Phát động chiến dịch truyền thông dự phòng nhiễm khuẩn đường sinh sản cho phụ nữ
90% phụ nữ Việt Nam độ tuổi sinh sản mắc bệnh phụ khoa
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có đến 90% phụ nữ Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa. Đáng nói, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15%-27%. Trong số các bệnh phụ khoa, viêm âm đạo là căn bệnh chị em hay mắc phải nhất. Điều đáng lo ngại là xu hướng trẻ hóa của bệnh lý này khi không chỉ ở những phụ nữ đã lập gia đình mà cả các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục cũng có thể mắc viêm âm đạo.
Điều đáng lo ngại là, xu hướng trẻ hóa của bệnh lý này khi không chỉ ở những phụ nữ đã lập gia đình mà cả các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục cũng có thể viêm nhiễm. Từ năm 2018 trở lại đây, mỗi năm có 8,8 triệu lượt chị em đi khám phụ khoa và có tới 3,6 triệu chị em phải điều trị. Tuy nhiên, con số này chưa thể hiện chính xác tình trạng viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ cả nước bởi nhiều chị em còn có tâm lý e ngại, xấu hổ.
Theo ThS. BS. Dương Thị Hải Ngọc, chuyên viên chính của Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em thông tin, song song với nguy cơ sẵn có, những yếu tố liên quan môi trường, đời sống xã hội hay thiếu hụt kiến thức đúng đắn trong việc vệ sinh vùng nhạy cảm cũng như giáo dục giới tính cũng khiến một số dạng bệnh phụ khoa có xu hướng tăng ở các bạn nữ trẻ. số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng từ 15 - 27%.
Nguyên nhân mắc bệnh phụ khoa là do yếu tố ngoại sinh, do vi khuẩn, vi sinh vật xâm nhập vào đường sinh sản qua các thủ thuật can thiệp y tế chưa đảm bảo vô trùng. Do quan hệ tình dục không an toàn: Ngoài quan hệ tình dục không được bảo vệ, quan hệ tình dục thô bạo cũng làm tổn thương âm đạo. Những vi khuẩn, vi sinh vật từ hậu môn, bộ phận sinh dục nam giới có thể đi sâu vào âm đạo phụ nữ và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Hậu quả của nhiễm khuẩn sinh sản, bệnh phụ khoa là viêm vùng chậu do nhiễm khuẩn đường sinh sản dưới không điều trị triệt để, nhiễm khuẩn đường sinh sản trên do viêm phần phụ, gây nhiễm trùng thai nghén, nhiễm trùng hậu sản: Sảy thai; thai ngoài tử cung; nhiễm khuẩn ối; nhiễm khuẩn hậu sản; đẻ non; nhiễm khuẩn sơ sinh, gây vô sinh; gây ung thư cổ tử cung (nếu nhiễm virus HPV); ảnh hưởng chất lượng cuộc sống; gánh nặng kinh tế.
Nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh phụ khoa còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường tình dục khác như nhiễm khuẩn chlamydia và bệnh lậu, giảm khả năng mang thai, có thể dẫn tới vô sinh, chửa ngoài tử cung, ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng, hạnh phúc gia đình và sự tự tin của phụ nữ.
Đồng thời, BS. Ngọc cũng đề cập những chính sách về chăm sóc sức khỏe phụ nữ, phòng nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh phụ khoa, như:
Được khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa định kỳ, chế độ trong chăm sóc sức khỏe trong thời gian hành kinh, được nghỉ đi khám sức khỏe đột xuất khi có biểu hiện bất thường và nghỉ theo quy định; chế độ chăm sóc sức khỏe trong thời gian mang thai và chế độ chăm sóc trong thời gian nuôi con bú và con dưới 1 tuổi.
Trang bị kiến thức đúng đắn trong chăm sóc sức khỏe phụ khoa
Trước thực trạng của bệnh viêm nhiễm phụ khoa hiện nay, Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em phát động chiến dịch “20 triệu phụ nữ phụ khoa đúng cách – Hạnh phúc trọn vẹn" nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng trên. Theo đó chương trình sẽ xây dựng chuỗi hoạt động tư vấn, hội thảo truyền thông cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi và 25 đến 45 tuổi tại các thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, còn cung cấp các buổi chia sẻ kiến thức giữa hội viên trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Trong giai đoạn 2024 - 2026, chiến dịch đặt mục tiêu tăng cường các buổi truyền thông, tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và sinh viên, mở rộng địa bàn ra toàn quốc. Hướng tới mỗi cá nhân sẽ chủ động chia sẻ và truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cộng đồng. Từ đó, góp phần mang lại sức khỏe, hạnh phúc và sự tiến bộ cho phụ nữ trên khắp Việt Nam
Đồng thời để dự phòng nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh phụ khoa, biện pháp dự phòng tốt nhất là ngăn chặn nhiễm trùng mới, theo 3 nhóm nguyên nhân: dự phòng nhiễm trùng nội sinh gồm thay đổi thói quen sinh hoạt; vệ sinh đúng cách, cải thiện môi trường, điều kiện sống; hạn chế, ngăn ngừa nhiễm trùng ngoại sinh, tuân thủ quy trình vô khuẩn, quy trình chuyên môn; đến cơ sở y tế tin cậy, an toàn để khám bệnh, chữa bệnh… Thực hành quan hệ tình dục an toàn, phòng bệnh lây qua đường tình dục bằng cách chung thuỷ 1 vợ 1 chồng; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục; không quan hệ tình dục khi đang mắc nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh phụ khoa.
Thu Trang