Thứ trưởng Bộ Y tế làm việc với Ban chỉ đạo công tác An toàn vệ sinh thực phẩm về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo với Thứ trưởng cùng đoàn công tác về công tác ATVSTP trên thành phố, Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trên địa bàn thành phố có 59.109 cơ sở thực phẩm. Hiện có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp; có 4 khu giết mổ gia súc, gia cầm thủ công, khoảng 1047 điểm, hộ giết mổ nhỏ, lẻ; có 425 chợ phân bố tại 30 quận, huyện và thị xã, 117 siêu thị, 22 trung tâm thương mại. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng được 69% nhu cầu thịt, 60% nhu cầu rau, số còn lại được nhập từ các tỉnh, thành khác trong cả nước. Số cơ sở thực phẩm nhiều và ngày càng gia tăng.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng do số cơ sở nhiều, chủ yếu là nhỏ lẻ, thường xuyên biến động gây khó khăn cho việc quản lý, thanh kiểm tra. Đại diện Sở Y tế Hà Nội - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo ATVSTP thành phố chia sẻ: công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp không ít khó khăn do nhân lực làm công tác an toàn thực phẩm mỏng, phần lớn là kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách. Không có cán bộ chuyên trách nằm trong chức danh công chức xã, phường, thị trấn, chủ yếu phụ thuộc vào cán bộ thú y, bảo vệ thực vật, trong khi đó các quận nội thành không có cán bộ bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm từ các tỉnh, thành khác vào Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp, thêm vào đó do phân cấp quản lý nên vệc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn.
Từ những khó khăn trên địa bàn thành phố, Ban chỉ đạo ATVSTP kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Bộ Nội vụ sớm ban hành văn bản hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế về an toàn thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp, công thương để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các cấp từ thành phố tới xã, phường, thị trấn. Chính phủ chỉ đạo các tỉnh biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn ngừa hàng thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Một khó khăn nữa được Ban chỉ đạo ATVSTP thành phố kiến nghị với Chính phủ là theo Thông tư liên tịch 13 thì ngành công thương quản lý các chợ, song Chính phủ cần có văn bản phân công rõ ngành công thương hay ngành nông nghiệp quản lý từng cơ sở chuyên kinh doanh nông, lâm, thủy sản trong các chợ dân sinh. Ngành công thương hay ngành y tế quản lý từng cơ sở dịch vụ ăn uống trong chợ.
Sau khi thảo luận cũng như lắng nghe những ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo ATVSTP, phát biểu tại buổi làm việc GS.TS. Nguyễn Thanh Long Long , Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao công tác ATVSTP trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời đề nghị ngành nông nghiệp, công thương, y tế cần phối hợp quản lý hiệu quả công tác an toàn thực phẩm và đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng; Triển khai hiệu quả hơn nữa công tác thí điểm thanh tra chuyên ngành theo Quyết định 38/QĐ-TTg, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, đặc biệt phải làm quyết liệt về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với mô hình kinh doanh thức ăn đường phố. Thứ trưởng nhấn mạnh “giao cho phường quản lý nhưng phải giao trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND quận kiểm tra, giám sát Chủ tịch UBND phường thì mới có thể tạo sự chuyển biến được”.
Đối với những ý kiến, kiến nghị của các thành viên Ban chỉ đạo ATVSTP của Thành phố Hà Nội như vấn đề quản lý chợ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: quản lý chợ là một trọng điểm phải làm vì thực phẩm đều xuất phát từ chợ. Thứ trưởng cho biết: Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa để các địa phương có thể quản lý tốt các chợ. Chợ do ngành công thương cấp phép, chợ đầu mối do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm, nhưng việc quản lý an toàn thực phẩm ở chợ nên giao cho Ban quản lý chợ (với những chợ có Ban quản lý), nếu như công thương chưa thể đảm đương được về chuyên môn thì mời ngành nông nghiệp và y tế tham gia thẩm định.
Đối với việc tổ chức, phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm, trên nguyên tắc của chỉ thị 13/CT-TTg, Thứ trưởng đề nghị thành phố cần chủ động hơn và phân rõ vai trò của Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn mình quản lý.
Đối với nhân lực làm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, Thứ trưởng cho rằng không nên câu lệ về việc cán bộ làm về ATTP chuyên trách hay cần phải có người có chuyên môn về ATTP mới làm tốt được mà nên coi an toàn thực phẩm là nhiệm vụ làm thêm bởi vì an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến cả an ninh, chính trị, xã hội, do vậy, về biên chế cần tiếp tục nghiên cứu. Bộ Y tế sẽ có kiến nghị cụ thể với Chính phủ sau khi làm việc với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Trước đó, sáng cùng ngày đoàn công tác của Thứ trưởng cùng đại diện thành viên Ban chỉ đạo ATVSTP thành phố Hà Nội đã đi kiểm tra việc thực hiện đảm bảo ATTP tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
Một số hình ảnh tại buổi kiểm tra
Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc tại UBND xã La Phù huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra việc thực hiện ATTP tại xã La Phù huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra việc thực hiện ATTP tại cơ sở sản xuất bánh
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra việc thực hiện ATTP tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Công ty CPTP Tân Hoàng Gia
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra giấy chứng nhận kiểm định ATVSTP tại cơ sở sản xuất bánh Bảo Khánh
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra ATTP tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Tân Hoàng Gia