Nổi mẩn đỏ ngứa ở chân là một hiện tượng
thường gặp đối với nhiều người. Mặc dù tình trạng này chỉ làm tổn thương bên
ngoài da nhưng cảm giác ngứa ngáy khiến người bệnh luôn trong trạng thái bứt
rứt, khó chịu. Hơn nữa, nhiều trường hợp bệnh kéo dài còn gây ảnh hưởng xấu tới
sức khỏe. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này hãy dành ít phút để đọc bài viết dưới
đây.
Nổi mẩn đỏ ngứa ở chân là triệu chứng của bệnh
gì?
Với bất kỳ bệnh lý nào, việc tìm hiểu nguyên nhân cũng là điều hết
sức quan trọng và cần thiết. Bởi chỉ khi biết được nguyên do, chúng ta mới có
thể xác định được hướng điều trị thích hợp và hiệu quả.
Trên thực tế, phần lớn các trường hợp bị nổi mẩn đỏ ngứa ở chân
đều có thể tự khỏi sau vài ngày. Nhưng một số khác sẽ phải chịu đựng sự khó
chịu do tình trạng này gây ra trong nhiều tuần sau đó. Điều này tùy thuộc vào
bệnh lý bạn đang mắc phải. Thông thường sẽ bao gồm:
Nổi mẩn đỏ ngứa ở chân do viêm nang lông
Viêm nang lông là tình trạng viêm nhiễm ở các nang lông. Tại khu
vực bị viêm thường xuất hiện các nốt mẩn đỏ, có biểu hiện giống vết côn trùng
cắn. Khi viêm nang lông phát triển mạnh mẽ chúng sẽ lan dần ra thành một khoảng
lớn và xuất hiện tại nhiều vị trí da trong đó có các khu vực bắp chân, bắp đùi.
Viêm nang lông không nguy hiểm nhưng lại thường rất dễ tái phát và
khiến người bệnh ở trong trạng thái ngứa ngáy, bỏng rát và khó chịu. Đặc biệt,
trong một vài trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này còn có thể khiến rụng
lông, các vết ngứa chảy máu và trở thành sẹo ở trên da.
Do viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc có thể xảy ra với bất cứ đối tượng nào. Đây là
phản ứng nổi mẩn đỏ của da khi bạn vô tình tiếp xúc với những tác nhân có tính
kích ứng cao như: các chất tẩy rửa, xà phòng, lông chó mèo,… Triệu chứng điển
hình của bệnh lý này là các nốt mẩn đỏ, phồng rộp, rát hoặc ngứa ngáy. Nếu vị
trí tiếp xúc ở chân thì đây sẽ là một trong những nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ
trên da chân.
Bệnh chàm
Những người mắc bệnh chàm (eczema) cũng thường có dấu hiệu nổi mẩn
đỏ ngứa ở chân. Đối tượng thường gặp nhất của bệnh lý này là các bé sơ sinh và
trẻ nhỏ. Sau này, khi trẻ lớn lên thì tình trạng này sẽ có xu hướng thuyên
giảm, tần suất tái phát cũng ít đi. Tuy nhiên, vào thời điểm bị bệnh, các bé sẽ
luôn cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy và đau rát. Vì vậy, các phụ huynh nên sớm tìm
biện pháp giúp bé chữa lành.
Mề đay mẩn ngứa
Theo lương y - bác sĩ Đỗ Minh
Tuấn, giám đốc phụ trách
chuyên môn tại nhà thuốc Đỗ Minh Đường, mề đay là bệnh lý xuất hiện do các tác nhân
bên trong hoặc bên ngoài cơ thể gây ra. Khi cơ thể gặp phải các chất kích ứng
sẽ nhanh chóng sản sinh ra histamin khiến các mạch máu nhỏ rò rỉ các chất dịch
lỏng và chúng tích tụ dưới da. Điều này giải thích tại sao khi bị mề đay cơ thể, đặc biệt là vùng chân thường xuất hiện
các vết tê bì, ngứa ngáy và rất nóng rát.
Thông thường, mề đay khởi phát đột ngột, tiến triển nhanh và tự
thuyên giảm mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp
mề đay mãn tính, tổn thương da có thể phát triển âm ỉ và kéo dài trên 6 tuần.
