Năm 2024, Ngành Y tế Ninh Bình đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ và 17/20 chỉ tiêu kế hoạch được giao. Một số chỉ tiêu đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giao đến năm 2025 như: Số giường bệnh trên vạn dân đạt 42,05 (chỉ tiêu giao đạt 42, toàn quốc đạt 32), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn dưới 18% (chỉ tiêu giao đến năm 2025 dưới 19%, toàn quốc đạt 17,8%); một số chỉ tiêu tốt hơn bình quân toàn quốc như: Tỷ lệ người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 96,3% (mục tiêu đến năm 2025 đạt 95%, toàn quốc đạt trên 90%), tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi sơ bộ là 0,6‰ (toàn quốc 11,6‰), tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi sơ bộ là 1,4‰ (toàn quốc 18,2‰), các đơn vị trực thuộc hoàn thành chỉ tiêu giao hầu hết ở mức độ tốt, khá…
Toàn ngành đã tập thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống các dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh mới nổi, tái nổi, các bệnh truyền nhiễm theo mùa; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp bệnh truyền nhiễm, sốt xuất huyết, sởi, viêm não Nhật Bản, bệnh dại, bệnh do liên cầu lợn ở người... qua đó, không để xảy ra các dịch bệnh lớn và lan rộng.
Các chương trình phòng, chống Lao, Phong, Tâm thần được duy trì có hiệu quả. Công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường được đẩy mạnh. Cùng với đó, duy trì hoạt động tiêm chủng mở rộng tại 143/143 xã, phường, thị trấn. Cung cấp vắc xin kịp thời, đảm bảo chất lượng tổ chức tốt các điểm tiêm chủng, đảm bảo an toàn, không để tai biến nặng xảy ra sau tiêm chủng. Ước tính hết ngày 31/12/2024, số trẻ em được: tiêm chủng đầy đủ là 13.100/13.771 trẻ (đạt 95,1%), tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ là 11.500/13.771 (đạt 83,5%); số phụ nữ có thai được tiêm AT2+ là 12.940/13.609 đối tượng (đạt 95,1%).
Công tác Dân số và phát triển được tăng cường, hầu hết các chỉ tiêu về dân số đạt kế hoạch đề ra: Mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,1‰ (chỉ tiêu giao 0,1‰), tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các BPTT hiện đại ước đạt 66,8% (chỉ tiêu giao 66%); tỷ lệ bà mẹ mang thai được khám sàng lọc trước sinh ước đạt 79,6% (chỉ tiêu giao 73%); tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh ước đạt 84,5% (chỉ tiêu giao 82%).
Hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được duy trì. Trong năm, các cơ sở y tế đã thực hiện gần 75 nghìn lượt khám thai, trên 33.800 lượt khám phụ khoa, gần 15 nghìn lượt điều trị phụ khoa, 758 ca phá thai an toàn; 100% phụ nữ đẻ được chăm sóc sau sinh. Năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 10 ca tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, 23 ca tử vong trẻ em dưới 5 tuổi (bao gồm 10 ca tử vong trẻ dưới 1 tuổi) và 01 ca tử vong mẹ.

Hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em được chú trọng. Duy trì tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A và hoạt động cân, đo trẻ em dưới 5 tuổi 02 lần/năm, 100% trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống bổ sung vitamin A; triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ dinh dưỡng; bước đầu tổ chức đánh giá thừa cân, béo phì cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Ninh Bình.
