Chủ động phòng bệnh ho gà-bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan cao
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tháng 02/2024, trên địa bàn xã Xích Thổ (Nho Quan) đã ghi nhận 1 trường hợp dương tính với vi khuẩn ho gà. Bệnh nhi nữ, 4 tháng tuổi đã được tiêm 1 mũi vắc xin 5 trong 1 có thành phần ho gà, khởi phát bệnh với các biểu hiện ho nhiều, nôn sau ho, sốt và kèm theo quấy khóc. Sau 2 tuần tự điều trị tại nhà không đỡ, bệnh nhi đã nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp cấp, có cơn ho kịch phát, viêm phổi đồng nhiễm do phế cầu, kèm theo rối loạn tiêu hóa.
Bệnh nhi được chỉ định thở máy, dùng kháng sinh và lấy mẫu xét nghiệm PCR. Ngay khi có kết quả dương tính với vi khuẩn ho gà, bệnh nhi đã được điều trị tích cực theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và đang dần hồi phục. Đây là trường hợp mắc bệnh tản phát chủ yếu chỉ tiếp xúc với các thành viên trong gia đình và chưa xác định được nguồn lây bệnh.
Kể từ ca mắc ho gà đầu tiên, đến ngày 11/3, tại xã Xích Thổ có thêm 2 trường hợp mắc ho gà, trong đó 1 trường hợp trẻ vài tháng tuổi và 1 trường hợp trẻ đang học tại trường mầm non. Trước tình hình xuất hiện các ca mắc ho gà tại cùng một địa phương, Sở Y tế đã có Công văn số 418/SYT - NVY ngày 4/3/2024 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống điều trị kịp thời bệnh ho gà.
Theo đó, ngày 11/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát, điều tra, hỗ trợ xử lý các trường hợp mắc ho gà tại xã Xích Thổ.
Đoàn giám sát đã làm việc tại gia đình bệnh nhân, các hộ gia đình có tiếp xúc gần, trường mầm non nơi bệnh nhân theo học và Trạm Y tế xã Xích Thổ. Đoàn đã lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân. Rà soát tiền sử tiêm chủng, đặc biệt tiền sử tiêm vắc xin có thành phần ho gà của trẻ trên địa bàn xã.
Tại địa phương, cùng với việc triển khai các hoạt động chuyên môn, Đoàn giám sát đề nghị các trường học cần tăng cường vệ sinh cá nhân cho trẻ và vệ sinh lớp học, theo dõi sức khỏe của trẻ, truyền thông, hướng dẫn người chăm sóc trẻ các biểu hiện đặc trưng của ho gà để kịp thời thông báo với các cơ sở y tế. Đồng thời, đoàn đề nghị y tế địa phương và chính quyền xã Xích Thổ đẩy mạnh các hoạt động xử lý ổ dịch. Trong đó tập trung vào công tác giám sát, theo dõi, cách ly người tiếp xúc gần, truyền thông và tiêm chủng…
Để chủ động phòng chống bệnh ho gà, y sỹ Bùi Văn Thành, quyền Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xích Thổ cho biết: Trạm Y tế xã đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Nho Quan triển khai điều tra, giám sát các trường hợp có liên quan. Đối với trẻ mầm non mắc ho gà, gia đình trẻ đã được thông báo, không cho trẻ đến lớp và thực hiện cách ly tại nhà. Đồng thời, thông báo cho các phụ huynh có con tiếp xúc gần với bệnh nhân tiếp tục theo dõi sức khỏe, khi có các triệu chứng, biểu hiện của ho gà cần phải đến ngay Trạm Y tế để được hướng dẫn, điều trị…Cùng với đó, đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân cho con em dưới 1 tuổi đi tiêm dịch vụ để đảm bảo số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Hiện trên địa bàn xã chỉ còn gần 80 trẻ chưa tiêm mũi 4 vắc xin DPT (3 trong 1) và 35 trẻ chưa tiêm vắc xin Pentaxim hoặc SII (5 trong 1) do thiếu vắc xin.
Theo bác sỹ Nguyễn Mai Thanh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Ho gà là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, gây biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong ở một số trường hợp. Đáng lo ngại, đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan cao, thời gian ủ bệnh dài, biểu hiện và triệu chứng của bệnh dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà như: Viêm phổi nặng, đây là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng; biến chứng viêm não với tỷ lệ tử vong cao. Ngoài ra, trẻ mắc ho gà còn có thể có các biến chứng như: lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng; trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi; xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác… Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.
Để dự phòng bệnh ho gà, ngành y tế khuyến cáo, việc tiêm phòng vắc xin có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Tại Việt Nam, vắc xin ho gà có trong rất nhiều loại vắc xin kết hợp như vắc xin 6 trong 1 (Hexaxim hoặc Infanrix Hexa), vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim hoặc SII), vắc xin 4 trong 1 (Tetraxim), vắc xin 3 trong 1 (DPT).
Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ em trong tiêm chủng: Tiêm 3 mũi vắc xin có thành phần ho gà cho trẻ vào lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi thứ tư vào lúc trẻ 18 tháng. Ngoài ra, phụ nữ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm.
Bên cạnh việc tiêm phòng, người dân cần bảo đảm nhà trẻ, lớp học, nhà ở sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Người lớn cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hằng ngày. Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh như: ho nhiều, ho có tím tái, ăn nôn trớ, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở…, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.
Trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ ưu tiên phân bổ vắc xin SII, DPT trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho xã Xích Thổ và một số địa phương lân cận. Đồng thời, tăng cường các biện pháp truyền thông tại cộng đồng về bệnh ho gà để nâng cao ý thức phòng bệnh trong nhân dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị điều trị tổ chức sàng lọc, phân luồng ngay tại khu vực tiếp đón đối với các trường hợp nghi ngờ, chỉ định xét nghiệm phù hợp để kịp thời phát hiện người bệnh mắc ho gà đặc biệt đối với các bệnh nhi. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư y tế để điều trị người bệnh trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, chuyển tuyến an toàn, kịp thời đối với những trường hợp diễn biến nặng. Nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà người bệnh cùng thực hiện./.
Thu Trang