Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
NINH BÌNH THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MÙ LÒA
Lượt xem: 2988

Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác phòng, chống mù lòa, đem lại ánh sáng, giúp nhiều người bệnh phục hồi thị lực.


 Theo báo cáo công tác phòng, chống mù loà năm 2017, hiện tỉnh Ninh Bình ước có khoảng 5.300 người mù. Nguyên nhân chủ yếu là do đục thuỷ tinh thể chưa phẫu thuật, chiếm 74%, còn lại nguyên nhân là do bệnh lý bán phần sau, biến chứng do phẫu thuật đục thuỷ tinh thể, sẹo giác mạc, bệnh glôcôm, tật khúc xạ…

Cụ Phạm Xuân Quang, 80 tuổi ở xã Yên Quang huyện Nho Quan cho biết: “Khi nghe thông báo có đoàn bác sỹ khám mắt miễn phí cho người cao tuổi về xã nhà, ông được Hội Người cao tuổi của xã thông báo trực tiếp về chương trình này. Vì vậy các cụ, nhất là những cụ có bệnh về mắt đều mong muốn được khám. Bản thân tôi cũng có bệnh về mắt cũng muốn được các bác sỹ của Bệnh viện Mắt tỉnh khám và tư vấn cho mình các biện pháp để có đôi mắt khoẻ và sáng. Cũng theo Bà Tô Thị Hoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh: “Chúng tôi thấy phấn khởi là thông tin đã tới được với người dân, mọi người nhiệt tình hưởng ứng. Xã Yên Quang có khoảng 2/3 các cụ tham gia khám sàng lọc, được tư vấn và phát thuốc miễn phí. Sau khi khám sàng lọc chúng tôi phân loại các bệnh về mắt để phẫu thuật tại bệnh viện huyện và bệnh viện mắt do tổ chức FHF (tổ chức Fred Hollows Foundation/Úc) và Bệnh viện Mắt tài trợ”.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, công tác phòng, chống mù lòa của tỉnh ta đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay các bệnh về mắt đã được khống chế, số bệnh nhân được mổ đục thủy tinh thể ngày càng tăng. Giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015 được sự tài trợ của Tổ chức FHF, hệ thống chăm sóc mắt từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh đã có sự phát triển. 100% cán bộ chuyên trách mắt xã, phường, thị trấn được tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăm sóc mắt ban đầu. Các trung tâm y tế, bệnh viện Đa khoa tuyến huyện đều có cán bộ là y sĩ, bác sĩ chuyên khoa mắt để phối hợp với các đơn vị liên quan trong triển khai các hoạt động của chương trình phòng chống mù lòa. Bên cạnh đó, mạng lưới chăm sóc mắt ở tuyến cơ sở đã phát huy hiệu quả hoạt động: đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và triển khai công tác chăm sóc mắt tại các xã, phường thôn bản, kết hợp với tuyến xã tiến hành các đợt khám sàng lọc và chuyển tuyến cho bệnh nhân mắc các bệnh về mắt; đồng thời, tăng cường hoạt động tư vấn cho bệnh nhân sau phẫu thuật; các đơn vị y tế còn phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, cung cấp cho người dân những kiến thức về bệnh mù loà do đục thuỷ tinh thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, pano, áp phích... và lồng ghép tuyên truyền trực tiếp trong các đợt khám sàng lọc các bệnh về mắt, phẫu thuật thay thuỷ tinh thể nhân tạo... Công tác phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chăm sóc mắt từ tuyến tỉnh đến cơ sở được chú trọng bằng việc cử cán bộ có chuyên môn tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn như học cao học về ngành mắt, đào tạo chuyên sâu lĩnh vực siêu âm mắt, đào tạo kỹ thuật viên khúc xạ, kỹ thuật viên mài kính, điều dưỡng nhãn khoa...

Bên cạnh đó, Quỹ FHF hỗ trợ khu điều trị kỹ thuật cao có hệ thống trang thiết bị hiện đại tại Bệnh viện Mắt tỉnh đã đi vào hoạt động. Với việc ứng dụng kỹ thuật Phaco hiện đại trong điều trị bệnh đục thủy tinh thể và một số tiến bộ khoa học kỹ thuật khác, khu điều trị tại chỗ này đã thu hút một số lượng lớn bệnh nhân. Bình quân mỗi năm, bệnh viện thực hiện khoảng 18 nghìn lượt khám, 2500 ca phẫu thuật, trong đó phẫu thuật bằng phương pháp phaco điều trị bệnh đục thủy tinh thể khoảng 1800 ca, góp phần hạ thấp tỷ lệ mù lòa trên địa bàn tỉnh. Bà Trần Thị Thu Hạnh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh khẳng định: “Giai đoạn 2012 -2015 chương trình phòng, chống mùa lòa đã mang lại hiều quả rõ rệt đối với các cụ người cao tuổi. Mặc dù chương trình đã kết thúc, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục phối hợp với ngành y tế, Bệnh viện Mắt tỉnh để khám, phát hiện và điều trị các bệnh về mắt, giúp các cụ phấn khởi, sống vui sống khỏe, sống có ích…và riêng trong năm 2017, chúng tôi phối hợp với Bệnh viện Mắt tỉnh khám cho gần 3.500 người cao tuổi trong đó phát hiện gần 800 trường hợp bị đục thủy tinh thể, 600 trường hợp bị mộng, hơn 2 nghìn trường hợp là các bệnh khác về mắt”.

 Cũng theo số liệu của Bệnh viện Mắt Trung ương tật khúc xạ học đường ngày càng tăng ở thành phố là 20 đến 40%, ở nông thôn là 10 đến 15%. Qua khảo sát của Bệnh viện Mắt tỉnh thì số học sinh đeo kính không đúng số chiếm trên 50% và phần lớn là mua kính ở các cơ sở chưa được giám sát chất lượng. Vì vậy nhằm phòng tránh và phát hiện sớm, hạn chế tỷ lệ mắc tật khúc xạ học đường trong học sinh, ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế học đường về kiến thức tật khúc xạ, tăng cường tuyền thông, tư vấn cho các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh về cách phòng tránh tật khúc xạ học đường. Theo Ông Trịnh Ngọc Quỳnh – Giám đốc BV Mắt tỉnh thì việc triển khai dự án FHF đã bước đầu xây dựng được nền móng vững chắc cho các hoạt động của chương trình phòng, chống mù lòa tại địa phương. Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành mắt và cung cấp các trang thiết bị nhãn khoa cần thiết phục vụ công tác chuyên môn. Kế hoạch phòng chống mù lòa giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh gây mù loà có thể phòng chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù loà cho mọi người dân như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về mục tiêu thị giác 2020…”

Thu Minh



 



 

 

 

  • Từ khóa :