Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Viêm họng cấp: Nguyên nhân mắc bệnh và cách phòng ngừa
Lượt xem: 5967

Bệnh viêm họng cấp là hiện tượng nhiễm trùng, viêm lớp niêm mạc ở cổ họng. Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Điểm đặc trưng của bệnh là tình trạng ho, đau họng, sốt cao, khó nuốt xuất hiện một cách đột ngột. Bệnh thường gặp trong những ngày thời tiết chuyển mùa và có thể kéo dài gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy người dân cần có ý thức điều trị và tích cực chủ động hơn trong công tác phòng ngừa bệnh.

Bệnh viêm họng được chia thành hai giai đoạn phát triển là cấp và mãn tính. Ở giai đoạn cấp, bệnh chủ yếu xảy ra do nhiễm trùng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, viêm họng cấp có thể phát triển sau khi mắc một căn bệnh khác.

Bệnh viêm họng cấp do nhiều nguyên nhân gây ra

 Dưới đây là những nguyên nhân gây viêm họng cấp phổ biến nhất:

- Do bị nhiễm virus:

Khoảng 90% các trường hợp bị viêm họng cấp là do nhiễm virus. Nhiều chủng virus khác nhau có thể là thủ phạm gây bệnh, thường gặp nhất là:

  • Virus cảm lạnh thông thường
  • Virus cúm
  • Bạch cầu đơn nhân
  • Virus sởi
  • Virus thủy đậu Varicella zoster
  • Virus quai bị...

- Viêm họng cấp do vi khuẩn

Khi vi khuẩn tấn công vào cơ thể qua đường mũi hoặc miệng, chúng có thể kích hoạt một đợt khởi phát bệnh viêm họng cấp. Hầu hết các ca nhiễm trùng cổ họng là do liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra, chúng được tìm thấy ở 40% các trường hợp bị viêm họng cấp ở trẻ em.

Ngoài ra, người bị nhiễm các loại vi khuẩn có khả năng truyền nhiễm qua đường tình dục như vi khuẩn lậu, chlamydia cũng có thể bị viêm họng cấp.

- Suy giảm hệ miễn dịch:

Khi hệ thống phòng ngự của cơ thể bị suy yếu, các tác nhân gây bệnh có thể dễ dàng tấn công vào cơ thể gây viêm họng cấp và nhiều vấn đề khác ở đường hô hấp.

- Do dị ứng:

Khi hoạt động của hệ miễn dịch bị rối loạn, nó có thể phản ứng quá mẫn với các yếu tố dị nguyên tiếp xúc với cơ thể như phấn hoa, lông thú cưng, mạt bụi hay cả thực phẩm, hóa mỹ phẩm. Hiện tượng này sẽ kích hoạt cơ thể tiết ra các chất hóa học gây viêm họng cấp và nhiều triệu chứng khác đi kèm như chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa da...

- Do môi trường sống bị ô nhiễm:

Không khí xung quanh môi trường sống bị ô nhiễm, có nhiều khói thuốc lá, bụi bẩn và hóa chất có thể khiến bạn thường xuyên phải đối mặt với bệnh viêm họng cấp. Các chất này xâm nhập vào bên trong khi chúng ta hít thở và khiến niêm mạc họng bị kích ứng, viêm nhiễm.

- Chấn thương ở cổ họng:

Bất kì thương tích nào ở niêm mạc họng (chẳng hạn như vết trầy xước ) cũng có thể phát triển thành viêm.

- Độ ẩm không khí thấp:

Vào mùa nóng hay mùa đông, độ ẩm không khí thấp khiến miệng và cổ họng luôn trong tình trạng bị khô, thiếu nước. Chính vì vậy mà khu vực này rất dễ bị tổn thương, đau rát, sưng viêm.

- Nói to, nói nhiều:

Bạn có thể bị viêm họng cấp nếu thường xuyên phải sử dụng giọng nói, la hét hoặc hát. Những hành động này lặp đi lặp lại trong thời gian dài khiến dây thanh âm và hệ thống các cơ trong cổ họng bị tổn thương, sau đó phát triển thành viêm. Giáo viên, ca sĩ, hướng dẫn viên, MC... là những đối tượng dễ bị viêm họng cấp do nguyên nhân này.

- Do ảnh hưởng của các bệnh lý khác

Viêm họng cấp có thể khởi phát ở những người mắc chứng trào ngược dạ dày (GERD). Trong trường hợp này axit bị trào ngược lên trên thực quản và cổ họng khiến niêm mạc họng bị đốt cháy, ăn mòn và bị viêm.

