Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tiến tới thực hiện mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh
Lượt xem: 1830
Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh lâu nay luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân, khách du lịch bởi đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch, nhất là vào mùa lễ hội có đông lượng khách du lịch về tham quan, chiêm bái, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và lễ hội Trường Yên…

Quanh khu vực xã Trường Yên (Hoa Lư) có hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phần lớn chủ cơ sở là người dân địa phương. Mặt hàng kinh doanh khá đa dạng, từ các cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô, chuyên các món ăn đặc sản Ninh Bình như: thịt dê, cơm cháy… cho đến các cơ sở bán đồ ăn bình dân, cơm bụi, quán ăn ven đường… Những cơ sở này không bán hàng quanh năm mà phần lớn chỉ tập trung vào mùa lễ hội, từ đầu năm âm lịch cho đến tháng 4, tháng 5 hàng năm. Với lượng khách du lịch đông, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu ẩm thực của du khách. 

 Tuy nhiên, nếu không thực hiện tốt công tác quản lý, thanh, kiểm tra thường xuyên các cơ sở này, khi ý thức chấp hành các quy định của các cơ sở về việc đảm bảo an toàn thực phẩm chưa tốt, rất dễ để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Trước thực trạng trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và lễ hội Trường Yên. Đơn vị đã chọn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại khu lễ hội Trường Yên để thực hiện điểm mô hình với 46 cơ sở tham gia. Ban chỉ đạo kiểm soát an toàn thực phẩm đã tiến hành điều tra ban đầu điều kiện cơ sở, kiến thức thực hành của người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm. Để từ đó có điều kiện đánh giá việc tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các chủ cơ sở kinh doanh về tất cả các mặt. Sau đó, sẽ triển khai các biện pháp can thiệp tập trung đối với những mặt đạt được, chưa được của từng cơ sở.

 

Từ thực trạng của các cơ sở tham gia mô hình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua các lớp tập huấn giúp các cơ sở hiểu rõ hơn các quy định của Luật An toàn thực phẩm, quyền, nghĩa vụ của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, Chi cục đã giúp các cơ sở trong việc hướng dẫn lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm cũng như chấp hành tốt hơn các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở tham gia mô hình để có sự so sánh về nhận thức, trách nhiệm, sự thay đổi, chuyển biến của các cơ sở… 

Kết quả sau triển khai các hoạt động can thiệp, tỷ lệ cơ sở đạt điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị dụng cụ tăng từ 82,6% lên 93,5%; tỷ lệ người chế biến thực phẩm được tập huấn kiến thức tăng từ 50% lên 100%; tỷ lệ người được khám sức khỏe tăng từ 57,5% lên 91,9%; kiến thức của người chế biến thực phẩm về an toàn thực phẩm tăng từ 38,1% lên 85,6%... Nhiều chủ cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm đã chấp hành tốt việc mặc trang phục riêng, đeo khẩu trang, đi găng tay nilon chuyên dùng, giữ móng tay ngắn, không đeo đồ trang sức… trong chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động của mô hình, các cơ sở đã chấp hành tốt việc theo dõi nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, lưu mẫu thức ăn theo quy định…

Ninh Bình là địa phương sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa và lễ hội dân gian. Theo kết quả tổng kiểm kê di tích trên địa bàn, hiện nay tỉnh Ninh Bình có 1.499 di tích, được phân bố đều khắp ở 145 xã, phường, thị trấn, trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu hang động Tràng An - Tam Cốc, Bích Động. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 228 lễ hội, trong đó dịp mùa xuân là 149 lễ hội, đặc biệt trong tháng giêng có 52 lễ hội. Đây là điều kiện thuận lợi để du lịch địa phương phát triển. Để đón lượng khách du lịch trong và ngoài nước về tham quan, chiêm bái vào các dịp lễ hội đầu năm, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch là điều kiện không thể thiếu trong hoạt động du lịch. Càng khó hơn khi việc phục vụ ăn uống phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra tình trạng khách du lịch bị ngộ độc thực phẩm. 

 

Với chức năng được giao, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh đã phối hợp với các địa phương có khu, điểm du lịch đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định của các cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các cơ sở chấp hành tốt các quy định của Luật An toàn thực phẩm. Hàng năm, không chỉ thanh, kiểm tra định kỳ, vào mùa lễ hội, Chi cục và đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh, của các huyện, thành phố đều đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra. Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp cơ sở có vi phạm. Như trong dịp Tết Nguyên đán ất Mùi và mùa lễ hội xuân 2015, qua kiểm tra 1.677 cơ sở, đã phát hiện 319 cơ sở vi phạm với các lỗi về: không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, vi phạm điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ…

  Cùng với việc thanh, kiểm tra, dịp Tết Nguyên đán ất Mùi và mùa lễ hội xuân 2015, ngành chức năng còn quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho hơn 1.200 người tham gia. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho chủ cơ sở về việc chấp hành đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hoạt động thanh, kiểm tra trong một thời điểm không thể bao quát hết các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Do đó, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là hết sức quan trọng. Từ hiệu quả của mô hình điểm về kiểm soát an toàn thực phẩm tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và khu vực tổ chức lễ hội Trường Yên, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để góp phần đem lại môi trường kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo an toàn, chất lượng.


(Theo Báo Ninh Bình)

  • Từ khóa :