Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh ho gà, sởi và sốt xuất huyết mùa Xuân – Hè
Trong thời gian qua việc gián đoạn cung ứng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch là yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh bao gồm Sởi. Từ đầu năm đến nay đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh Sởi và sốt phát ban nghi Sởi tại 13 tỉnh, thành phố, tuy nhiên chưa ghi nhận ổ dịch tập trung. Bên cạnh đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa Xuân – Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh truyền nhiễm phát triển và bùng phát. Để chủ động trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, giảm thiểu nguy cơ bùng phát sởi, ho gà và sốt xuất huyết… Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương có Công văn số 178/GDSKTWW ngày 29/3/2024 đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế tại địa phương để tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông – giáo dục sức khỏe phòng, chống bệnh ho gà, sởi, sốt xuất huyết như sau:
Đối với nội dung tuyên truyền: Tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, Sở Y tế, chính quyền địa phương; các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các đối tượng đích thuộc địa bàn có nguy cơ cao. Hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh chung, vệ sinh cá nhân , vệ sinh môi trường trong gia đình và xung quanh, vệ sinh trong trường học.
Trong phòng chống bệnh ho gà và sởi: Thông tin về đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, đường lây truyền, dấu hiệu bệnh, dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần đến ngay cơ sở y tế, biến chứng của bệnh, các biện pháp dự phòng chung, phòng bệnh chủ động đặc hiệu-tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà và sởi: lịch tiêm, đối tượng tiêm, địa điểm tiêm, sự an toàn và hiệu quả của vắc xin; không tự ý điều trị tại nhà.
Riêng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết: Thông tin về đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, đường lây truyền, dấu hiệu phát hiện bệnh, dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần đến ngay cơ sở y tế, biến chứng của bệnh; các biện pháp diệt bọ gậy tại hộ gia đình theo đặc thù của mỗi vùng miền; phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi; thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất khi gia đình có người mắc bệnh sốt xuất huyết; không tự ý điều trị tại nhà.
Các kênh truyền thông: Tham mưu Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo tuyến y tế cơ sở, các đơn vị liên quan trong công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh ho gà, sởi, sốt xuất huyết. Ưu tiên truyền thông ở địa bàn có nguy cơ cao, địa bàn đang xảy ra dịch bệnh. Khu vực đông dân cư, trường học, khu nhà trọ, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng lõm về tiêm chủng. Chủ động phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí tại địa phương truyền thông kịp thời về tình hình dịch bệnh của địa phương. Tăng cường truyền thông trên nền tảng số: mạng xã hội Zalo, fanpape, youtube, … trên cổng thông tin Sở Y tế, trang thông tin điện tử của đơn vị để thông tin chính thức, nhanh chóng đến được nhiều đối tượng.
Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục địa phương tổ chức chiến dịch, hoạt động truyền thông lồng ghép tại trường học, địa bàn có nguy cơ cao bùng phát dịch. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và truyền thông phù hợp, kịp thời. Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ sở khám chữa bệnh công lập và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện và lây lan ra cộng đồng.
Về tài liệu truyền thông: Sử dụng tài liệu truyền thông sẵn có của tỉnh và trung ương, ưu tiên các tài liệu truyền thông có thể chuyển tải nhanh qua hệ thống truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội. Tham khảo thêm thông tin và tài liệu truyền thông trên website của Bộ Y tế và Trung tâm Truyền thông – Giao dục Sức khỏe Trung ương.
Diệu Thúy