăm sóc họ. Cần có sự chia sẻ, động viên để người bệnh có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống.

    Giảm lo lắng cho bệnh nhân:

- Khuyến khích bệnh nhân giãi bày những lo lắng, giải thích cho bệnh nhân hiểu về bệnh của họ.

- Động viện bệnh nhân yên tâm điều trị.

- Hướng dẫn bệnh nhân những phương pháp nghỉ ngơi thư giãn: đọc báo, xem tivi.

    Chắc chắn sẽ rất khó khăn khi chăm sóc bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, chúng ta nên hỗ trợ và đồng hành và thấu hiểu bệnh nhân. Hy vọng với các thông tin trên, các bạn sẽ có thêm những cách giúp người bệnh COPD cảm thấy thoải mái hơn và giúp người bệnh mau phục hồi sức khỏe hơn.

    Phóng viên: Cảm ơn Bác sỹ về những thông tin trên./.

 

Nguyễn Minh 

  • Từ khóa :