Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Những điều cần biết về tiêm vắc xin cúm mùa
Lượt xem: 3016
Tiêm vacxin phòng cúm được xem là phương pháp phòng bệnh cúm mùa hiệu quả và đơn giản nhất hiện nay, khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 đang là nỗi lo toàn cầu, và các chủng cúm A xuất hiện trở lại, đe dọa sức khỏe cộng đồng – đặc biệt là đối tượng người lớn tuổi, người có bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…Để hiểu rõ hơn, sau đây Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ về vấn đề trên:

PV: Xin Bác sỹ cho biết Bệnh cúm mùa là gì? Có nguy hiểm không?

Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy: Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho…

- Tác nhân gây bệnh cúm là các chủng virus cúm A H3N2, H1N1, cúm B và cúm C.

- Đường lây truyền: Bệnh có khả năng lây nhiễm cao qua đường hô hấp, thông qua các giọt nước bọt khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi.

- Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm thế giới có khoảng 9-45 triệu trường hợp mắc cúm, 61.000 trường hợp tử vong bởi biến chứng viêm phổi do cúm. Bệnh cúm đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có bệnh mạn tính. Đây là những đối tượng dễ mắc bệnh và có nguy cơ diễn biến nặng, với các biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản hen suyễn, nhiễm trùng tai và thậm chí tử vong nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Lợi ích khi tiêm phòng cúm: Tiêm phòng cúm không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân, mà còn cho gia đình và cộng đồng. Đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh cao như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

- Ngăn ngừa được bệnh cúm

- Là một giải pháp phòng ngừa quan trọng cho những người mắc bệnh mãn tính giảm tỷ lệ nhập viện, ngăn ngừa các tình huống diễn tiến nặng và phải nhập viện vì bệnh phổi liên quan đến cúm.

- Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên chủ động tiêm phòng cúm để có thể tạo ra sự bảo vệ kép cho cả mẹ và thai nhi. Vì đối với thai phụ, bệnh cúm có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, đặc biệt thai phụ mắc cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ.

PV: Vậy các loại vắc xin tiêm phòng cúm hiên nay như thế nào, thưa Bác sỹ?

Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy: Tiêm vắc xin cúm hàng năm là giải pháp an toàn và hiệu quả để phòng ngừa bệnh cúm.

- Các loại vắc xin cúm hiện nay:

+ Vaxigryp (Pháp): tiêm cho người lớn và trẻ em

+ Influvac (Hà Lan): Tiêm cho người lớn và trẻ em

+ GC-Flu (Hàn Quốc): Tiêm cho trẻ > 3 tuổi và người lớn

+ Ivacflu-s (Việt Nam): Tiêm cho người lớn từ 18 – 60 tuổi

- Một số loại vắc xin cúm có thể tiêm cho phụ nữ mang thai như: Influvac (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc) và Vaxigrip (Pháp).

- Hiện nay, vắc xin phòng cúm chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, do đó để được tiêm phòng cúm người dân có thể đến các trung tâm tiêm chủng dịch vụ

- Về chi phí tiêm phòng cúm còn tùy thuộc vào đối tượng và loại vắc xin, thường dao động từ 200 – 300 nghìn đồng.

PV: Vắc xin cúm có tác dụng trong bao lâu?

Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy: Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc xin phòng bệnh cúm có hiệu lực bảo vệ lên đến 90%, giảm thiểu 70%-80% tỷ lệ tử vong do cúm.

Hiệu lực bảo vệ của vắc xin cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm, vì virus cúm có khả năng thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo việc tiêm phòng cúm nên nhắc lại mỗi năm một lần, nhằm đảm bảo sự tương đồng giữa những chủng virus cúm đang lưu hành với chủng virus cúm hiện có trong vắc xin.

PV: Những ai nên và không nên tiêm phòng cúm?

Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy: Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC khuyến nghị, Trẻ em và người lớn đều nên đi tiêm phòng cúm hàng năm, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc biến chứng do cúm hoặc người thường xuyên tiếp xúc với đối tượng này, chẳng hạn như nhân viên y tế.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc biến chứng do cúm:

- Những người lớn hơn 50 tuổi hoặc trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai

- Mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi khác;

- Bị rối loạn não, tủy sống, thần kinh hoặc chấn thương như đột quỵ, động kinh, thiểu năng trí tuệ, loạn dưỡng cơ, bại não hoặc chấn thương tủy sống;

- Mắc bệnh động kinh;

- Mắc bệnh thận hoặc tổn thương thận;

- Mắc bệnh gan hoặc tổn thương gan;

- Mắc bệnh tim mạch, béo phì (với chỉ số BMI từ 40 trở lên), tiểu đường và các rối loạn nội tiết khác;

- Mắc chứng rối loạn chuyển hóa (như rối loạn chuyển hóa di truyền và rối loạn ty thể);

- Mắc bệnh hồng cầu hình liềm và các chứng rối loạn về máu khác;

- Có hệ thống miễn dịch yếu do bệnh hoặc sau điều trị bệnh.

