Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Những kết qủa nổi bật trong công tác điều dưỡng tỉnh Ninh Bình năm 2023
Điều dưỡng là một nghề chuyên biệt, công việc của trái tim. Trong sự phát triển của y học hiện nay, điều dưỡng viên không chỉ là người thực hiện theo các y lệnh của bác sĩ mà họ chính là người trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh từ các kỹ thuật nghiệp vụ cho đến chăm sóc tinh thần, nắm bắt tâm lý người bệnh, biết đặt mình vào tâm trạng người bệnh. Có thể nói, chất lượng của một bệnh viện phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tuỵ của chính những người điều dưỡng

Song hành với bác sĩ trên mọi chặng đường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đó là người điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên. Với nụ cười hiền hậu và sự chăm sóc tận tâm, luôn yêu thương, chăm sóc người bệnh như chính người thân của mình, Điều dưỡng cũng chính là người gắn bó với người bệnh nhiều nhất, đặc biệt trong những lúc nằm viện, điều dưỡng là người đã luôn duy trì tinh thần của Nightingale bên ngọn đèn dầu thức canh giấc ngủ ngon cho từng người bệnh, và luôn sẵn sàng cho mọi chăm sóc về y tế và chăm sóc cả tinh thần, cùng người bệnh vượt qua những cơn đau của bệnh và sự mệt mỏi về tinh thần trong quá trình điều trị.

Hiện nay, ngành Y tế Ninh Bình với hơn 1500 điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh đang công tác tại các cơ sở y tế trong tỉnh, đã có > 83% điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó tỷ lệ đại học chiếm 35%; sau đại học chiếm hơn 1,8%; đảm bảo lộ trình chuẩn hóa trình độ cao đẳng theo quy định của Bộ Y tế vào năm 2025. 90% người hành nghề điều dưỡng tại các bệnh viện/trung tâm y tế được cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định.

Xác định đây là lực lượng quan trọng triển khai hoạt động phục vụ và chăm sóc người bệnh đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Ngành luôn quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý điều dưỡng cho Điều dưỡng trưởng các đơn vị, tổ chức các hội thi nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp ứng xử, quy trình, quy định của ngành trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc người bệnh.

Trong hoạt động chuyên môn của ngành Y tế, vai trò của điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh, trong công tác khám chữa bệnh là không thể thiếu, bởi ngoại trừ thời gian được các bác sĩ khám bệnh, kê đơn điều trị, hầu hết thời gian còn lại, điều dưỡng là người tiếp xúc chính với người bệnh. Chăm sóc phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh, từ các kỹ thuật chuyên môn như tiêm thuốc, cho uống thuốc, thay băng, giúp bệnh nhân hô hấp, ăn uống, bài tiết, vận động, duy trì thân nhiệt, đỡ đẻ, thực hiện các xét nghiệm… cho đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh, giúp bệnh nhân làm quen với môi trường bệnh viện, chuyển viện hoặc đi khám chuyên khoa… Có thể nói, chất lượng của một cơ sở y tế phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người điều dưỡng.

Những năm qua, Công tác Điều dưỡng luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Ninh Bình. Tại các bệnh viện, trung tâm y tế và Trường Cao đẳng Y tế, Công tác điều dưỡng luôn được lãnh đạo các đơn vị quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động có hiệu quả, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị.

Hình ảnh và giá trị của nghề Điều dưỡng được thể hiện thông qua các phong trào thi đua, giáo dục truyền thống y đức - y nghiệp cho điều dưỡng thực hiện Chuẩn đạo đức Điều dưỡng viên Việt Nam gắn với đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, cải tiến chất lượng chăm sóc người bệnh. Đặc biệt, lực lượng điều dưỡng đã tích cực tham gia các phong trào thi đua do ngành Y tế và Trung ương Hội Điều dưỡng Việt Nam phát động như cuộc thi ảnh “Điều dưỡng Việt Nam chung tay phòng, chống đại dịch COVID-19”; cuộc thi viết “Chung tay phòng chống dịch Covid-19”, và nhiều Hội thi khác nhằm tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu về nghề điều dưỡng và hoạt động của Hội; gương “người tốt, việc tốt” trong công tác chăm sóc phục vụ người bệnh đã được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương, của tỉnh, trung ương Hội và của ngành.

 Bên cạnh đó, Điều dưỡng viên luôn là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện công tác xã hội, cải tiến chất lượng bệnh viện, chương trình 5S, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp - an toàn, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng người dân, qua đó đã giúp các khoa, phòng trong bệnh viện thỏa sức sáng tạo và tạo nên những cảnh quan, môi trường sạch sẽ, ngăn nắp, từ đó phát huy những sáng kiến, tạo lập thái độ đoàn kết, thỏa mái, tích cực.Trong giai đoạn 2013- 2023, đã có nhiều tấm gương điều dưỡng vừa thực hiện tốt công tác chuyên môn vừa thực hiện tốt công tác xã hội trong bệnh viện. Tại nhiều bệnh viện, Chi hội điều dưỡng đã phối hợp với phòng/tổ Công tác xã hội tích cực vận động hội viên cùng các nhà hảo tâm tổ chức “bát cháo tình thương”, “bữa ăn cho bệnh nhân nghèo”...

