Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng laser
Lượt xem: 125
Bệnh nhân B.T.T phát hiện giãn các tĩnh mạch chi dưới hai bên từ nhiều năm, khi đứng lâu hay đi lại rất đau đớn. Sau đó, chân của bệnh nhân T bị xuất hiện các tĩnh mạch dưới da tạo thành những búi nổi.

Bệnh nhân T đã đến khám tại khoa Khoa tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Căn cứ vào kết quả thăm khám và siêu âm mạch, các bác sĩ chẩn đoán: suy tĩnh mạch hiển lớn hai bên mức độ nặng (CEAP 4 - có triệu chứng).

Bệnh nhân Q.T.T cũng phát hiện suy tĩnh mạch chi dưới cách đây 5 năm, điều trị nội khoa và đi tất áp lực thường xuyên. Tuy nhiên, cách đây một tháng, tình trạng giãn tĩnh mạch chi dưới càng trở nên trầm trọng. Bệnh nhân này được chẩn đoán: Suy tĩnh mạch hiển lớn phải mức độ nặng (CEAP 2 - có triệu chứng).

Dưới sự hỗ trợ của TS. BS Trần Đức Hùng - Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện 103, các bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình đã tiến hành can thiệp thành công cho 2 bệnh nhân mắc suy tĩnh mạch chi dưới bằng laser.
Sau 3 ngày can thiệp, tình trạng sức khỏe của 2 bệnh nhân phục hồi tốt, không biến chứng và được xuất viện.

anh tin bai

Ths.BS.CK2. Đào Hồng Quân - Trưởng Đơn nguyên Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình cho biết: Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay suy van tĩnh mạch chi dưới là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh, gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, vọp bẻ (chuột rút) về ban đêm... có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành (nhất là ở người già), chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạnh nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tần suất mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính ở người trưởng thành trên thế giới là khoảng 80% và ở Việt Nam là 62%. Trong đó, tần suất mắcgiãn tĩnh mạch ở người trưởng thành 9 - 30%, người lớn tuổi là 50%. Phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 3 - 4 lần nam giới. Khoảng 1% dân số bị loét chi dưới do nguyên nhân tĩnh mạch.

Nguyên nhân mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới thường do các van tĩnh mạch bị hư hỏng hay bị chèn ép từ bên ngoài bởi một khiếm khuyết tự nhiên của cơ thể.               Hiện nay phần lớn các trường hợp bị suy tĩnh mạch chi dưới là do hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu. Những bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới giai đoạn cuối có thể gặp nguy hiểm tính mạng, nhưng không thể chữa khỏi bằng những cách điều trị suy tĩnh mạch thông thường. Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới tập trung chủ yếu ở phụ nữ, nhất là phụ nữ sau khi sinh, chiếm khoảng 80%. Bệnh này thường có các triệu chứng đau nhức chân, chủ yếu ở chân trái kèm các cảm giác khó chịu như: mỏi, nặng, cảm giác kiến bò, chuột rút…Những triệu chứng trên sẽ tăng lên khi vận động và giảm xuống khi nghỉ ngơi. Sau đó bệnh nhân bị phù chân, gân xanh đỏ nổi dưới da hoặc có thể loét ở cổ chân.

Nếu không phát hiện sớm để điều trị phù hợp, bệnh giãn tĩnh mạch chân sẽ có những biến chứng. Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm. Nặng hơn bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng. Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị. Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến khích bệnh nhân có nguy cơ cao về suy tĩnh mạch như phụ nữ trong độ tuổi 35-50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều và đang có triệu chứng sớm như đau, sưng, nặng chân về chiều nên đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm.

Tùy vào cấp độ của bệnh mà các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp khác nhau: điều trị bệnh dùng thuốc hoặc phẫu thuật chích xơ, rút bỏ tĩnh mạch bị giãn, suy; điều trị laser nội tĩnh mạch... Ngoài ra, người bệnh cần thay đổi một chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt năng động, đi bộ hằng ngày...

Với kỹ thuật điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng laser làm tắc tĩnh mạch nông bị suy, chỉ qua một vết đâm kim ở vùng khoeo. Sau khi thực hiện thủ thuật này, người bệnh có thể đi lại vài giờ sau và có thể xuất viện trong ngày.

Kỹ thuật này có tính ưu việt là phương pháp ít xâm lấn, không gây đau đớn, ít biến chứng, tỷ lệ thành công cao, thời gian hồi phục nhanh và có tính thẩm mỹ.

BS.CKI. Lê Anh Tuấn - Khoa Nội tim mạch

  • Từ khóa :