Đã nhiều ngày nay, bác sĩ Phạm Thị Thu Hà, khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh không có ngày nghỉ và cũng không thường xuyên về nhà, có về cũng chỉ đáo qua để lấy thêm quần áo, các đồ dùng cần thiết, nắm bắt tình hình cuộc sống của các thành viên trong gia đình rồi lại đi... Bởi chỉ trong khoảng 1 tuần nay, dồn dập có hàng nghìn trường hợp cần phải được thực hiện lấy mẫu dịch để gửi đi xét nghiệm phân loại xác định có nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hay không? Công việc cứ cuốn chị đi, mệt nhưng vẫn phải cố gắng, vì bản thân, vì gia đình và cả cộng đồng. “Ngày 22/3 vừa qua thực sự là một ngày “quá tải” đối với chúng tôi – những cán bộ làm công tác lấy mẫu xét nghiệm và anh em của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Lấy mẫu xét nghiệm cho công dân Việt Nam tại khu cách ly tập trung.
Trong 1 ngày, chúng tôi phải làm việc liên tục với 4 ca liên tiếp (9h, 11h, 15h và 18h), để đón 4 đợt công dân, với gần 700 người ở các nước có dịch về Việt Nam thực hiện cách ly tập trung. Thật sự chỉ còn khoảng 1h cho thời gian ăn qua loa bữa trưa đã nguội. Quần áo chống dịch kín, nặng, khẩu trang chặt, mắt kính mỏi nhừ..., tất cả các hoạt động xung quanh chỉ là yêu cầu công dân ngẩng lên để lấy mẫu, rồi cúi xuống cất mẫu, ghi chép... Trong 1 ngày, với trên 20 cán bộ y tế, vừa điều tra dịch tễ, vừa đo khám sức khỏe, vừa lấy mẫu xét nghiệm... cho gần 700 công dân. Một kỷ lục làm việc mà khi trời đêm về, anh chị em nói chuyện với nhau, trong 1 ngày có thể giảm đến vài kg...” – chị Hà chia sẻ.
Không riêng bác sĩ Phạm Thị Thu Hà, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngay từ ngày đầu trong trận chiến chống “giặc” Covid-19, 100% cán bộ, bác sỹ, nhân viên Trung tâm đã thực hiện nhiệm vụ trực thường xuyên và có mặt ngay khi công việc yêu cầu. Trung tâm đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động, mỗi đội 6-7 người, tùy vào công việc, nhiệm vụ để tất cả hoặc từng đội phải “lên đường”. Hơn 1 tuần qua, thực hiện chỉ đạo tất cả khách du lịch trên địa bàn tỉnh phải được điều tra, kiểm dịch về y tế, khách đến từ châu Âu phải được lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện khám sức khỏe, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm cho công dân Việt Nam tại các khu cách ly tập trung, tất cả 3 đội phòng chống dịch của Trung tâm đều phải làm nhiệm vụ, có những ngày phải làm xuyên đêm vì công dân Việt Nam từ nước ngoài bay về đêm...
Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tuy không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân, nhưng các y, bác sỹ, cán bộ làm công tác y tế dự phòng chúng tôi luôn là những người đi đầu trong “trận chiến”, xông pha đến các vùng, tâm điểm để dập dịch và phải đảm bảo nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đã phải làm việc bằng 2, bằng 3 lần, với công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, có mặt đầu tiên tại ổ dịch… Nhiều cán bộ y tế dự phòng còn bị xa lánh vì sợ lây nhiễm bệnh... “Chúng tôi vẫn nói với nhau, cán bộ y tế dự phòng là những người “đi trước, về sau”, là những bác sỹ không mặc áo bluse trắng. Khi người dân nhìn thấy các cán bộ y tế dự phòng là chỉ nhìn thấy chúng tôi trong những bộ quần áo bảo hộ kín mít. Từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, các bác sỹ, kỹ thuật viên, y sỹ, nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vẫn đang căng mình trên khắp các mặt trận, thực hiện công tác giám sát và phòng, chống dịch. Các đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch luôn thường trực và sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào có thông tin về trường hợp liên quan tới nhiễm bệnh Covid-19...” – bác sỹ Nam chia sẻ thêm.
Đối với những bác sỹ, điều dưỡng có nhiệm vụ điều trị cho các ca bệnh Covid-19, sự khó khăn, vất vả và nỗi lo nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực. Điều dưỡng Đỗ Thị Thanh Thủy, Điều dưỡng trưởng, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, là người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 đầu tiên tại Ninh Bình hiện đã xuất viện chia sẻ: Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi cũng có những nỗi lo lắng, tâm tư, dù đã được tập huấn, nắm bắt đầy đủ quy trình chuyên môn. Chúng tôi được phân làm các ca trực, mỗi ca liên tục 6h đồng hồ, mặc những bộ quần áo nặng trịch, kín mít, cơ thể lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Điều làm khó cho chị em chúng tôi là trong ca trực không thể uống nước hay đi vệ sinh, sau ca trực ai cũng hằn lên mặt các vết đeo khẩu trang, người thì mỏi mệt rã rời... Nhưng nghề nghiệp đã chọn thì vẫn phải gắng sức để hoàn thành nhiệm vụ...
Bác sỹ Phạm Trung Mạnh, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Nửa tháng qua, 18 bác sỹ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly đặc biệt, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chấp nhận cách ly, xa gia đình, người thân, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, nguy cơ cao, với trách nhiệm và mục tiêu là điều trị khỏi cho người bệnh, tạo sự an tâm, an toàn cho cộng đồng xã hội. Công việc hàng ngày của chúng tôi, những bác sỹ, điều dưỡng là thăm khám, nắm bắt, đánh giá tình hình sức khỏe của bệnh nhân, cùng với đó là chăm lo đến vấn đề dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt của người bệnh; đồng thời quan tâm, động viên tinh thần, giữ vững tâm lý để người bệnh yên tâm điều trị.
Mặc dù công việc vất vả, điều kiện làm việc có nguy cơ lây nhiễm bệnh, đặc biệt là việc sinh hoạt trong khu cách ly thực sự chật chội, thiếu thốn (trước đây, khu chỉ đủ tiêu chuẩn cho 3 người ở lại trực đêm, thì nay là chỗ làm việc, sinh hoạt, ăn uống cho 18 người), nhưng các bác sỹ, điều dưỡng khoa Truyền nhiễm đều có ý thức vì cái chung, tự sắp xếp nơi làm việc, chỗ ăn, ngủ, sinh hoạt tối giản nhất, cùng thông cảm, hỗ trợ cho nhau hoàn thành nhiệm vụ... Và niềm vui, sự tự hào đến với các y, bác sỹ, điều dưỡng khoa Truyền nhiễm nói riêng, Bệnh viện đa khoa tỉnh và ngành Y tế Ninh Bình nói chung khi sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên của Ninh Bình đã có kết quả 3 lần xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện xuất viện. Đây là sự thành công bước đầu và cũng là niềm vui, thêm kinh nghiệm và sự tự tin để các y, bác sỹ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn sẵn sàng trong cuộc chiến với Covid-19.
( Báo Ninh Bình)