Lần đầu tiên tại Việt Nam phẫu thuật nội soi qua cung mày để bỏ khối u não
Kỹ thuật này thuộc Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về
phẫu thuật thần kinh ít xâm lấn, được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, với
mục tiêu cải tiến phương pháp điều trị, hạn chế tối đa xâm lấn và rủi ro cho
bệnh nhân.
Cách
đây 20-25 năm, để can thiệp các tổn thương nền sọ, các bác sĩ thường phải mở
rộng hộp sọ 20-25 cm và sử dụng kính hiển vi. Một số trường hợp tổn thương tầng
giữa có thể tiếp cận bằng nội soi qua đường mũi, nhưng phương pháp này không
khả thi đối với những khối u có vị trí khó tiếp cận.
Hiện
nay, với phương pháp mới, bác sĩ chỉ cần thực hiện một đường rạch nhỏ ở cung
mày, đưa ống nội soi vào để hỗ trợ nguồn sáng, quan sát tổn thương rõ hơn và
tiến hành phẫu tích, cắt bỏ khối u một cách chính xác.
Trong
tuần qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công hai ca phẫu thuật
cắt u màng não ở tầng trước nền sọ bằng kỹ thuật này. Cả hai bệnh nhân đều có
khối u nằm ngay trên trần hố mắt. Một bệnh nhân có khối u đường kính 1,8cm và
một bệnh nhân có khối u gần 3cm. Sau phẫu thuật thành công, hai bệnh nhân đã ra
viện và sức khoẻ phục hồi tốt.
Ngày
4/3, khi đến tái khám sau 1 tuần ra viện, bệnh nhân NTH (49 tuổi, Hà Nội) cho
biết, anh ăn uống rất tốt, sinh hoạt và đi lại bình thường. Ít người nghĩ rằng,
anh vừa trải qua một ca phẫu thuật sọ não.
Ưu điểm của kỹ thuật nội soi trên cung mày
Trước
đó, từ năm 2005, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã áp dụng kỹ thuật này nhưng sử
dụng kính hiển vi. Chỉ trong thời gian gần đây, các bác sĩ mới thử nghiệm kết
hợp nội soi trong một số công đoạn. Lần này, toàn bộ quá trình phẫu thuật đã
được thực hiện bằng nội soi.
Kỹ
thuật này có nhiều ưu điểm vượt trội: ống nội soi tiếp cận trực tiếp vị trí tổn
thương với các góc nhìn linh hoạt (0 độ, 30 độ, 45 độ), giúp phẫu thuật viên
quan sát rõ ràng toàn bộ vùng tổn thương mà không cần tác động nhiều vào nhu mô
não; giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng, tổn thương các dây thần kinh quan
trọng như thần kinh thị giác, thần kinh khứu giác.
Đặc
biệt, các bác sĩ không cần vén rộng tổ chức não, giảm tỷ lệ tổn thương mô lành.
Hệ thống ánh sáng nội soi cũng giúp phẫu thuật viên quan sát tốt hơn so với
kính hiển vi truyền thống, cho phép đánh giá chính xác ranh giới giữa khối u và
mô lành.
"Vệt
mổ theo kỹ thuật mới này chỉ dài 2-3 cm - một đường rạch nhỏ để mở nắp sọ với
thời gian 15-20 phút. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân mất ít máu, không
phải truyền máu. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi nhanh, ít đau, có thể xuất
viện sớm và trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian ngắn", PGS Đồng
Văn Hệ cho biết.
Kỹ
thuật này có thể triển khai phẫu thuật ưu tiên các tổn thương trong não, mổ
phình mạch, khối u dây thần kinh thứ 2, tuyến yên sọ hầu…
Phẫu
thuật nội soi trong lĩnh vực thần kinh và sọ não phát triển muộn hơn so với các
chuyên ngành khác như nội soi ngực, ổ bụng, gối hay khớp. Tại Việt Nam, kỹ
thuật nội soi thần kinh bắt đầu từ năm 2003 với các can thiệp đơn giản như điều
trị não úng thủy, sau đó dần mở rộng sang các kỹ thuật phức tạp hơn, đặc biệt là
phẫu thuật nội soi nền sọ qua đường mũi.
Với
thành công bước đầu của kỹ thuật này, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thần kinh Việt
Nam và Asean nhận định, đây sẽ là một hướng đi mới trong phẫu thuật thần kinh
ít xâm lấn, mở ra nhiều cơ hội điều trị an toàn và hiệu quả hơn cho bệnh nhân
tại Việt Nam./.
Nguồn:
Chinhphu.vn