Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm 2024: Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc
Lượt xem: 64
Từ năm 1992, ngày 10/10 hàng năm được Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần thế giới lựa chọn là Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (World Mental Health Day), nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn dân. Năm 2024, chủ đề được chọn để phát động là “Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc”.

Sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân

Sức khỏe tâm thần là trạng thái thoải mái, không chỉ là không có rối loạn tâm thần mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học tập, hiểu được cảm xúc và phản ứng của người khác. Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và môi trường bên ngoài. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa và một số yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này.

Như vậy, sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc là cảm giác thoải mái, tích cực của người lao động khi cống hiến sức mình cho tập thể. Nếu nhân viên, cán bộ, viên chức có sức khỏe tâm thần tốt, họ sẽ làm việc hăng say, hiệu quả, có khả năng ứng phó tốt với những căng thẳng hàng ngày. Điều này giúp cá nhân và tập thể giải quyết được những thách thức, khó khăn tại nơi làm việc, nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc, gìn giữ lâu dài tình yêu và đam mê với nghề nghiệp.

Ngược lại, nếu sức khỏe tâm thần không đảm bảo sẽ dẫn đến khả năng phối hợp hoạt động kém, giảm năng suất làm việc của cả hệ thống, khiến không chỉ cá nhân mà cả tập thể cũng sẽ rất khó khăn để đạt được những mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, việc chú trọng nâng cao sức khỏe tâm thần ở nơi làm việc sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh tích cực về một môi trường làm việc thân thiện, thấu hiểu và đặt con người vào vị trí trung tâm.

Nhân viên y tế có nguy cơ cao mắc vấn đề sức khỏe tâm thần

Do đặc thù nghề nghiệp, nhân viên y tế thường phải đối mặt với áp lực công việc, dễ dẫn đến kiệt quệ về thể chất và tinh thần. Nhiều nghiên cứu cho thấy bác sĩ, điều dưỡng có nguy cơ bị stress, trầm cảm, lo âu, kiệt sức cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác. Stress nghề nghiệp gây tổn thương hệ thần kinh, tăng tỷ lệ bệnh tim mạch, cơ xương khớp, loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, giảm chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, tăng tỷ lệ nghỉ hưu sớm… Do vậy, cần có những chính sách, giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, giúp bảo vệ sức khỏe của các nhân viên y tế – những người chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Một số biện pháp nâng cao sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trong môi trường bệnh viện

1. Khuyến khích giao tiếp cởi mở và chân thành về sức khỏe tâm thần

Việc vượt qua những mặc cảm và kỳ thị liên quan tới sức khỏe tâm thần là điều quan trọng. Bằng giao tiếp cởi mở và chân thành, các vấn đề hành vi và cảm xúc được nhận ra và giải quyết phù hợp. Khi tạo ra một bầu không khí an toàn và thấu hiểu, y bác sĩ sẽ cảm thấy thoải mái thảo luận, chia sẻ về những khó khăn liên quan đến sức khỏe tâm thần như: lo lắng, phiền muộn, mất ngủ, thất vọng,… Những vấn đề này càng được phát hiện sớm thì càng giảm nguy cơ tiến triển thành những vấn đề nghiêm trọng hơn.

2. Xác định và đo lường căng thẳng tại nơi làm việc

Quản lý căng thẳng là điều cần thiết để giúp nhân viên y tế vượt qua nhiều thách thức trong công việc. Vì vậy, bước đầu tiên là nhận diện được những căng thẳng và nguồn gốc căng thẳng tại các đơn vị khác nhau trong bệnh viện. Đồng thời, lưu ý rằng căng thẳng và áp lực cần do chính các cá nhân tại các đơn vị xác định, dựa trên tác động của căng thẳng đó lên bản thân. Từ đó, tập thể và cá nhân có thể đưa ra những giải pháp để quản lý căng thẳng.

3. Có sự linh hoạt về giờ làm việc

Đặc thù của ngành y là nhân viên y tế thường phải làm việc theo ca kíp, trực đêm, tham gia những ca cấp cứu hoặc phẫu thuật trong nhiều giờ. Do đó, giờ nghỉ ngơi không phải lúc nào cũng được đảm bảo, có thể gây ra tình trạng quá tải và kiệt sức. Vì vậy, việc xem xét đưa ra giờ làm việc linh hoạt, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý có thể mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên y tế, giúp tăng năng suất, sự sáng tạo và hài lòng về công việc.

4. Nhận ra những dấu hiệu của kiệt sức và phòng tránh

Việc nhận ra những giai đoạn sớm của kiệt sức là rất quan trọng nhằm duy trì sự thoải mái về tinh thần và thể chất. Mặc dù kiệt sức có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên, một số dấu hiệu thường gặp là: giảm năng lượng hoặc mất động lực, khó khăn hơn trong việc ra quyết định, giảm hiệu suất công việc và có những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực về công việc hoặc đời sống cá nhân.

Cần nhấn mạnh rằng nhân viên y tế cũng là những con người có những nhu cầu riêng và những hạn chế nhất định. Việc họ được chăm sóc tốt về tinh thần và vật chất cũng là một thành tố cần thiết trong những nỗ lực cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất của hệ thống y tế.

5. Thường xuyên đánh giá định kỳ môi trường làm việc và trợ giúp sức khỏe tâm thần

Một môi trường làm việc lành mạnh và tích cực sẽ đặt ưu tiên vào giao tiếp cởi mở, đưa ra những phản hồi tích cực, hỗ trợ lẫn nhau và tạo sự công bằng trong các điều kiện phát triển bản thân. Nhân viên y tế cần được hướng dẫn phát hiện những bất ổn về cảm xúc, hành vi, thực hành những cách chăm sóc tốt bản thân, ứng phó với căng thẳng. Đồng thời, cần đảm bảo nhân viên y tế có thể tiếp cận dễ dàng với những hoạt động và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần như tham vấn, khám chuyên khoa.

                                                                                         Tú Anh (Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương)

  • Từ khóa :