Bệnh ghẻ gây nổi mẩn đỏ ngứa ở chân
Ghẻ chính là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên tình
trạng ngứa ở da, đặc biệt là ở da chân. Đây là một dạng nhiễm trùng da do ký
sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra. Ký sinh trùng gây bệnh thường sinh sống ở
lớp thượng bì da, sau đó xâm nhập vào cấu trúc da để đào hang và đẻ trứng. Cách
để phân biệt ghẻ với các bệnh khác đó chính là các vết mẩn ngứa thường có xu
hướng lan nhanh với mẩn sưng đỏ và có dịch nhầy bên trong.
Bệnh tổ đỉa
Những người mắc bệnh tổ đỉa thường phải sống chung với tình trạng nổi mẩn
ngứa do các hạt mụn nước li ti gây ra. Khi các vết mụn này vỡ ra, người bệnh
chạm vào sẽ có cảm giác rát, nhức. Khi mắc tổ đỉa, thường các vết ngứa sẽ chỉ
khỏi sau từ 2 - 4 tuần phát bệnh. Nếu tổ đỉa ở chân thì tình trạng này có thể
nghiêm trọng và khó điều trị hơn bởi vì chân thường di chuyển liên tục và khu
vực da bị bệnh dễ tiếp xúc với nước, chất bụi bẩn,…
Lichen phẳng
Bệnh lý lichen phẳng hay còn được biết đến với cái tên khoa học là
lichen planus cũng thường có biểu hiện nổi mẩn đỏ ngứa ở chân. Trên da người bị
bệnh sẽ xuất hiện nhiều mảng da sưng nhỏ. Khi chạm vào các vết sưng này thường
thấy cứng, căng bóng và có thể kèm theo các vết bầm, tím.
Bệnh lý này là một hiện tượng rối loạn tự miễn và không có khả
năng lây nhiễm. Các triệu chứng có thể xuất hiện tại bất kỳ bộ phận nào của cơ
thể: ngực, cổ tay, bụng, lưng và đặc biệt ở chân, đùi, mắt cá,…
Nấm chân gây nổi mẩn đỏ ngứa ở chân
Nấm da chân khiến vùng da bị bệnh luôn có cảm giác ngứa ngáy và vô
cùng khó chịu. Người bị bệnh thường xuất hiện các nốt mẩn đỏ hoặc hồng, kèm các
mụn nước nhỏ, rỉ dịch, đau rát, chảy máu và ngứa ngáy. Sau một thời gian, tổn
thương da chuyển sang khô ráp, bong tróc.
Bệnh nấm đặc biệt phát triển tại các kẽ chân do hoạt động bài tiết
mồ hôi quá mức, mang giày dép chật, bí hoặc mắc các bệnh hệ thống như tiểu
đường, suy giảm miễn dịch,…
Nổi mẩn đỏ ở chân do bệnh lý về gan
Những tình trạng như suy giảm khả năng lọc thải gan hay nóng gan
cũng có thể gây nên tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân. Điều này được giải thích
là do các độc tố trong cơ thể bị ứ đọng lâu ngày, không được bài tiết hết ra
bên ngoài nên tương tác ảnh hưởng đến vùng da. Triệu chứng điển hình của các
bệnh lý về gan là làn da vàng nghệ, mắt vàng và nổi mẩn đỏ trên da. Để phòng
ngừa tình trạng này bệnh nhân nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất để hỗ trợ chức năng
hoạt động lọc thải của gan.
Các bệnh lý khác
Ngoài những bệnh lý nêu trên, tình trạng nổi mẩn đỏ trên da chân
còn có thể triệu chứng của một số bệnh lý khác như: sốt phát ban, bệnh chân tay
miệng, phản ứng khi dị ứng thuốc,...
Tuy nhiên phần lớn những trường hợp này chỉ gây nổi mẩn đỏ trên
da, không gây ngứa và sẽ biến mất khi bệnh được chữa khỏi.
Xem thêm: Nổi mẩn đỏ
không ngứa do đâu?
Nổi mẩn ngứa ở chân có nguy hiểm không? Khi nào
cần đi khám
Khi gặp phải tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân, mọi người đều mong
muốn mau chóng tìm được cách chữa khỏi bệnh, chấm dứt cảm giác khó chịu liên
miên. Nhiều người khi chưa tìm được ra cách, vì không kiềm chế được nên thường
lấy tay gãi ngứa. Hành động này vô tình làm cho các tổn thương trở nên nghiêm
trọng hơn và khiến cho da có nguy cơ cao bị bội nhiễm.
