Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế cho biết, ở Việt Nam hằng năm cứ trung bình 100 người tử vong do bệnh tật, thì trong số đó có tới 77 người (chiếm 77%) là có liên quan đến các căn bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…70% gánh nặng chi phí điều trị, dịch vụ y tế đều bắt nguồn từ các bệnh không lây nhiễm nhưng tại nước ta bệnh này vẫn chưa được quan tâm phòng ngừa đúng mức. Cũng theo số liệu từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, gần 3 triệu ca mắc bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc các bệnh tim mạch và hô hấp mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do hai căn bệnh tim mạch, đột quỵ gây ra đang có xu hướng gia tăng và trở thành nguyên nhân chính gây tử vong trong số các bệnh không lây nhiễm.
Có thể nói, đây chính là những con số biết nói, báo động về tình trạng những căn bệnh không lây nhiễm, đang ngày càng khá phổ biến và hiện hữu hằng ngày trong đời sống cộng đồng của chúng ta. Càng đáng báo động hơn, là ½ trong số tử vong do NCD lại rơi vào những người có độ tuổi trước 70. Tăng huyết áp được ví như là một sát thủ chuyên nghiệp, nhưng lại cực kỳ thầm lặng. Đây là một căn bệnh mạn tính, do đó cần phải được theo dõi đều và điều trị lâu dài suốt đời. Bởi, tăng huyết áp hầu như không có những triệu chứng rõ ràng. Trên thực tế, rất nhiều người bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không biết, cho đến khi đi khám bệnh hoặc đã bị các biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp gây ra rồi mới biết mình đang mắc bệnh. Đó là lý do tại sao tăng huyết áp lại nguy hiểm và được xem là “kẻ giết người thầm lặng”. Cách duy nhất để biết mình bị tăng huyết áp hay không, là nên kiểm tra huyết áp một cách thường xuyên.
Bác sĩ Tống Hữu Phương, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “thông thường khi bị tăng huyết áp, người ta dễ thường thấy một số triệu chứng phổ biến như: Choáng váng, nhức đầu; Mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt; Khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; Đỏ mặt, buồn nôn; Có vấn đề về thị giác và hô hấp. Khi có các dấu hiệu kể trên, tốt nhất là người bệnh cần nên nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xác định bệnh và có phác đồ điều trị lâu dài kịp thời. Song, đa số người mắc bệnh tăng huyết áp thường chỉ nhận thấy các triệu chứng trên khi bệnh đã trở nặng”.
Bên cạnh căn bệnh cao huyết áp, thì căn bệnh đái tháo đường hiện nay cũng đã trở thành gánh nặng không nhỏ cho kinh tế, sức khỏe và điều kiện sống của mọi người. Tiểu đường là căn bệnh phổ biến từ lâu trên thế giới. Theo các nhà khoa học, có 3 loại tiểu đường bao gồm: Tiểu đường tuýp 1 (trước đây người ta thường gọi tiểu đường phụ thuộc insulin), Tiểu đường tuýp 2 (trước đây còn gọi tiểu đường không phụ thuộc insulin), Tiểu đường tuýp 3 hay còn gọi là tiểu đường thai kỳ. Và còn có các loại tiểu đường do các nguyên nhân khác như: tiểu đường đơn gen, do dùng thuốc, do các bệnh lý nội khoa…
Đái tháo đường là bệnh mạn tính, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm ở thận, não, mắt, tim mạch… Có thể dẫn đến tử vong. Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: Một chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh sẽ giúp chúng ta phòng ngừa được căn bệnh nguy hiểm này. Đó là nên sử dụng từ nguồn rau, quả tươi (quả ít ngọt). Ngoài ra, đồ uống có cồn (rượu, bia), các loại nước ngọt có ga cũng cần hết sức hạn chế. Đồng thời, nên ăn có chừng mực, không nên ăn quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều. Quan trọng là không nên bỏ ăn sáng.
Tại tỉnh Ninh Bình, gần 5000 bệnh nhân đái tháo đường đang được quản lý điều trị ngoại trú, Bác sĩ Tống Hữu Phương khuyên cáo đối với người bệnh: “Cần chú ý thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao như béo phì, rối loạn mỡ máu, có người thân trong gia đình (cha, mẹ, anh, chị em ruột) bị tiểu đường, phụ nữ sinh con có cân nặng trên 4kg, tiền sử đái tháo đường thai nghén… Bên cạnh đó, có thể sử dụng thêm các thảo dược như khổ qua, dây thìa canh, tảo spirulina… giúp hỗ trợ phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả. Các thảo dược này đều tốt cho người bị tiểu đường, người có nguy cơ cao mắc tiểu đường để phòng bệnh”.
Rõ ràng, những căn bệnh không lây nhiễm là mối hiểm họa thật sự cho sức khỏe của mỗi chúng ta và cho cả cộng đồng. Vì vậy, mỗi cá nhân cần tự thường xuyên theo dõi chỉ số BMI của cơ thể để hạn chế các nguy cơ về béo phì. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, cần thực hiện đo huyết áp, xét nghiệm đường máu tối thiểu 1 lần/năm và tham gia chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh ung thư phổ biến thông qua khám sàng lọc tại các cơ sở y tế. Phòng bệnh hiệu quả nhất là bằng cách tăng cường vận động, tập thể dục thể thao, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và nhiều rau xanh, đồng thời hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ như rượu bia, thuốc lá, ô nhiễm môi trường.
Nguyễn Minh