Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Kết quả kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhân tháng hành động về An toàn thực phẩm
Lượt xem: 1610
Với Chủ đề Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2023 là “Bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP... Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm đã tổ chức các đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 diễn ra từ ngày 15/4/2023 đến hết ngày 15/5/2023, là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh ban hành Kế hoạch số 42/KH-BCĐ ngày 30/3/2023 về triển khai “Tháng hành động vì ATTP” tại tỉnh Ninh Bình ; Các Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các phòng chức năng và đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với các đơn vị tuyến huyện, xã tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong Tháng hành động tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tại 8/8 huyện, thành phố. Hầu hết chính quyền các cấp đều tích cực và kịp thời trong việc tổ chức triển khai các nội dung “Tháng hành động vì ATTP” tại các địa phương. Trao đổi với ông Lê Trọng Thể, Phó Chủ tịch xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình được biết: “Hiện tại Xã Ninh Nhất đang quản lý 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo ngành y tế quản lý. Tại các cơ sở này, chúng tôi đã yêu cầu ký cam kết thực hiện đúng An toàn thực phẩm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm trên hệ thống truyền thanh xã để cho người dân nắm bắt được về an toàn thực phẩm. Qua buổi làm việc của đoàn liên ngành VSATTP của tỉnh đã giúp cho cơ sở như chúng tôi nắm được chắc hơn về các nội dung kiểm tra cũng như công tác xử lý các trường hợp vi phạm”

Công tác thông tin, truyền thông được đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng và phong phú về nội dung, như: truyền thông lưu động, nói chuyện chuyên đề, hội thảo, các lớp tập huấn và gián tiếp qua phương tiện truyền thông đại chúng (đài phát thanh, truyền hình, trên các website) và in ấn cấp phát tờ rơi, áp phích, treo băng zôn tại các trục đường lớn, lắp đặt cụm pano tuyên truyền ... đã góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả, toàn tỉnh tổ chức được 55 lớp tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, với trên 2,2 nghìn người tham dự; chăng treo hàng trăm pano, áp phích, cụm tuyên truyền; phát trên 39 nghìn tờ gấp, tờ rơi về công tác đảm bảo ATTP...

Cùng với các hoạt động truyền thông, Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm (ATTP) các cấp đã thành lập 286 đoàn kiểm tra về ATTP; trong đó có 6 đoàn kiểm tra tuyến tỉnh, 21 đoàn kiểm tra tuyến huyện và 259 đoàn kiểm tra tuyến xã. Trong đó, Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP số 1 của tỉnh do Sở Y tế chủ trì phối hợp với các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương, Quản lý thị trường, Công an tỉnh đã tổ chức thanh kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP trên địa bàn thành phố Ninh Bình và huyện Yên Mô.

Với mục tiêu kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạmĐoàn kiểm tra của các ngành, các cấp đã tổ chức kiểm tra đối với 1.436 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Quá trình kiểm tra tập trung vào các nội dung đảm bảo ATTP như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; việc thực hiện các quy định tự công bố sản phẩm/ đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ pháp lý liên quan; nhãn sản phẩm, thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn. Các điều kiện bảo đảm ATTP như điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ con người được quy định tại Luật ATTP và thông tư hướng dẫn; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết hợp tuyên truyền cho người dân về an toàn thực phẩm….

Đánh giá về các hoạt động trong tháng An toàn thực phẩm đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết:  Qua quá trình kiểm tracác cơ sở cơ bản đã thực hiện đảm bảo các điều kiện về giấy phép kinh doanh, vệ sinh an toàn chế biến thực phẩm, kinh doanh đúng ngành nghề đăng ký, các mặt hàng buôn bán đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo quy định an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn còn 91 cơ sở vi phạm do thiếu giấy kiểm tra sức khỏe, nguồn gốc nguyên liệu sản xuất không đảm bảo, phụ gia chế biến không nhãn mác; nơi bảo quản nguyên liệu chế biến thực phẩm chưa đúng quy định. Các đoàn kiểm tra đã xử lý phạt tiền 46 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 215 triệu đồng nhắc nhở 45 cơ sở. Đồng thời, cũng buộc tiêu hủy hàng tạ thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ; buộc kiểm dịch lại đối với động vật, sản phẩm động vật chưa có giấy chứng nhận vệ sinh thú y… .  tại mỗi cơ sở, Đoàn kiểm tra nhắc nhở các chủ cơ sở, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không nhập các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thường xuyên kiểm tra, đảo hàng tránh tình trạng hàng hết hạn sử dụng.

Các đoàn kiểm tra cũng làm xét nghiệm nhanh đối với một số nguyên liệu, thực phẩm (hàn the trong giò, chả, bún; foocmon trong bún bánh, thịt tươi; methanol trong rượu trắng; phẩm màu thực phẩm trong tương ớt, bột có màu; độ ôi khét dầu mỡ). Kết quả không phát hiện hóa chất độc hại/chất cấm có trong nguyên liệu, thực phẩm

“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” chỉ là điểm khởi nguồn, là cú hích cho các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Vì vậy, để công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo hơn, không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của các ngành chức năng mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc hết sức trách nhiệm, quyết liệt của các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương các cấp trong việc duy trì các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm một cách thường xuyên, liên tục để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh góp phần đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng./.

 

Thu Trang                            

  • Từ khóa :