Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Kỹ thuật tiêm nội nhãn điều trị một số bệnh lý về mắt tại bệnh viện Mắt tỉnh Ninh Bình
Lượt xem: 2595
Tiêm nội nhãn gồm tiêm thuốc vào tiền phòng và tiêm thuốc vào buồng dịch kính là phương pháp điều trị một số bệnh nhãn khoa. Tiêm nội nhãn giúp đạt nồng độ thuốc tối đa trong nhãn cầu và hạn chế các tác dụng toàn thân của thuốc. Để hiểu rõ hơn về kỹ thuật này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Bác sỹ Đào Hùng Sơn – Bệnh viện Mắt tỉnh về kỹ thuật này.

     Phóng viên: Xin Bác sỹ cho biết kỹ thuật tiêm nội nhãn điều trị bệnh gì?

    Bác sỹ: Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh: Võng mạc đái tháo đường. Nguyên nhân gây võng mạc đái tháo đường là do tổn thương các mạch máu của võng mạc cảm thụ. Thời gian đầu có thể không có triệu chứng hoặc chỉ ảnh hưởng đến tầm nhìn ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, nếu để nặng sẽ dẫn tới mù lòa. Theo nghiên cứu, bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở những người trong độ tuổi từ 20 - 65 trên toàn thế giới. Trung bình sau khi mắc bệnh đái tháo đường 5 năm thì bắt đầu có dấu hiệu tổn hại ở võng mạc. Tần suất biến chứng võng mạc đái tháo đường sau 5 năm mắc bệnh đái tháo đường là 15 - 30%, sau 10 năm là 35 - 50%, 15 năm là 55 - 65%,  20 năm là 65 - 85% và sau 30 năm là 75 - 90%.

    Tại tỉnh ta, trong tổng số những người đến khám các bệnh về mắt, có khoảng 3% - 5% mắc bệnh đái tháo đường. Trong tổng số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường thì có tới 35% số bệnh nhân bị biến chứng võng mạc đái tháo đường. Dấu hiệu nhận biết bệnh được chia thành 2 giai đoạn: ở giai đoạn sớm hay còn gọi là giai đoạn tiền tăng sinh, trên võng mạc có dấu hiệu mạch máu nhỏ bị phồng lên (vi phình mạch) hoặc xuất huyết. Giai đoạn muộn (giai đoạn tăng sinh) võng mạc và đĩa thị xuất hiện những mạch máu bất thường dễ vỡ gây ra tình trạng xuất huyết dịch kính, xuất huyết võng mạc. Tăng sinh dải xơ trong buồng dịch kính gây co kéo, bong võng mạc.

    Bệnh viện Mắt tỉnh đã đưa vào hoạt động phòng khám chuyên sâu về bệnh võng mạc đái tháo đường nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho các bệnh nhân, tránh những hậu quả đáng tiếc do bệnh võng mạc đái tháo đường gây ra. Phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại như: máy chụp cắt lớp đáy mắt (OCT), máy chụp ảnh màu đáy mắt, máy siêu âm nội nhãn... cùng với đội ngũ thạc sĩ, bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo chuyên sâu về bệnh lý võng mạc đái tháo đường.

     Phóng viên: Vậy đối tượng chỉ định và chống chỉ định của kỹ thuật này là gì thưa Bác sỹ?

    Bác sỹ: Kỹ thuật này được áp dụng với những bệnh nhân bị võng mạc tiểu đường. Glôcôm (tăng nhãn áp) bẩm sinh. Bệnh glocom tân mạch. Điều trị một số bệnh lý nhãn khoa như: viêm bán phần trước, viêm nội nhãn, viêm hắc võng mạc do virus, thoái hóa hoàng điểm tuổi già, phù hoàng điểm và một số bệnh lý mạch máu võng mạc. Còn với những bệnh nhân có tiền sử tắc mạch. Bệnh nhân đột quỵ. Bệnh nhân tăng huyết áp. Bệnh nhân dị ứng với thuốc. Không tiêm nội nhãn khi đang có nhiễm trùng cấp tính tại mắt (trừ tiêm kháng sinh để điều trị viêm nội nhãn).Tiền sử dị ứng với các thuốc được tiêm. Phụ thuộc vào loại thuốc tiêm nội nhãn, có các chống chỉ định riêng:Chống viêm: glôcôm nhãn áp chưa điều chỉnh. Thuốc chống tăng sinh tân mạch: tiền sử bệnh tim mạch.

      Phóng viên:Vậy ưu, nhược điểm của kỹ thuật này là gì?