Ngoài ra, một số bệnh lý nhiễm trùng ở đường hô hấp như viêm phế quản, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm amidan... nếu không được điều trị tốt, vi khuẩn có thể lây lan đến cổ họng gây viêm họng cấp.

Triệu chứng viêm họng cấp

Bệnh viêm họng cấp được nhận diện thông qua các dấu hiệu dưới đây:

  • Sốt cao, có khi lên tới 39 - 40 độ
  • Đau cổ họng. Cơn đau tăng lên khi nuốt thức ăn, khi nói, ho hoặc ngay cả khi nuốt nước bọt.
  • Họng khô, hay khát nước
  • Có cảm giác nóng rát trong cổ họng
  • Ho từng cơn. Lúc đầu thì ho khan, sau đó chuyển dần sang ho có đờm. Chất đờm có thể trong hoặc trắng đục, vàng hay xanh.

    Viêm họng cấp khiến người bệnh bị ho khan hoặc ho có đờm

  • Khàn giọng
  • Sưng hạch ở góc hàm, ấm vào thấy đau
  • Quan sát vòm họng thấy amidan khẩu cái sưng to, có chấm mủ trắng, niêm mạc họng đỏ
  • Sung huyết niêm mạc mũi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Nuốt vướng
  • Khó thở, tiếng thở rít, khò khè

Nếu sức đề kháng tốt, các triệu chứng viêm họng cấp sẽ lui dần sau 3 - 4 ngày. Tuy nhiên ở những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già thì bệnh có thể kéo dài trong nhiều ngày và diễn tiến phức tạp hơn.

Bệnh viêm họng cấp có nguy hiểm không?

Bệnh viêm họng cấp chỉ thực sự gây nguy hiểm nếu để tiến triển nặng mà không có biện pháp can thiệp đúng đắn. Nhiễm trùng có thể lây lan từ cổ họng đến các vị trí lân cận và gây ra nhiều biến chứng như:

  • Viêm amidan
  • Viêm thanh quản
  • Viêm phế quản
  • Viêm phổi
  • Viêm xoang
  • Viêm tai giữa
  • Nhiễm trùng máu
  • Áp xe họng
  • Viêm khớp, viêm cầu thận cấp trong các trường hợp bị viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A.

Nếu các triệu chứng có khuynh hướng kéo dài hoặc gây khó chịu nhiều, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị ngay, tránh gặp phải biến chứng nguy hiểm.

Cách phòng ngừa bệnh viêm họng cấp

Bệnh viêm họng cấp có mức độ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi đối tượng vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Đặc biệt các trường hợp bị bệnh do virus hoặc liên cầu khuẩn nhóm A rất dễ lây lan. Để giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này, trong đời sống hàng ngày, người dân nên tích cực chủ động thực hiện một số biện pháp sau:

+ Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Thêm nhiều rau xanh và hoa quả tươi vào trong bữa ăn để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể, đảm bảo hệ miễn dịch luôn hoạt động khỏe mạnh.

Vào mùa lạnh, nên tắm bằng nước ấm ở nơi không có gió lùa. Tắm nhanh và lau khô người rồi mới mặc quần áo. Mặc đủ ấm tránh bị cảm lạnh.

Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường và khi đến những nơi đông người để ngăn ngừa nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày bằng cách đánh răng thường xuyên vào buổi sáng khi thức dậy, sau bữa ăn và trước lúc lên giường ngủ. Thói quen này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng, ngăn chặn không để mầm bệnh lây lan xuống cổ họng.

Súc miệng và cổ họng mỗi ngày 1 - 2 lần bằng nước muối ấm pha loãng.

Súc miệng bằng nước muối hàng ngày là cách đơn giản để phòng ngừa bệnh viêm họng cấp

Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người bệnh. Không dùng tay để bốc đồ ăn.

Uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể, làm sạch đường hô hấp

Tránh sử dụng các thực phẩm có thể gây kích ứng niêm mạc họng trong bữa ăn như ớt, mù tạt, cà ri, sa tế...

Từ bỏ hút thuốc lá và tránh xa những nơi có nhiều khói thuốc lá

Thường xuyên giặt giũ chăn màn, quét dọn và mở cửa phòng để không khí được lưu thông, không bị ẩm mốc đồ đạc.

Không ăn hoặc uống đồ lạnh

Tránh di chuyển từ môi trường nóng sang môi trường bật máy điều hòa một cách đột ngột có thể gây sốc nhiệt và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng đỏ cấp.