 Cùng với đó, đội ngũ điều dưỡng đã cùng với ngành Y tế góp phần to lớn vào thành công của công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Họ là những chiến sỹ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch. Có hàng ngàn lượt điều dưỡng đã cống hiến công sức, thời gian và tạm gác lại những tỉnh cảm, hạnh phúc riêng tư của bản thân/gia đình để tham gia phòng chống dịch, góp phần to lớn vào thắng lợi của công tác phòng chống dịch của tỉnh nhà. Đặc biệt, trong 3 năm chống dịch Covid -19 đã có trên 100 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên của các cơ sở y tế trong tỉnh tình nguyện tham gia hỗ trợ tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Nam đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân và đồng nghiệp tỉnh bạn. Có thể nói đội ngũ điều dưỡng đã cùng với ngành Y tế góp phần to lớn vào thành công của công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

 Với những thành tích đã đạt được trong công tác điều dưỡng, Trong thời gian qua có 04 điều dưỡng được Nhà nước phong tặng Thầy thuốc ưu tú, trong năm 2023 có 01 điều dưỡng trong danh sách được UBND tỉnh đang trình Chính phủ phong tặng thẩy thuốc ưu tú; nhiều cá nhân  đã được các ngành, các cấp khen thưởng, với nhiều hình thức: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh, Bằng khen của Bộ Y tế, Bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bằng khen của Hội Điều dưỡng Việt Nam, Giấy khen Sở Y tế; Bằng khen của Liên đoàn lao động huyện/tỉnh; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi và đặc biệt có 01 hội viên đạt danh hiệu Điều dưỡng viên tiêu biểu được Hội Điều dưỡng Việt Nam tôn vinh năm 2022 ….

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều dưỡng tỉnh Ninh Bình còn gặp những khó khăn về kinh phí và thời gian cho các hoạt động. Nhu cầu khám chữa bệnh và yêu cầu của xã hội, của các cấp quản lý về chuyên môn nghiệp vụ, giao tiếp ứng xử của đội ngũ điều dưỡng ngày càng cao trong khi cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập và nhiều áp lực như giảm biên chế, cơ chế tự chủ, thủ tục hành chính khám chữa bệnh BHYT, giá dịch vụ y tế , đời sống của hội viên khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc người bệnh. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó cán bộ y tế nói chung và đội ngũ điều dưỡng nói riêng là những chiến sĩ tuyến đầu của công tác phòng chống dịch. Nhiều bệnh viện có sự quá tải về bệnh nhân, dẫn tới quá tải về công việc của đội ngũ điều dưỡng, vì vậy chất lượng chăm sóc có lúc, có nơi chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu người bệnh. Tính chủ động, chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc theo dõi người bệnh của điều dưỡng chưa cao, nhiều hội viên còn có tâm lý thụ động trong công việc.

      Sinh thời, Bác Hồ đã dạy “Y tá chẳng những là một nghề mà còn là một nghĩa vụ,… việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khoẻ cho dân tộc người y tá phải gánh một phần phần quan trọng, y tá là những chiến sỹ đánh giặc ốm để bảo vệ sự tráng kiện của giống nòi, những chiến sỹ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó, phải giàu lòng bác ái và đức hy sinh”. Như vậy, Vai trò của người điều dưỡng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân có ý nghĩa vô cùng lớn. Trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh, điều dưỡng thường đảm đương những công việc khá vất vả nhưng thầm lặng. Chỉ một sai sót nhỏ của điều dưỡng cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường đặc biệt trong thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay mạng xã hội phát triển, trong công việc điều dưỡng, nữ hộ sinh phải đối mặt với dư luận xã hội.

          Từ thực tế về công tác điều dưỡng có thể thấy, trong những năm qua, tuy nhận thức về địa vị và giá trị của điều dưỡng trong y học và trong khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ, nhưng không ít các cán bộ trong ngành vẫn quan niệm rằng điều dưỡng chuyên chỉ có việc thực hiện y lệnh của bác sĩ. Mặc dù trình độ của người điều dưỡng ngày càng được nâng cao đến trình độ đại học và sau đại học nhưng vị thế xã hội của người điều dưỡng có nơi bị đánh giá thấp. Tại các bệnh viện, công tác điều dưỡng vẫn mang bóng dáng của công tác điều trị, chưa thể hiện rõ vai trò chủ động của điều dưỡng. Các cán bộ điều dưỡng với các trình độ khác nhau đều thực hiện các nhiệm vụ như nhau.

Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, đội ngũ điều dưỡng tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, lấy người bệnh làm trung tâm để người bệnh yên tâm, tin tưởng khi đến khám chữa bệnh. Đặc biệt trong thời gian này, các Chi hội điều dưỡng đang phát động hội viên thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Hội điều dưỡng tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023- 2028.

Thành tựu của Điều dưỡng Việt Nam nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng chính là sự kết tinh truyền thống và kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại cho những thế hệ điều dưỡng hôm nay và mai sau phát huy truyền thống của dân tộc, của Điều dưỡng Việt Nam để không ngừng học tập, rèn luyện để tiến bộ, góp phần xây dựng và phát triển ngành ngày càng mạnh mẽ.

Nguyễn Minh

  • Từ khóa :