Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Những hy sinh thầm lặng của chiến sĩ áo trắng
    Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 dài đằng đẵng hơn 2 năm qua, có những Y, Bác sĩ đã làm việc quên mình, không kể ngày đêm. Những ngày dài nối tiếp nhau, khiến nhiều người mệt mỏi, kiệt quệ về sức khỏe, ám ảnh về tinh thần. Đã có những Y, Bác sĩ mắc COVID-19, vừa tự theo dõi sức khỏe, điều trị cho mình, vừa hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc cho các bệnh nhân khi lực lượng ngành Y luôn thiếu và quá tải… khó khăn, áp lực là vậy, nhưng ý thức được trách nhiệm với công việc, tình yêu với nghề, họ lại động viên nhau, sẵn sàng bước tiếp trong "cuộc chiến" với dịch bệnh COVID-19 chưa có hồi kết.

 

Những hy sinh thầm lặng của chiến sĩ áo trắng

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các y, bác sỹ tham gia chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam. Ảnh: Minh Quang

     Công việc vất vả, nguy hiểm 

    Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình là Trưởng đoàn cán bộ y tế số 1 của tỉnh Ninh Bình vào thành phố Hồ Chí Minh chống dịch từ giữa tháng 7/2021-là thời điểm khó khăn, dịch bệnh phức tạp nhất tại thành phố mang tên Bác. 

    Nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 huyện Cần Giờ khi Bệnh viện còn rất nhiều khó khăn, quá tải về bệnh nhân và thiếu thốn về các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế... Các thành viên trong đoàn đã vượt qua mọi khó khăn, tham gia điều trị ở tất cả các khoa của Bệnh viện, từ khoa điều trị tích cực, khoa áp lực âm, khoa điều trị lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, đến công việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, thậm chí cả xử lý thi hài tử vong trước khi đưa nạn nhân xuống nhà tang lễ. Trong gần 3 tháng nhận nhiệm vụ tại đây, Đoàn cán bộ y tế Ninh Bình đã góp phần điều trị khỏi và xuất viện cho hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 và nhận được sự tri ân và cảm tạ của chính quyền địa phương và nhiều bệnh nhân, người dân thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. 

    Với bác sỹ Nguyễn Thị Trang, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn, thì sau gần 6 tháng xa gia đình, tăng cường điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Phòng khám Đa khoa khu vực Cồn Thoi (huyện Kim Sơn), chị mới trở về nhà, bên con nhỏ đã học xong học kỳ I lớp 1, năm học 2021-2022. Bác sĩ Trang cho biết: Ban đầu, chị xung phong, tình nguyện đăng ký và có tên trong danh sách Đoàn công tác số 3 của tỉnh tăng cường chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi chỉ còn một vài ngày nữa lên đường, thì tại huyện Kim Sơn, diễn biến dịch bệnh có những phức tạp mới. Ngoài xuất hiện 1 ca bệnh trong cộng đồng, còn nhiều ca bệnh là công dân của huyện trở về từ thành  phố Hồ Chí Minh lây nhiễm dịch bệnh. Tôi được yêu cầu ở lại nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay tại quê hương. Tuy nhiên, nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thì ở đâu cũng vậy, dù ở gần hay xa thì cũng đồng nghĩa với việc cách ly hoàn toàn với gia đình, người thân. Có những thời điểm, Phòng khám Đa khoa khu vực Cồn Thoi tiếp nhận trên 100 bệnh nhân, trong đó có nhiều ca bệnh là trẻ em. Số lượng bệnh nhân đông, nhưng chỉ có hơn chục cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang túc trực làm nhiệm vụ, nên thực sự áp lực và rất vất vả. 

    Theo bác sỹ Nguyễn Thị Trang, đã có những đợt, số lượng bệnh nhân giảm, tôi được lãnh đạo Bệnh viện tạo điều kiện để trở về gia đình, nghỉ ngơi một thời gian rồi tiếp tục làm nhiệm vụ chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn, không phải cách ly điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Nhưng rồi dịch bệnh lây lan rộng tại Ninh Bình trong những tháng cuối năm 2021, bác sĩ Trang xung phong ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ tại Phòng khám đến những ngày giáp Tết Nguyên đán 2022 chị mới tạm xa nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 sau 6 tháng ròng rã cách ly, ăn, ở, sống cùng bệnh nhân COVID-19.  

        Khó khăn nào cũng cố gắng vượt qua 

     Trên 2 chuyến tàu nghĩa tình đi đón công dân Ninh Bình bị mắc kẹt tại tâm dịch phía Nam trở về, luôn có bóng dáng của những y, bác sỹ hàng ngày, hàng giờ theo dõi, chăm lo sức khỏe cho người dân. Họ đã không màng đến sự hiểm nguy của bản thân, sẵn sàng vào tâm dịch cứu người, trở thành điểm tựa cho những người yếu thế (người già, bệnh nền, phụ nữ mang thai...). 

