Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Lan tỏa phong trào "Blouse trắng - trái tim hồng"
Cùng với việc nỗ lực chăm sóc, điều trị nâng cao sức khỏe nhân dân, những năm qua, ngành Y tế Ninh Bình còn thực hiện hiệu quả chương trình hiến máu tình nguyện (HMTN), nêu cao tinh thần trách nhiệm của người làm công tác y tế đối với người bệnh, giúp nhiều người bệnh có cơ hội được cứu sống. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều cán bộ, y, bác sĩ có hàng chục lần tham gia hiến máu và sẵn sàng là kho máu sống để cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân.
Lan tỏa phong trào

Chương trình hiến máu "Giọt hồng Blouse trắng" của ngành Y tế. Ảnh: Quang Vân

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hải Lý, khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là người có hơn chục lần tham gia HMTN. Công tác tại khoa Huyết học, điều dưỡng Hải Lý hiểu rõ sự cần thiết của việc cho và nhận máu đối với cơ thể mỗi người. Nên tùy vào sức khỏe của mình, có năm chị hiến 2 lần, có những khi người bệnh cần máu mà nguồn máu khan hiếm, chị lại tình nguyện hiến tặng ngay cho bệnh nhân nơi mình đang công tác. 

"Thực sự tôi không nhớ chính xác đến nay, mình đã hiến máu bao nhiêu lần. Từ thời sinh viên năm thứ nhất, tôi đã hiến máu, về Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm việc đến nay, tôi cũng đã có gần chục lần tham gia hiến máu. Tôi thấy cơ thể khỏe mạnh, đủ 3 tháng là có thể thực hiện được. Công tác tại môi trường bệnh viện, tôi thấy càng phải có trách nhiệm hơn đối với người bệnh, nên luôn sẵn sàng cho đi những giọt máu quý báu khi người bệnh có nhu cầu..." - chị Hải Lý khẳng định.

Tấm gương tham gia HMTN của bác sĩ Trần Văn Thiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thì nhiều người trong ngành Y tế Ninh Bình đều biết. Bác sĩ Thiện cho biết, đã có gần 20 lần anh tham gia hiến máu, chính xác là 18 lần. Ngay tại lần hiến máu của ngành Y tế năm 2021 được tổ chức vào cuối tháng 4 gần đây, anh Thiện đang đi học trên Hà Nội, nhưng vẫn về tham gia hiến máu, tiếp tục duy trì và phát huy phong trào HMTN của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và ngành Y tế Ninh Bình. Bác sĩ Thiện nói vui, từ đầu năm 2021 đến nay, do bận rộn với việc học tập, nên anh mới chỉ tham gia hiến máu 1 lần, người dường như gầy đi... Nhưng thật sự, hiến máu không hề ảnh hưởng đến sức khỏe nếu hiến đúng, hiến đủ và đúng cách. 

"Tôi nghĩ rằng, việc hiến máu không chỉ là hưởng ứng phong trào tình nguyện của tuổi trẻ ngành Y tế, mà đó còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng xã hội. Hàng năm, khi phong trào hiến máu được ngành Y tế phát động, tôi đều tham gia, thậm chí khi cần huy động nguồn máu đột xuất, tôi cũng luôn sẵn sàng. Mỗi lần hiến máu thành công, tôi rất vui, vì những đơn vị máu của mình sẽ góp phần cứu sống những người bệnh cần máu. Tôi vẫn sẽ tiếp tục hiến máu khi sức khỏe còn cho phép và luôn có ý thức tuyên truyền, động viên gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia hiến máu…" - bác sĩ Thiện chia sẻ thêm.

Là bệnh viện tuyến tỉnh có lưu lượng bệnh nhân đông nhất tỉnh, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường có trên 1 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú. Do đó, nhu cầu về máu để cứu người, điều trị bệnh nhân thiếu máu rất quan trọng và cần một lượng máu dự trữ nhất định. Những năm gần đây, với sự quan tâm của Ban Vận động HMTN tỉnh, các tình nguyện viên, sự hưởng ứng, tham gia của đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cơ bản tiếp nhận được lượng máu đủ để cấp cứu và điều trị cho người bệnh.

Bác sĩ CK.II Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nhiều năm trước đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên gặp tình trạng thiếu máu trong điều trị, cấp cứu người bệnh. Nguyên nhân là do, thời điểm đó, phong trào HMTN chưa phát triển sâu rộng như bây giờ, nhiều người còn ngại ngần với việc hiến máu nhân đạo. Nguồn máu cho người bệnh phụ thuộc phần nhiều vào những người hiến máu chuyên nghiệp, chất lượng máu thường không cao, các y bác sĩ không chủ động được trong quá trình cấp cứu, điều trị cho người bệnh.

Với việc tuyên truyền sâu rộng của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, phong trào HMTN ngày càng đi vào chiều sâu và lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân. Ngay cả thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, với sự vận động, tuyên truyền của Hội Chữ thập đỏ, bằng nhiều hình thức hiến máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn có đủ lượng máu cần thiết. Mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận từ 7-8 nghìn đơn vị máu, cơ bản đủ cho việc cấp cứu và điều trị người bệnh.

Để phát huy tối đa nguồn máu tiếp nhận được, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức, thực hiện đúng quy trình lấy máu, đảm bảo an toàn, yên tâm cho người tham gia hiến máu. Đồng thời, Bệnh viện đầu tư máy móc hiện đại để bảo quản máu chất lượng. Hiện nay, tại khoa Huyết học có hàng chục tủ lạnh trữ máu, tủ âm sâu trữ huyết tương; các máy ly tâm lạnh để tách các chế phẩm của máu; máy lắc và bảo quản tiểu cầu... Với hệ thống máy móc hiện đại, Bệnh viện cơ bản đáp ứng nhu cầu về máu cho từng loại bệnh, tiết kiệm được nguồn máu tiếp nhận từ Ban vận động HMTN tỉnh, không để xảy ra tình trạng khan hiếm và thiếu máu...

Bà Đinh Thị Bẩy, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết: Đối với ngành Y tế, để khẳng định việc làm ý nghĩa của những người mặc áo Blouse trắng, đội ngũ y, bác sĩ ngành Y tế Ninh Bình không chỉ thực hiện trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng trong việc cứu chữa người bệnh, mà còn thực hiện nghĩa cử cao đẹp là dành những giọt máu hồng quý giá của mình cho cộng đồng và người bệnh, nhiều năm qua khẳng định là một trong những cơ quan, đơn vị tiên phong, đi đầu trong phong trào HMTN tại tỉnh Ninh Bình. 

Thực hiện phong trào, ngành Y tế đã phát động và kêu gọi sự tham gia tích cực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ toàn ngành trong mỗi đợt, mỗi dịp thực hiện HMTN, như: "Blouse trắng - Trái Tim Hồng"; "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng"; "Lễ hội Xuân hồng ngành Y tế"… Qua đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, các nhân có nhiều đóng góp trong phong trào HMTN. Tiêu biểu là các tập thể như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh... Góp phần lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện trong các tầng lớp nhân dân, ngày càng phát triển bền vững, số lượng máu tiếp nhận tăng dần theo từng năm, giúp hàng nghìn bệnh nhân vượt qua nguy kịch, ổn định sức khỏe và duy trì cuộc sống.

  • Từ khóa :