Hiện nay, Chiến dịch tiêm chủng mũi 2 phòng COVID-19 toàn dân của tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Các địa phương đang thực hiện tiêm vét và tiêm bổ sung các trường hợp còn lại. Tính đến cuối ngày 8/11, số lượng vắc xin toàn tỉnh đã nhận là 1.150.745 liều. Theo đó, số lượng vắc xin đã tiêm là 1.070.879 liều (bao gồm số liều tiêm tại các điểm tiêm của ngành Y tế, ngành Công an và Bệnh viện Phổi Trung ương triển khai tiêm tại Ninh Bình). Trong đó, tiêm cho đối tượng trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bình: Tiêm tối thiểu 1 mũi là 587.637 người (đạt 58,62% tổng dân số tỉnh Ninh Bình và 88,27% tổng dân số trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bình); tiêm đủ 2 mũi là 450.425 người (đạt 44,93% tổng dân số tỉnh Ninh Bình và 67,66% tổng dân số trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bình). Đối với nhóm đối tượng học sinh THPT, đã tiêm mũi 1 cho 32.817 người.
Theo đánh giá của ngành Y tế, các chiến dịch tiêm chủng đã và đang nhận được sự tham gia, đồng thuận thực hiện tích cực của các tầng lớp nhân dân. Với tỷ lệ tiêm chủng cả mũi 1 và mũi 2, tỉnh Ninh Bình là địa phương có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trong cả nước, là điều kiện quan trọng để tỉnh sớm đạt miễn dịch cộng đồng, đưa các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội sớm trở lại bình thường. Đặc biệt, với việc đảm bảo tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, là tiền đề quan trọng để tỉnh giữ vững địa bàn "An toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới" một cách chủ động, hiệu quả, thực hiện tốt mục tiêu "kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các địa phương cho thấy, một bộ phận người dân ý thức phòng, chống dịch chưa cao, vẫn có tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Một số người dân khi được tiêm đủ 2 mũi, có giấy xác nhận tiêm chủng đã xuất hiện tâm lý chủ quan, cho rằng bản thân đã "miễn nhiễm" với COVID-19, không thực hiện nghiêm các khuyến cáo về phòng chống dịch theo quy định 5K. Nhất là khi hiện nay, nhiều dịch vụ thiết yếu đã được mở cửa trở lại, nhiều người đã không chú trọng các biện pháp phòng dịch cơ bản, khiến nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là điều rất dễ xảy ra.
Đặc biệt, đã có các trường hợp từ các địa phương khác về tỉnh Ninh Bình sinh sống, thăm thân hoặc lao động, công tác. Tuy nhiên, với suy nghĩ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trước đó, nhiều trường hợp trở về và cả những người thân, bạn bè với các trường hợp này đã chủ quan, lơ là, cho rằng được tiêm phòng là đủ bảo vệ, miễn nhiễm với dịch bệnh, nên không khai báo y tế, không có ý thức tự cách ly, theo dõi sức khỏe, tổ chức ăn uống, đi lại, tham gia các hoạt động tại những nơi đông người. Sau khi có kết quả xét nghiệm cho các trường hợp này, có trường hợp dương tính với COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều người dân. Đặc biệt là ngành Y tế, đã rất vất vả và khó khăn trong việc điều tra, truy vết, cách ly, giám sát các trường hợp mắc bệnh cũng như những người liên quan đến ca bệnh mới phát hiện.
Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Lợi ích và hiệu quả mà vắc xin phòng COVID-19 đã được nghiên cứu và qua thực tế đã được các nước trên thế giới và trong nước công nhận. Vắc xin giúp bảo vệ bản thân người được tiêm khỏi nhiễm bệnh, khi không may mắc bệnh thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn, giảm tỷ lệ nằm viện và giảm khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh. Tuy nhiên, không một loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. Sau tiêm vắc xin, người tiêm vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Và ngay cả khi tất cả mọi người dân đều được tiêm vắc xin thì cũng chỉ là cách tạo miễn dịch cộng đồng, là một biện pháp phòng ngừa chứ không thể tiêu diệt được vi rút SARS-CoV-2. Hơn nữa, dù tiêm đủ 2 mũi, nhưng vắc xin vẫn cần có thời gian để phát huy tác dụng. Các nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm vắc xin mũi 1, hiệu quả phòng các biến thể của COVID-19 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở lên, vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng từ 60% - 90% tùy loại vắc xin.
Như vậy, vắc xin phòng COVID-19 không thể bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh. Do đó, mặc dù đã được tiêm phòng vắc xin, thì mọi người vẫn cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng khác. Một số người đã tiêm vắc xin có thể không bị mắc bệnh, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang vi rút và lây bệnh cho người khác. Những người này vẫn có thể mang vi rút SARS-CoV-2, lây cho người già có bệnh nền chưa được tiêm vắc xin, khiến họ có thể trở nặng hoặc tử vong. Hoặc có thể lây cho trẻ em do hiện nay trẻ từ dưới 15 tuổi chưa được tiêm vắc xin, khiến dịch có thể bùng lên tại vùng có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp. Chính vì vậy, ngành Y tế khuyến cáo, dù người đã được tiêm đủ cả 2 mũi vắc xin, vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, chủ động bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, trọng tâm là thực hiện các biện pháp 5K của Bộ Y tế: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế".
Hiện nay, thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Bình quán triệt phương châm: Tiêm phòng vắc xin toàn dân là nhiệm vụ chiến lược, mang tính lâu dài và quyết định, song vẫn phải tuân thủ nghiêm quy định 5K, cùng các giải pháp phòng chống dịch theo sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, góp phần giữ vững địa bàn an toàn, vùng xanh, cấp độ 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) theo Nghị quyết số 128 của Thủ tướng Chính phủ. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, địa phương..., cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm, nguyên tắc, phương châm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh để nhân dân đề cao cảnh giác, không hoang mang; thực hiện yêu cầu 5K + tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cùng với đó, khuyến khích mỗi người dân thực hiện khai báo y tế tự nguyện, khai báo điện tử, đăng ký thông tin để lấy mã và sử dụng mã QR-Code, cài đặt các ứng dụng truy vết Bluezone, Vietnam Health Declaration…
Theo nhận định của ngành Y tế, thời gian tới, dịch COVID-19 còn có những diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh luôn hiện hữu. Đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 cần tiếp tục được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, cần đề cao tinh thần cảnh giác, kể cả khi người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Mỗi người dân cần tự giác chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là quy định 5K. Các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp cá nhân, tổ chức chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch. Phát huy hơn nữa vai trò của chính quyền cấp xã và các lực lượng công an, quân đội, các đơn vị, doanh nghiệp trong việc tự giác chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch... Tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm cùng cả nước thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Lê Lành (Theo báo Ninh Bình)