Trong năm 2024, ngành Y tế đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành, đặc biệt vào dịp tết Nguyên đán, mùa Lễ hội, Tháng hành động vì ATTP, tết Trung thu. Kết quả: toàn tỉnh đã kiểm tra được 5.660 lượt cơ sở, phát hiện 380 cơ sở có hành vi vi phạm (chiếm 6,7%, giảm so với năm 2023: 7,6%), tiến hành phạt tiền 367 cơ sở, tổng số tiền phạt là 1.445.115.000đ; Duy trì thường xuyên công tác giám sát ngộ độc thực phẩm và xử lý kịp thời khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm; trong năm, ghi nhận 04 vụ ngộ độc thực phẩm và 320 ca mắc ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ tại các cơ sở y tế.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS được quan tâm, tính tới ngày 15/12/2024, toàn tỉnh phát hiện 25 người nhiễm HIV/AIDS mới, 22 người tử vong do AIDS. Luỹ tích số người nhiễm HIV tính đến nay là 2.852 người, trong đó: còn sống 1.468 người (số đang được điều trị là 1.452, số ngoài cộng đồng là 16), tử vong 1.384 người; điều trị thuốc ARV cho 1.482 người (bao gồm 168 người nhiễm HIV tỉnh khác điều trị tại Ninh Bình), điều trị thuốc Methadone cho 840 người. Số bệnh nhân được tư vấn phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS là 17.961 lượt; điều trị đồng nhiễm viêm gan virus C (VGC/HIV, VGC/Methadone) cho 53 người, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) 189 người;
Đặc biệt năm 2024, ngành y tế đẩy mạnh chuyển đổi số và Khoa học, công nghệ. 100% đơn vị khám chữa bệnh đã liên thông dữ liệu với cơ quan Bảo hiểm xã hội phục vụ công tác quản lý và thanh quyết toán chi phí khám, đã triển khai hệ thống phần mềm Bệnh án điện tử, hệ thống PACS để lưu trữ và truyền tải hình ảnh cận lâm sàng tại một số đơn vị 02 đơn vị (BVĐK tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi); triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân có gắn chip tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; thực hiện kết nối khám chữa bệnh từ xa giữa 11 đơn vị tuyến tỉnh và tuyến huyện của tỉnh với 13 bệnh viện tuyến trên.

Các cơ sở y tế tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh bằng các giải pháp cụ thể như: Phát động các phong trào Bệnh viện xanh-sạch-đẹp, ngày hội 5S, cuộc thi bác sỹ trẻ giỏi chuyên môn, vững y đức; triển khai, duy trì có hiệu quả Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, Đề án 2628; tăng cường cải tiến chất lượng bệnh viện theo Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam; tổ chức khám, chữa bệnh ngoại trú bảo hiểm y tế vào ngày thứ 7, chủ nhật để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Năm 2024, toàn ngành đã thực hiện trên 1,2 triệu lượt khám bệnh (tăng 3,4% so với năm 2023); gần 190 nghìn lượt điều trị nội trú (tăng 8,3% so với năm 2023); trên 350 nghìn lượt điều trị ngoại trú (tăng 44,6% so với năm 2023).
Công tác phát triển kỹ thuật mới, một số kỹ thuật mũi nhọn trong chẩn đoán, điều trị bệnh được chú trọng. Năm 2024, các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế đã triển khai trên 40 kỹ thuật mới. Một số kỹ thuật cao đã được áp dụng như: Chụp và nút mạch điều trị chảy máu mũi số hóa xóa nền, nong Đặt Stent đường mật số hóa xóa nền, chụp và nút phình động mạch não số hóa xóa nền, điều trị thoát vị đĩa đệm qua da số hóa xóa nền. Cắt hớt niêm mạc ống tiêu hóa điều trị ung thư sớm, mở ống mật chủ lấy sỏi đường mật, nội soi tán sỏi đường mật, phẫu thuật nội soi cắt thận tận gốc, phẫu thuật đặt Catheter vào não thất đo áp lực nội sọ (thực hiện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh), phẫu thuật tạo hình khúc nối bể thận niệu quản - đặt sonde JJ ở trẻ em (thực hiện ở Bệnh viện Sản Nhi), tuyến huyện đã thực hiện được kỹ thuật: nội soi can thiệp - cắt polyp đại tràng (thực hiện ở Trung tâm Y tế Tam Điệp), phẫu thuật kết hợp xương bánh chè, phẫu thuật vá da tự thân, nối gân gấp (thực hiện ở Trung tâm Y tế huyện Yên Mô).
Năm 2025 là năm ngành y tế kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, ngành tập trung thực hiện một số giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và sự hài lòng của người bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và nghiên cứu khoa học… Qua đó phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả và có khả năng thích ứng tốt với quá trình hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có y đức, có năng lực chuyên môn vững vàng. Bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng. Người dân được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển cả về thể chất và tinh thần. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật; nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống…
Thu Trang