Những người không nên tiêm phòng cúm

- Có tiền sử mắc hội chứng Guillain – Barre

- Có tiền sử phản ứng nghiêm trọng với vắc xin cúm;

- Bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin cúm;

- Những người có sức khỏe kém, ví dụ như đang điều trị các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính.

Ngoài ra, vắc xin ngừa cúm có một lượng nhỏ protein trứng gà. Những người dị ứng với trứng, có tiền sử dị ứng với trứng nghiêm trọng nên được bác sĩ tư vấn trước khi tiêm phòng cúm và đặc biệt là phải tiêm phòng cúm tại các cơ sở uy tín, có khả năng nhận biết và kiểm soát các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra.

PV: Bác sỹ có khuyến cáo gì trong tiêm phòng cúm?

Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy: Khi tiêm phòng cúm, tác dụng phụ có thể gặp như:

- Phản ứng tại chỗ: ban đỏ, sưng, đau, bầm máu, nốt cứng.

- Phản ứng toàn thân: sốt, khó chịu, run rẩy, đau đầu, đổ mồ hôi, đau khớp và đau cơ.

Những phản ứng kể trên rất thường gặp và sẽ nhanh chóng biến mất sau khoảng 1 đến 2 ngày.

Nếu có các biểu hiện của dị ứng thuốc hoặc các bất thường khác thì cần được thông báo hoặc tới cơ sở y tế để được hướng dẫn.

Thời điểm nên đi tiêm phòng cúm

Mùa cúm thay đổi theo từng năm. Vì vậy, tùy thuộc vào khu vực bạn sinh sống sẽ có những khuyến nghị về thời điểm nên tiêm phòng cúm khác nhau.

Bạn nên tiêm phòng cúm trước khi kết thúc tháng mười, để vắc xin phát huy hiệu quả bảo vệ khi thời tiết trở nên lạnh hơn

Đang bị cúm có tiêm được không?

Nếu đang bị cúm, tốt nhất người bệnh không nên tiêm phòng cúm.

Vì việc tiêm phòng vắc xin cúm nói riêng và các loại vắc xin khác nói chung được khuyến cáo nên thực hiện khi cơ thể khỏe mạnh, để có thể phát huy hiệu quả của vắc xin tối đa, hạn chế khả năng gặp phải các biến chứng không mong muốn.

Khi tiêm phòng cúm bạn vẫn có thể mắc cúm. Vì:

- Từ thời điểm tiêm phòng cúm cho đến 2 tuần sau đó, vắc xin cúm mới có thể phát huy hiệu lực bảo vệ cơ thể trước bệnh. Nếu vừa tiêm phòng đã tiếp xúc với người mắc bệnh cúm, thì vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.

- Hiệu quả bảo vệ của các loại vắc xin nói chung và vắc xin cúm nói riêng không thể đạt 100%, vì vậy bạn vẫn có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, phần lớn những trường hợp mắc cúm sau khi tiêm vắc xin đều ở thể nhẹ, không gây nguy hiểm cho người bệnh.

- Người dân không tiêm mũi nhắc sau thời hạn 1 năm.

PV: Tiêm cúm có phòng được bệnh Covid-19 không?

Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy: Bệnh cúm và bệnh gây ra do virus SARS-CoV-2 (Covid-19) hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, tiêm ngừa cúm chỉ phòng ngừa được bệnh cúm chứ không phòng được Covid-19. Tuy nhiên, tiêm phòng cúm có 2 điểm lợi:

- Thứ nhất, nếu không tiêm ngừa cúm mà vô tình mắc bệnh, chúng ta có thể bị sốt. Mà sốt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành sẽ gây hoang mang, lo lắng cho chính bản thân người bệnh và những người xung quanh. Như vậy, nếu tiêm phòng cúm chúng ta sẽ không có triệu chứng này.

- Thứ hai, nếu không may mắc phải cả hai bệnh cúm và Covid-19 trong cùng một thời điểm, thì tình trạng sức khỏe của người bệnh sẽ cực kỳ nặng nề.

Cúm là căn bệnh khó đoán trước, có thể xảy đến ở mọi độ tuổi và gây nên những biến chứng nặng nề cho người bệnh. Do đó, đừng để mắc bệnh rồi mới điều trị, mà hãy chủ động phòng ngừa cúm ngay từ bây giờ bằng phương pháp được đánh giá là mang lại hiệu quả cao nhất, tiết kiệm và đơn giản nhất – tiêm phòng cúm./.

Xin cảm ơn Bác sỹ./.

Nguyễn Minh

 

 

  • Từ khóa :