Sử dụng máy làm ẩm không khí trong những ngày thời tiết khô hanh để đảm bảo niêm mạc họng luôn duy trì được độ ẩm cần thiết.

Bị viêm họng cấp khi nào nên tới bệnh viện khám?

Trong một số trường hợp, viêm họng cấp do nhiễm virus cảm lạnh thông thường các triệu chứng có thể tự chấm dứt sau vài ngày. Tuy nhiên, bạn nên tìm tới sự giúp đỡ của bác sĩ trong những trường hợp sau:

Các triệu chứng bệnh kéo dài quá 1 tuần và có khuynh hướng trở nên nghiêm trọng hơn.

Đau họng và ho nhiều gây khó khăn cho việc nuốt nước bọt, ăn uống

Các dấu hiệu viêm họng cấp xuất hiện vào ban đêm khiến bạn thường xuyên bị mất ngủ

Sốt cao quá 2 ngày không ngưng. Đây là một dấu hiệu cho thấy cổ họng của bạn đang bị nhiễm trùng nặng. Việc chẩn đoán và điều trị viêm họng cấp cần được tiến hành sớm nhất có thể để tránh gặp những biến chứng nguy hiểm.

Khó thở, thở gấp, thở khò khè

Chảy nhiều nước dãi

Nước tiểu có màu sắc bất thường giống với nước cola. Hiện tượng này cảnh báo vi khuẩn streptococcus đã tấn công đến thận gây nhiễm trùng thận.

Bệnh nhân bị viêm họng cấp kèm theo các bệnh lý gây suy giảm hệ miễn dịch như tiểu đường, HIV. Ngoài ra, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị liệu ung thư cũng cần tìm gặp bác sĩ nếu có biểu hiện nghi ngờ bị viêm họng cấp.

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh viêm họng cấp?

Tại phòng khám chuyên khoa, bác sĩ có thể áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để chẩn đoán căn bệnh này và tìm ra thủ phạm gây bệnh, từ đó xây dựng phác đồ chữa viêm họng cấp phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Trước tiên, người bệnh sẽ trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe, các dấu hiệu đang gặp phải. bác sĩ cũng tiến hành quan sát tình trạng sưng viêm trong cổ họng bằng cách sử dụng một cây đè lưỡi.

Bác sĩ khám chẩn đoán viêm họng cấp

Để xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm như:

Xét nghiệm công thức máu: Khi bệnh viêm họng cấp mới khởi phát, số lượng bạch cầu trong máu thường không tăng. Tuy nhiên, sang đến giai đoạn tiến triển, lượng tế bào miễn dịch trong máu tăng mạnh. Số liệu thu được có thể cho thấy tình trạng viêm họng cấp do nhiễm khuẩn, bội nhiễm.

Nuôi cấy vi khuẩn ở dịch họng: Bác sĩ nhẹ nhàng đưa một miếng gạc vào bên trong cọ sát vào thành họng để lấy mẫu tế bào đem vào phòng xét nghiệm nuôi cấy, kiểm tra vi khuẩn. Người bệnh thường có cảm giác nhột và hơi buồn nôn nhưng không đau. Kỹ thuật phết dịch họng nuôi cấy vi khuẩn được thực hiện nhằm mục đích xác định chính xác thủ phạm gây bệnh, từ đó lựa chọn được loại thuốc chữa viêm họng cấp nhạy cảm với loại vi khuẩn đó.

Kiểm tra kháng nguyên: Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện ra sự có mặt của liên cầu khuẩn strep chỉ trong vòng vài phút từ mẫu bệnh phẩm lấy trong cổ họng.

Xét nghiệm DNA: Ở một số người, bác sĩ có thể áp dụng công nghệ DNA vào việc chẩn đoán viêm họng cấp do liên cầu khuẩn nhóm A.

Ngoài ra, nhân viên y tế cũng thực hiện một số kỹ thuật khác để chẩn đoán phân biệt viêm họng cấp với một số vấn đề khác như vướng dị vật trong cổ họng, lao họng...

LỜI KHUYÊN DÀNH CHO NGƯỜI BỆNH:

Khi có triệu chứng mắc bệnh viêm họng cấp, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị kịp thời. Không nên tự ý mua thuốc về chữa trị tại nhà khi chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Song song đó, thực hiện chế độ ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Ưu tiên dùng các thức ăn lỏng, mềm để dễ nuốt, tránh bị đau họng và nôn ói sau khi ăn.

Nguồn: https://dominhduong.com/

 

  • Từ khóa :