Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương nhận định Sốt xuất huyết Dengue ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kinh tế và toàn xã hội, buộc chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm về nó. Cá nhân, cộng đồng, tổ chức tư nhân cũng như cơ quan nhà nước cần chung tay hành động chống lại bệnh sốt xuất huyết. Trong bối cảnh đó, cuộc họp lần thứ 10 Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN đã đồng thuận lấy ngày 15 tháng 6 hàng năm là ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết. Đây là một sự kiện vận động xã hội được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh SXH, huy động các nguồn lực của cộng đồng để dự phòng và kiểm soát bệnh, thể hiện sự quyết tâm của khu vực trong giải quyết những thách thức trong phòng chống SXH.
Nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò của cộng đồng, chính quyền các cấp, các ngành… không phải chỉ Việt Nam mà còn được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế và các nước ASEAN. Để kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN cùng chung tay PCSXH cũng như học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có sốt xuất huyết, tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 được tổ chức tại Singapore vào tháng 7 năm 2010, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức ASEAN và đại biểu 10 nước thành viên ASEAN đã thông qua quyết định quan trọng thống nhất chọn ngày 15/6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết”.
Được biết, Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi vằn. Muỗi vằn khi đốt người bệnh sẽ mang và truyền vi rút gây SXHD sang người lành khi muỗi đốt. Bệnh Sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt lăng quăng, diệt muỗi và không cho muỗi đốt. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Sốt xuất huyết Dengue:
+ Sốt cao đột ngột, liên tục 02 ngày trở lên và không giảm khi uống thuốc hạ sốt;
+ Có dấu hiệu xuất huyết (từ ngày thứ 2, 3 trở đi): có dạng chấm, mảng xuất huyết dưới da; chảy máu chân răng, mũi; nôn hoặc tiêu, tiểu ra máu;
+ Người mệt mỏi;
+ Đau: đầu, sau hốc mắt, bụng, cơ, khớp.
- Dấu hiệu SXHD nguy hiểm cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất:
+ Ói nhiều, đau bụng nhiều;
+ Có những dấu hiệu xuất huyết: Chảy máu cam; chảy máu chân răng; ói ra máu; đi cầu phân đen; xuất huyết âm đạo ở nữ;
+ Ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu tay chân trẻ lạnh, trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt.
Để phòng bệnh Sốt xuất huyết chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.
2. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến.
3. Cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
4. Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
5. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
6. Sử dụng bình xịt, hương, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt./.
Nguyễn Minh (tổng hợp)