Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Kế hoạch phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue năm 2024
Lượt xem: 2143
Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm lưu hành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong nhiều năm qua. Dịch bệnh bùng phát mạnh nhất vào năm 2017 với 708 trường hợp mắc, các năm tiếp theo từ năm 2018-2021 lần lượt là 111, 231, 122, 11 trường hợp mắc. Năm 2022 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 294 trường hợp mắc SXHD, với 47 ổ dịch. Năm 2023 toàn tỉnh ghi nhận 680 trường hợp mắc, với 145 ổ dịch được ghi nhận và có 02 trường hợp tử vong do SXHD. Các trường hợp bệnh ghi nhận ở hầu hết các huyện và có những ổ dịch lưu hành trong 2-3 năm gần đây. Năm 2024 số trường hợp mắc SXHD có thể vẫn ở mức cao với nhiều trường hợp mắc và các ổ dịch vẫn có thể phát sinh. Năm 2024 vẫn là năm có nguy cơ cao nằm trong chu kỳ bùng phát dịch SXHD, hơn nữa dịch SXHD có những dấu hiệu bất thường trong năm 2023 so với các năm trước thông qua số trường hợp mắc được ghi nhận trong tháng 12 vẫn ở mức cao, mặc dù thời điểm này nền nhiệt độ xuống rất thấp, không phải là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát

Với mục tiêu: Khống chế tỷ lệ mắc, tử vong do SXHD, không để dịch lớn xảy ra, đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống SXHD. Cụ thể: Khống chế tỷ lệ mắc SXHD < 150/100.000 dân. Khống chế tỷ lệ chết/mắc do SXHD dưới 0.09%. Tỷ lệ bệnh nhân nghi SXHD được chẩn đoán bằng xét nghiệm huyết thanh đạt 70%.  100% ổ SXHD được xử lý theo quy định và thời gian. 100% cán bộ chuyên trách phòng chống dịch tại tuyến y tế cơ sở được hướng dẫn chuyên môn phòng, chống SXHD.

          Theo đó, công tác giám sát, điều tra dịch tễ: Giám sát dịch tễ bệnh nhân SXHD nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc trong cơ sở y tế và trong cộng đồng, kịp thời lấy mẫu, xét nghiệm chẩn đoán xác định, để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời. Đảm bảo 100% trường hợp mắc SXHD được giám sát và báo cáo theo quy định. Hạn chế tối đa phát sinh các trường hợp mắc mới trong thời gian ổ dịch đang hoạt động. Giám sát huyết thanh, vi rút: Ít nhất 70% số bệnh nhân SXHD lâm sàng được cán bộ y tế lấy mẫu huyết thanh, xét nghiệm tìm kháng thể và 1-2% số bệnh nhân được phân lập vi rút nhằm phát hiện kịp thời tỷ lệ lưu hành trong cộng đồng cũng như sự chuyển hướng các týp vi rút góp phần dự báo dịch. Giám sát véc tơ truyền bệnh: Theo dõi mật độ, biến động của quần thể véc tơ tại các điểm theo dõi để có các biện pháp can thiệp thích hợp và kịp thời. Nắm chắc thông tin tình hình dịch bệnh trong nước và các tỉnh lân cận. Đẩy mạnh việc kiểm soát dịch bệnh tại các hệ thống giám sát SXHD trọng điểm, tại các cơ sở y tế và cộng đồng, để kịp thời triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp. Thường xuyên cập nhật hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch SXHD; thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, nguồn lây truyền để có kế hoạch, biện pháp phòng, chống thích hợp. Tăng cường năng lực xét nghiệm: Tổ chức tập huấn các phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển và thông báo kết quả xét nghiệm cho các tuyến.

          Củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch tại đơn vị y tế các tuyến. Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch. Hướng dẫn trực tiếp cho cán bộ y tế cơ sở về công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, truyền thông trong công tác phòng chống SXHD, kỹ năng hướng dẫn và huy động cộng đồng cùng chung tay trong công tác phòng chống SXHD. Đảm bảo cung ứng hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế cho các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch. Tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Thành lập các đoàn công tác kiểm tra việc sẵn sàng phòng chống dịch bệnh tại các địa phương trước, trong và sau thời gian xảy ra dịch.

          Tăng cường sự phối hợp giữa ngành y tế và các, ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền phòng, chống SXHD. Đa dạng hóa các loại hình truyền thông: Truyền hình, truyền thanh, pano, áp phích, băng rôn, tờ rơi... lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp, hội nghị để nâng cao hiệu quả truyền thông và thu hút sự chú ý của cộng đồng. Thông báo diễn biến, tình hình dịch bệnh thường xuyên trên cả nước, đặc biệt là các địa phương có dịch lớn và tình hình tại Ninh Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phổ biến các biện pháp phòng, chống thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động phòng chống, biết cách tự bảo vệ, diệt muỗi và nơi sinh sản của muỗi, chống muỗi đốt. Vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế triển khai các hoạt động chống dịch. Chú trọng tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh đối với các đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao, có tiền sử dịch tễ đi từ vùng dịch về. Lồng ghép nội dung phòng, chống SXHD vào chương trình hoạt động của các cơ sở giáo dục.

          Theo đó, tập trung vào các hoạt động chính: Khi ghi nhận ca bệnh rải rác: Xây dựng Kế hoạch phòng, chống SXHD theo nguồn kinh phí đã được phân bổ. Theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đưa ra đánh giá, dự báo để kịp thời tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn cho các đơn vị trong công tác phòng, chống dịch SXHD. Giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện các trường hợp mắc, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng. Thực hiện giám sát chủ động, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, lập danh sách, quản lý, theo dõi tất cả các trường hợp nghi ngờ tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch SXHD cho cán chuyên trách tại trung tâm y tế các huyện, thành phố. Giám sát dịch tễ bệnh nhân SXHD nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc trong cơ sở y tế và trong cộng đồng, kịp thời lấy mẫu, xét nghiệm chẩn đoán xác định, để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời. Đảm bảo 100% trường hợp mắc SXHD được giám sát và báo cáo theo quy định. Tại các ổ dịch đã được xử lý đảm bảo sau 14 ngày không có bệnh nhân mắc mới. Giám sát, theo dõi chặt chẽ quần thể muỗi trong khu vực gần với người bệnh sinh sống. Chuẩn bị sẵn hóa chất, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch. Tổ chức các đội chống dịch cơ động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch. Phối hợp với các đơn vị truyền thông trên địa để đưa tin về tình hình dịch bệnh, đồng thời có những khuyến cáo phòng, chống dịch kịp thời cho người dân. Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

          Khi dịch lây lan và bùng phát trong cộng đồng: Thực hiện đầy đủ các nội dung như khi ghi nhận các ca bệnh rải rác và đẩy mạnh các nội dung sau: Báo cáo hàng ngày tình hình diễn biến của dịch cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người ngành y tế Ninh Bình để nhận được các chỉ đạo kịp thời. Đánh giá tình hình dịch và thực hiện việc công bố dịch theo quy định để huy động các nguồn lực kịp thời ứng phó hiệu quả với dịch SXHD nhằm giảm thiểu các trường hợp mắc, biến chứng, tử vong. Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch. Tiếp tục tăng cường triển khai giám sát SXHD để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch mới, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch trong cộng đồng. Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh. Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; các đội chống dịch cơ động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.

Diệu Thúy

  • Từ khóa :