Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
hôn nhân cận huyết thống là gì? nguyên nhân, hậu quả hôn nhân cận huyết thống
Lượt xem: 27933

1. Thực trạng hôn nhân cận huyết thống

Hôn nhân cận huyết là một hủ tục phổ biến và tồn tại ở nhiều nơi đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vấn nạn này không chỉ vi phạm về mặt đạo đức và pháp luật, mà còn gây nhiều hệ luỵ khác cho xã hội.

Mặc dù tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong những năm gần đây đã được giảm thiểu đáng kể, tuy nhiên không thể không nhắc đến những ảnh hưởng nặng nề của hôn nhân cận huyết thống đến sức khoẻ của những người mẹ và trẻ em, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao và nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; quyền của trẻ em cũng không được đảm bảo. Không chỉ vậy, hôn nhân cận huyết còn làm suy giảm chất lượng dân số, duy trì giống nòi, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Khái niệm hôn nhân cận huyết thống

Hôn nhân cận huyết thống được hiểu là cuộc hôn nhân xảy ra giữa hai người cùng chung dòng máu trực hệ của một gia đình hoặc gia tộc, tức là cuộc hôn nhân giữa những người cùng chung dòng máu trong phạm vi ba đời.

Theo Khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giải thích:

- Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, côn cậu, con dì là đời thứ ba.

Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, theo đó quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, các hành vi say đây bị Luật Hôn nhân và gia đình cấm:

- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rẻ, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

- Yêu sách của cải trong kết hôn;

- Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trợ ly hôn;

- Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

- Bạo lực gia đình;

- Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cấm hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (hôn nhân cận huyết thống). Hành vi trên sẽ phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

3. Nguyên nhân của hôn nhân cận huyết thống

Cùng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, nhiều hủ tục và vấn nạn đã được giảm thiểu, tuy nhiên tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra bởi các nguyên nhân sau

- Có thể thấy, tình trạng hôn nhân cận huyết thường xảy ra tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tại những vùng này, trình độ dân trí còn thấp, người dân chưa hiểu rõ được hậu quả nặng nề mà hôn nhân cận huyết đem lại tới sức khoẻ và xã hội.

- Hủ tục xuất phát và ảnh hưởng bởi tập tục văn hoá của vùng dân tộc thiểu số và khu vực miền núi còn lạc hậu, chưa phát triển.

- Người dân khu vực dân tộc thiểu số và vùng núi thường có xu hướng lựa chọn kết hôn với người trong gia đình hoặc gia tộc do hạn chế về mặt giao thông, gây khó khăn trong việc gặp, giao lưu giữa các vùng.

- Do tư tưởng của người dân cho rằng việc kết hôn cận huyết thống giúp gắn kết mối quan hệ gia đình.

- Người dân muốn duy trì và truyền tải văn hoá gia tộc, bảo tồn của cải.

- Lý do khách quan về mặt tình cảm tự nhiên phát sinh hay không biết đó là thành viên của gia đình (có thể bị thất lạc nhiều năm).

- Do chế tài xử lý vi phạm hôn nhân cận huyết thống chưa đủ mạnh, vấn đề xử phạt chưa quyết liệt để có sự răn đe và ngăn chặn tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

 

- Công tác tuyên truyền và vận động người dân về hủ tục hôn nhân cận huyết chưa thực sự hiệu quả.

 

 

 

4. Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống

Hôn nhân cận huyết thống để lại những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em, làm suy thoái giống nòi và là bước cản lớn đến sự phát triển của kinh tế - xã hội.

4.1. Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống trên phương diện sinh học

Thực tế y học đã chứng minh, hôn nhân cận huyết thống khiến cho những gen lặn bệnh lý ở người đàn ông và người phụ nữ kết hợp với nhau và gây bệnh cho con. Đứa trẻ sinh ra trong hôn nhân cận huyết thống có thể bị dị dạng hoặc mắc các bệnh di truyền:

- Bệnh da vảy cá do hôn nhân cận huyết thống

- Thiếu men G6PD do hôn nhân cận huyết thống

- Hội chứng Edwards do hôn nhân cận huyết thống

- Hội chứng Pa-tau do thừa một nhiễm sắc thể 13

- Hôn nhân cận huyết thống và hội chứng Down

- Bạch tạng vì hôn nhân cận huyết thống

- Mù màu vì hôn nhân cận huyết thống

- Bệnh máu nguy hiểm hay gặp do hôn nhân cận huyết thống.

Đối với người mẹ, hôn nhân cận huyết thống dẫn tới nguy cơ cao bị thai lưu, sảy thai,...

Có thể thấy, hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng tiêu cực đến nòi giống và sức khoẻ của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Sức khoẻ và quyền lợi của trẻ không được bảo đảm, chất lượng dân số giảm dẫn đến nhiều hệ luỵ: bệnh tật, thất học, nghèo đói,..

4.2. Hậu quả của hôn nhận cận huyết thống đến xã hội

Hôn nhân cận huyết thống là hủ tục trái với truyền thống đạo đức và văn hoá và làm suy giảm giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử lý kịp thời.

Hôn nhân cận huyết thống làm suy thoái giống nòi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, nhân lực của dân tộc thiểu số và vùng núi nước ta nói riêng và toàn xã hội nói chung. Vì vậy, hôn nhân cận huyết thống là rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

5. Xử lý vi phạm hôn nhân cận huyết thống

Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa nhưng người có họ trong phạm vi ba đời.

Bên cạnh đó, Điều 181 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tư nguyện, theo đó người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

 

Nguyễn Minh

  • Từ khóa :