Hội thảo truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cầu cho điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) năm 2024
Thứ Năm, 17/10/2024
Lượt xem: 97
Sáng 17/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức Hội thảo truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cầu cho điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV năm 2024.
Về tham dự hội thảo có Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; cán bộ phụ trách điều trị ARV, điều trị Methadone, chuyên trách HIV/AID trung tâm y tế các huyện/ thành phố; cán bộ phụ trách điều trị ARV Bệnh viện Đa khoa Kim Sơn, Nho Quan; cán bộ phụ trách trách điều trị ARV Trại giam Ninh Khánh, cơ sở cai nghiện ma túy, Trại tạm giam công an tỉnh. Cùng dự còn có đại diện Dự án Quỹ toàn cầu thành phần VUSTA tại Ninh Bình; các nhóm tự lực, nhân viên tiếp cận cộng đồng.
Tại buổi hội thảo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã giới thiệu tổng quan về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) bao gồm: PrEP là gì, đối tượng sử dụng PrEP, cách uống PrEP, chống chỉ định dùng PrEP... Trung tâm cũng cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc phòng, chống HIV/AIDS; các văn bản hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế/ Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, nêu tình hình triển khai điều trị PrEP tại Ninh Bình.
Được biết, tính đến 30/9/2024, luỹ tích phát hiện số nhiễm HIV/AIDS là 2.848 người, trong đó số nhiễm HIV còn sống là 1.467 người, với số lượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) ước có khoảng 915 người và trên 3.000 người là người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV khác.
Với xu hướng lây nhiễm HIV trong quan hệ tình dục đặc biệt là trong nhóm MSM đang gia tăng trên cả nước trong đó có tỉnh Ninh Bình, qua phân tích số liệu từ năm 2018 đến năm 2023 tỷ lệ lây và đường lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục tăng là 38.2% trong đó lây truyền trong nhóm MSM chiếm 9,1% (trước năm 2018 luỹ tích là 28.8%). Bên cạnh các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV truyền thống như cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm, Methadone cần có những lựa chọn can thiệp khác phù hợp và kịp thời nhóm đối tượng này là thực sự cần thiết.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, PrEP là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả nhất cho nhóm có nguy cơ cao. Hiệu quả dự phòng lên tới hơn 97% qua đường tình dục và 74% qua đường tiêm chích.
Bộ Y tế đã triển khai thí điểm và mở rộng PrEP từ năm 2017 đến nay. Ninh Bình là một trong 35 tỉnh/ thành phố đã và đang triển khai chương trình PrEP. Chương trình PrEP hiện là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV đang được Cục Phòng, chống HIV/AIDS ưu tiên mở rộng để góp phần kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam.
Tú Anh