Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Ninh Bình tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19
Lượt xem: 965
    Ngày 16/10/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Ninh Bình ban hành Công văn số 2571/CV-BCĐ triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Hiện tại, tỉnh ta đang tiếp tục thực  thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid -19 hiệu quả. Để hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện những quy định trên trong năm 2021 và năm 2022, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Nam - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về vấn đề trên:

Phóng viên: Trước tiên, cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi với chúng tôi ngày hôm nay. Trước tiên xin ông cho biết sơ qua về tình hình dịch bệnh trên tại tỉnh ta?

 Ông Lê Hoàng Nam: Theo báo cáo của ngành Y tế, ngày 8/2, số ca bệnh mới được phát hiện trong tỉnh tăng vọt, với 999 ca bệnh, tăng 550 ca so với ngày 7/2. Trong đó, tại cộng đồng là 948 ca, còn trong khu vực phong tỏa là 51 ca: Nhiều nhất là thành phố Ninh Bình, với số ca bệnh tăng kỷ lục 431 ca; tiếp đến là các huyện Hoa Lư và Yên Khánh, mỗi địa phương trên 160 ca; còn lại các huyện, thành phố khác có từ vài chục đến gần 100 ca bệnh được phát hiện trong ngày. Đây là ngày đầu tiên tỉnh Ninh Bình có số ca bệnh tăng nhiều và với số lượng lớn như vậy.

Hiện toàn tỉnh đang có 2.515 ca bệnh xác định được cách ly, điều trị. Trong đó, tại Trạm Y tế/Trạm y tế lưu động là 1.802 ca; tại các Phòng khám Đa khoa khu vực và các Bệnh viện gồm Phổi, Phục hồi chức năng, Sản Nhi, Đa khoa tỉnh, Đa khoa huyện Nho Quan, Công an tỉnh là 713 ca bệnh.

Trong ngày 8/2/2022, có 139 ca bệnh được điều trị khỏi và xuất viện. Số bệnh nhân nặng là 18 (chiếm tỷ lệ 0.71%); trong đó, bệnh nhân thở oxy là 14 và 4 bệnh nhân phải thở máy. Tổng số trường hợp toàn tỉnh đang được cách ly và giám sát là 6.525; trong đó, cách ly tại cơ sở y tế là 2.924 trường hợp và cách ly tại nhà là 3.601 trường hợp.

Cộng dồn đến nay, số ca bệnh xác định là 7.395; trong đó, đã điều trị khỏi và xuất viện là 4.830 trường hợp; đang điều trị cho 2.515 ca bệnh; chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 24 ca bệnh và đã có 26 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 0,35%. Hiện tổng số ổ dịch ghi nhận tại các huyện, thành phố vẫn là 38 ổ, với tổng số ca bệnh xác định trong các ổ dịch là 1.866.

Phóng viên: Với những thông tin, số liệu ông cung cấp ở trên về diễn biến dịch bệnh Covid -19, vì vậy việc chúng ta thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiếm soát dich có hiệu quả là rất cần thiết, ông có thể làm rõ hơn về vấn đề này, thưa ông?

 Ông Lê Hoàng Nam: Dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội nhất là về kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ chủ trương vừa phát triển kinh tế xã hội vừa phòng chống dịch và phải thích ứng an toàn, linh hoạt phù hợp với xu hướng của thế giới cũng như của Việt Nam. Thích ứng an toàn theo sự chỉ đạo chung của toàn quốc cũng như dựa trên các cơ sở khoa học liên quan đến độ bao phủ văc - xin. Vì các trường hợp đã tiêm vắc - xin rồi nếu có mắc thường không có triệu chứng, thường nhẹ, tỷ lệ diễn biến nặng hay nằm viện giảm đi rất nhiều. Đối với Ninh Bình để thích ứng an toàn, linh hoạt vẫn phải ngăn chặn và phát hiện sớm đồng thời là phải triển khai tích cực các mũi tiêm vắc - xin tăng cường, bổ sung cũng như tiêm nhắc lại đặc biệt là sau khi biến chủng Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam và xuất hiện trường hợp tại tỉnh ta.