Mặt khác, tình trạng này như đã nói ở trên có thể là biểu hiện của
nhiều bệnh lý, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Điều này dễ gây nhầm lẫn và đi đến
lựa chọn sai phương pháp điều trị. Do đó, tốt nhất khi bị bệnh bạn nên sớm thăm
khám để được chữa trị đúng hướng ngay từ đầu. Đặc biệt là khi bạn nhận thấy
tình trạng bệnh của mình có những biểu hiện như sau:
Tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy kéo dài dai
dẳng nhiều tuần, không có dấu hiệu thuyên giảm
Trên da đột ngột xuất hiện các mụn nước, nhọt
nhỏ li ti, đốm đỏ có thể gây ngứa hoặc không
Cơ thể bị sốt, có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, da
dẻ kém sắc
Các tổn thương da có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng,
tấy, lở loét và lan rộng
Giải pháp khắc phục tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở
chân
Trong trường hợp xác định được triệu chứng của mình là bệnh lý da
liễu thông thường thì bạn có thể áp dụng những biện pháp khắc phục dưới đây:
Thực hiện các biện pháp chăm sóc da tại nhà
Các biện pháp chăm sóc da đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng tới
mức độ bệnh và thời gian phục hồi của làn da. Thậm chí, khi bệnh chưa khởi phát
thì đây cũng là cách phòng ngừa khá hiệu quả. Bao gồm những việc sau đây:
Tránh tiếp xúc với các tác nhân có khả năng gây
dị ứng như côn trùng, mủ thực vật, phấn hoa, hóa chất, bụi bẩn,...
Khi đi giày nên lựa chọn tất có độ thấm hút tốt,
hoặc tốt nhất nếu có thể hãy đi sandals, dép để giúp da chân thông thoáng, hạn
chế đổ mồ hôi, giảm mức độ viêm đỏ, ngứa ngáy.
Hạn chế cào gãi, chà xát da và mặc quần áo bó
sát người, có chất liệu thô cứng, không có khả năng thấm hút mồ hôi làm da bị
tổn thương hơn
Vệ sinh cơ thể, đặc biệt là các kẽ chân hàng
ngày bằng nước ấm hoặc nước muối để loại bỏ tế bào chết, bụi bẩn tránh gây viêm
nang lông.
Hạn chế sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa
nhiều hóa chất tẩy rửa mạnh, dễ gây kích ứng và mẫn cảm cho da. Vào mùa hanh
khô bạn nên bôi kem dưỡng ẩm để tránh khô và kích ứng da.
Chú ý ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi và uống đủ
lượng nước theo tiêu chuẩn để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Sử dụng một số mẹo dân gian
Các mẹo dân gian được cho là khá hiệu nghiệm với trường hợp bị nổi
mẩn ngứa ở chân có nguyên nhân từ các bệnh lý da liễu. Đặc điểm của phương pháp
này là an toàn, lành tính, có tác dụng chữa trị khi bệnh mới khởi phát hoặc hỗ
trợ điều trị khi bệnh đã ở mức độ nặng. Bạn có thể tham khảo một số mẹo sử dụng
các cây thuốc nam sau đây:
Mẹo chữa nổi mẩn đỏ ngứa ở chân từ cây lô hội: Rửa sạch lô hội, cắt bỏ vỏ bên ngoài, thái mỏng
lớp gel trắng đục bên trong và dùng để đắp lên vùng da bị tổn thương để giảm
triệu chứng mẩn đỏ.
Dùng lá mướp cải thiện ngứa ngáy: Rửa sạch lá mướp rồi vo nát cùng với muối. Sau
đó dùng lá mướp vo nát đắp lên chân trong khoảng 15 phút rồi rửa lại bằng nước.
Thực hiện vài lần sẽ thấy giảm ngứa.
Chữa nổi mẩn ngứa bằng gừng tươi: Gừng tươi gọt vỏ, rửa sạch, thái thành lát mỏng
và giã nát. Sau đó dùng nước cốt gừng đắp trực tiếp lên da chân để cải thiện
tình trạng bệnh.
Bài viết trên đây đã cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến
tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân. Hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về những bệnh lý
liên quan. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế lời khuyên hay
phương pháp điều trị của bác sĩ.
Nguồn tham khảo:
Trung tâm Da liễu Đông y Việt Nam
Tạp chí Đông y