    Bác sỹ: Đây là kỹ thuật điều trị khá an toàn khi sử dụng các thuốc chống tăng sinh tân mạch. Phương pháp này mang lại kết quả rất tích cực và đầy triển vọng, đặc biệt đối với những bệnh nhân ở giai đoạn sớm. Phương pháp tiêm nội nhãn thuốc chống tăng sinh còn dễ dàng thực hiện khi có các yếu tố gây khó khăn cho việc điều trị bằng laser như: đục môi trường trong suốt, sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể hoặc xuất huyết dịch kính. Thuốc tiêm cũng làm giảm nhanh tình trạng phù hoàng điểm, khôi phục thị lực nhanh chóng. Trước đây để được điều trị võng mạc đái tháo đường, bệnh nhân thường phải lên tuyến trên nhưng hiện nay, người bệnh đã có thể điều trị ngay tại Bệnh viện Mắt tỉnh bằng phương pháp tiêm nội nhãn.

         Tuy nhiên kỹ thuật này đòi hỏi bệnh nhân phải tiêm nhiều lần. Có thể xuất hiện biến chứng.

    Việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường có vai trò đặc biệt quan trọng trong điều trị bệnh. Do đó, với bệnh nhân đái thái đường type I, sau 3 - 5 năm phải khám mắt nhằm phát hiện sớm tổn thương; bệnh nhân đái tháo thường type II, phải khám mắt ngay khi phát hiện đái tháo đường. Bên cạnh đó, các bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát tốt đường huyết và các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, béo phì.

    Phóng viên: Với những ưu điểm như thế, thì quy trình thực hiện kỹ thuật được diễn ra thế nào, xin Bác sỹ cho biết?

    Bác sỹ: Quy trình thực hiện thực hiện kỹ thuật này được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Khám và xét nghiệm cho bệnh nhân.

Bước 2: Hoàn thiện hồ sơ.

Bước 3: Tiến hành tiêm: áp dụng kỹ thuật tiêm thuốc tiền phòng kỹ thuật tiêm thuốc vào buồng dịch kính:

Bước 4: Kết thúc thủ thuật: sau khi rút kim ra, dùng tăm bông vô trùng ấn ngay tại vết tiêm để tránh thuốc trào ngược ra ngoài. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật: Xuất huyết nội nhãn. Nhiễm trùng nội nhãn. Xuất huyết dưới kết mạc

    Khi thực hiện kỹ thuật này cũng cần lưu ý: Khi sử dụng 2 nhóm kháng sinh vancomycin và ceftazidim cần dùng 2 bơm tiêm riêng biệt, tiêm ở 2 vị trí khác nhau; kiểm tra thị lực và khám trên sinh hiển vi kiểm tra tình trạng tiền phòng, mống mắt, thể thủy tinh; kiểm tra thị lực và soi đáy mắt người bệnh để loại trừ tăng nhãn áp nghiêm trọng hoặc thậm chí tắc động mạch trung tâm võng mạc, hoặc xuất huyết dịch kính; dùng thuốc kháng sinh tra tại chỗ. Bên cạnh đó, bệnh nhân sau khi thực hiện tiêm nội nhãn có biểu hiện đau nhức mắt, giảm thị lực thì cần tái khám ngay.

      Có thể nói, kỹ thuật “Tiêm nội nhãn” mang lại kết quả rất tích cực và đầy triển vọng, đặc biệt đối với những người bệnh ở giai đoạn sớm. Kỹ thuật tiêm nội nhãn thuốc chống tăng sinh còn dễ dàng thực hiện khi có các yếu tố gây khó khăn cho việc điều trị bằng laser như: đục môi trường trong suốt, sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể hoặc xuất huyết dịch kính. Thuốc tiêm cũng làm giảm nhanh tình trạng phù hoàng điểm, khôi phục thị lực nhanh chóng của người bệnh đạt được những kết quả tốt trong điều trị mang lại sự hài lòng với người bệnh khi tham gia các dịch vụ y tế.

      Như vậy, người bệnh có các bệnh lý mắt phức tạp có thể điều trị bệnh tại Bệnh viện Mắt tỉnh, được thụ hưởng các dịch vụ y tế hiện đại, các kỹ thuật chuyên sâu giảm tỷ lệ người bệnh phải chuyển tuyến điều trị, giảm chi phí và mang lại những kết quả tốt đến với người bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh nhân dân./.

    Phóng viên: Xin cảm ơn Bác sỹ./.

Nguyễn Minh

  • Từ khóa :