Phóng viên: Có thể nói, thời gian qua tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid - 19, vậy kinh nghiệm trong thực tiễn là gì, thưa ông? và thời gian tới, tỉnh ta có những giải pháp gì để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid -19?

          Ông Lê Hoàng Nam: Qua 2 năm phòng chống Covid-19, chúng ta đã trải qua 2 giai đoạn, đến giai đoạn hiện tại phải thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng chống dịch là của cả hệ thống chính trị, là công tác chỉ đạo điều hành ở địa phương Ninh Bình hết sức quyết liệt. Trong giai đoạn cụ thể có chỉ đạo, có kịch bản, cách ứng phó phù hợp với từng diễn biến dịch trên địa bàn. Đồng thời làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo các cấp trong công tác phòng chống dịch của từng giai đoạn; thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch.         

Về phía ngành y tế đã chỉ đạo thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của ban chỉ đạo quốc gia cũng như là của tỉnh, của Bộ Y tế, có những giai đoạn chúng ta phải huy động tất cả các lực lượng y tế thôn bản tham gia vào truy vết, lấy mẫu làm xét nghiệm. Quản lý các đối tượng nguy cơ, các đối tượng dân biến động, người dân từ những nơi khác về nhằm ngăn chặn phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý để tránh lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng. Đây là một trong những bài học thực tiễn ở Ninh Bình trong công tác phối hợp giữa y tế với các ngành khác đặc biệt là công an trong việc truy vết, quản lý các đối tượng về địa phương.

 Đặc biệt vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Ninh Bình trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần diễn biến hết sức phức tạp, nhiều ổ dịch có yếu tố dịch tễ liên quan đến người về từ các tỉnh, thành phố khác, số ca nhiễm tại cộng đồng và ca bệnh tử vong tăng nhanh, dịch bệnh đã xâm nhập vào trường học, khu công nghiệp, nhà máy, siêu thị, chợ, các điểm tập trung đông người... nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện các biện pháp thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19, tỉnh  Ninh Bình đã thực hiện nghiêm các nội dung:

 Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 07/TB-UBND ngày 26/01/2022 và Công văn số 25/BCĐ-VP6 ngày 28/01/2022. Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện các nội dung này.

 Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò hệ thống giám sát y tế, lực lượng công an xã, Tổ Covid cộng đồng và của người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó linh hoạt, kịp thời, chủ động kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống.

Tập trung thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 mùa xuân đảm bảo khoa học, hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ, tránh bỏ sót đối tượng, không để xảy ra lãng phí vắc xin.

 Sở Y tế báo cáo việc tổ chức thực hiện các nội dung trong Thông báo kết luận (Thông báo số 07/TB-UBND ngày 26/01/2022): việc thành lập 2 cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 từ khi có đến nay; đặc biệt là việc tổ chức điều trị bệnh nhân COVID-19 (F0) theo chỉ đạo trong dịp Tết Nguyên đán. Việc đảm bảo cung ứng các thiết bị, kít test xét nghiệm, dụng cụ phòng hộ theo các cấp độ đã được phê duyệt theo kế hoạch phòng, chống dịch của tỉnh từ tháng 8/2021 đến nay.

Trong thời gian tới đề phòng, chống Covid-19, chúng ta cũng chuẩn bị sẵn sàng, kích hoạt các bệnh viện điều trị Covid-19. Hiện tại có các ổ dịch liên quan đến các nhóm yếu thế chúng ta kích hoạt các bệnh viện dùng ICU điều trị tích cực cho bệnh nhân mắc Covid-19 trên các bệnh nền. Bên cạnh đó là kích hoạt trạm y tế lưu động, chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ thuốc, các hóa chất, test kit để thực hiện công tác điều trị, thu dung điều trị cũng như là thực hiện xét nghiệm cho người mắc Covid-19 hay các nhóm nguy cơ cao.

Phóng viên: Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi./.

Thực hiện Nguyễn Minh

  • Từ khóa :