Những hy sinh thầm lặng của chiến sĩ áo trắng
Các y, bác sỹ điều trị bệnh nhân COVID-19 đón Tết Nhâm Dần tại cơ sở Bệnh viện Phổi tỉnh

    Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Đức Tý, Phó Trưởng khoa Phụ ngoại, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho biết: Khi lãnh đạo bệnh viện thông báo đang cần 1 bác sỹ có chuyên khoa sản phụ, tham gia cùng Đoàn cán bộ của tỉnh vào miền Nam đón công dân Ninh Bình trở về, tôi đã xung phong và cả 2 lần đều lên đường làm nhiệm vụ. Tôi biết đi là nguy cơ cao lây nhiễm dịch, bởi thời điểm ấy, trong các tỉnh phía Nam, dịch bệnh phức tạp, nguy hiểm và có rất nhiều người dân nhiễm bệnh, bất an, nên họ mới mong muốn được trở về quê tránh dịch. 

   Bác sỹ Nguyễn Đức Tý chia sẻ: Vợ chồng tôi cùng làm nghề y, công việc chuyên môn, phòng chống dịch tại địa phương cũng đã vất vả và nguy hiểm. Trong khi, gia đình lại đang có 2 con nhỏ, việc chăm sóc, đưa đón các cháu đi học trông cả vào người vợ cũng tất bật với ca kíp, trực nhiệm vụ. Khi chia sẻ với người bạn đời, cũng là bạn nghề, tôi nhận được sự thông cảm và động viên của vợ, bởi, với mỗi người công tác trong ngành Y, ở đâu bệnh nhân cần, ở đó có bác sĩ. Nhất là trên chuyến tàu hồi hương ấy, có khá nhiều những phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, đang bất an, lo lắng trước dịch bệnh. 

   Phát huy tinh thần "Lương y như từ mẫu", trên hành trình 12 ngày đêm của 2 lần công tác, bác sĩ Nguyễn Đức Tý đã đồng hành cùng các công dân, nắm bắt sức khỏe của từng trường hợp nguy cơ cao như phụ nữ mang thai cuối kỳ, người già có bệnh nền đi đường xa để có phương án đối phó với từng tình huống. Rất may, sau hành trình dài, tất cả hơn 1 nghìn công dân tỉnh Ninh Bình đều đã trở về quê nhà khỏe mạnh, an toàn. 

    Y sỹ Phạm Thị Hạnh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Sơn (thành phố Tam Điệp) chia sẻ: Những ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, tết, chúng tôi hầu như không được nghỉ. Ngoài lịch trực chung theo quy định, vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi còn phải "căng mình" với những nhiệm vụ của một nhân viên y tế cơ sở, như truy vết, điều tra y tế đối với ca bệnh phát hiện mới, rồi quay cuồng với công tác tiêm chủng mùa  xuân, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, khai báo y tế cho người ở xa về..., rồi các nhiệm vụ thường quy tại địa phương như theo dõi sức khỏe cho người bệnh mạn tính, vấn đề an toàn thực phẩm, nắm bắt các bệnh dịch theo mùa... Đấy là chưa kể có những thời điểm, chúng tôi phải tăng cường cùng các lực lượng trực chốt phòng chống dịch, theo dõi và đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm cho các sự kiện, lễ kỷ niệm, các lễ hội trên địa bàn... 

    "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai" - đó là câu hát vang lên từ tận đáy lòng của rất rất nhiều những chiến sỹ áo trắng. Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, tất cả những nhân viên ngành Y tế đều là những "chiến sĩ" anh hùng chống giặc trên mặt trận không tiếng súng. Những nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ, lấy mẫu xét nghiệm trong tiết trời nắng nóng 37độ C; là những kỹ thuật viên trong phòng xét nghiệm không thể ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ để cho ra kết quả xét nghiệm nhanh nhất; là những y, bác sĩ thức trắng đêm theo dõi sức khỏe khi bệnh nhân COVID-19 trở nặng... Để hoàn thành những nhiệm vụ cao cả ấy, họ đã phải trải qua những tháng ngày dài vất vả, bỏ quên sức khỏe của chính bản thân mình... 

   Dịch bệnh COVID-19 hiện còn diễn biến phức tạp, những chiến sĩ áo trắng vẫn tiếp tục chung sức, đồng lòng, kiên cường hỗ trợ nhau cùng dũng cảm đối mặt và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất. Ít ai biết, đằng sau những nụ cười, sự cứng rắn, kiên cường ấy là rất nhiều những tâm sự, hy sinh không thể nói hết bằng lời. Là những phút yếu lòng, rơi lệ, bởi họ đâu phải những "siêu nhân" và chỉ mang trên vai nhiệm vụ phòng chống dịch. Họ còn gia đình, người thân, trách nhiệm của người con, người chồng, người vợ, bậc làm cha, làm mẹ... 

   Vậy nên, họ đã, đang và sẽ vẫn phải cùng gia đình thân yêu của mình, tiếp tục hy sinh những niềm vui, hạnh phúc giản dị, vững vàng, kiên cường trong cuộc chiến dai dẳng với kẻ thù vô hình, tất cả vì tính mạng và sức khỏe của nhân dân, với hy vọng một ngày gần nhất sạch bóng "giặc" COVID-19. 

Nguyễn Minh ( Theo Báo Ninh Bình)

  • Từ khóa :