Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” và phương hướng, nhiệm vụ công tác an toàn thực phẩm năm 2022
Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh đã ban hành đẩy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp triển khai thực hiện công tác ATTP theo sự chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid – 19 và điều kiện thực tế của địa phương. Cùng với đó, kịp thời tổng kết, đánh giá, ghi nhận các kết quả đạt được, chỉ ra các khó khăn, tồn tại trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 5 năm (2016-2020), 10 năm (2010-2021) và đề ra các nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP được chú trọng bằng hình thức tuyên truyền gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, facebook, zalo... Các ngành, các cấp đã tổ chức tổ chức treo 420 băngzon; in 52.500 tờ rơi, 1.307 poster, in 1.000 sách; lắp đặt 04 cụm pano, khẩu hiệu; phát trên 8.216 lượt hệ thống đài phát thanh 3 cấp...các hội, đoàn thể cũng tích cực trong việc tổ chức, phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông về ATTP. Qua đó đã góp phần thay đổi nhận thức, thái độ hành vi của người quản lý, người sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Công tác thanh, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành được duy trì, toàn tỉnh đã thành lập 332 đoàn thanh, kiểm tra về ATTP, tổ chức thanh, kiểm tra tại các cơ sở thực phẩm. Qua kiểm tra, phát hiện 440 cơ sở có hành vi vi phạm, chiếm 9,2%. Tiến hành phạt tiền 243 cơ sở với số tiền gần 550 triệu đồng. Qua đó, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định của nhà nước.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh và tăng cường, năm 2021, các Sở Y tế, Nông nghiệp, Công thương và UBND cấp huyện đã tiếp nhận và giải quyết 347 hồ sơ, trả đúng thời hạn đạt 100%.
Công tác xây dựng mô hình điểm về ATTP tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung chủ yếu ở ngành Nông nghiệp đã triển khai xây dựng được 13 mô hình điểm như: các mô hình về thủy sản, mô hình chăn nuôi, trồng cây dược liệu, thí nghiệm về giống lúa mới. Ngành Y tế với 2 mô hình điểm truyền thông về ATTP tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai... Các mô hình đã đảm bảo đúng tiến độ, nội dung và hiệu quả.
Việc bảo đảm ATTP phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị tại địa phương và khách du lịch triển khai có hiệu quả, không để xcảy ra các sự cố về ATTP.
Cùng với đó, duy trì thực hiện tốt công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, hậu kiểm, kiểm soát ATTP theo chuỗi, vật tư nông nghiệp, chợ, hệ thống phân phối, làng nghề; công tác giải quyết các thủ tục hành chính về ATTP; công tác quản lý đối với các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cũng được triển khai hiệu quả, đúng quy định. Đồng thời, thực hiện tốt các Chương trình phối hợp của Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, vận động và giám sát công tác ATTP ở địa phương trong phạm vi quản lý.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, năm 2021, công tác an toàn thực phẩm cũng gặp không ít khó khăn, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; việc áp dụng xử lý vi phạm hành chính về ATTP theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP, xây dựng và hình thành các vùng sản xuất tập trung còn gặp khó khăn; đa số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, mang tính truyền thống, hộ gia đình nên điều kiện ATTP còn hạn chế; các đoàn kiểm tra tuyến xã chưa kiên quyết trong việc xử lý, kiến nghị xử lý vi phạm hành chính về ATTP...
Để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022; Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với chủ đề “tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới” với nhiều giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động bảo đảm ATTP; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sản xuất, kinh doanh của người tiêu dùng về tầm quan trọng của công tác ATTP đối với sự phát triển của con người.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận tập trung vào những khó khăn, vướng mắc; những công việc đã được triển khai và sẽ triển khai trong thời gian tới đảm bảo cho công tác ATTP trong năm 2022 đạt hiệu quả.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được cũng như những nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai bảo đảm công tác ATTP thời gian qua. Đồng chí yêu cầu các cấp các ngành tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm ATTP; tập trung cao cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm; công bố trên truyền hình đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng để tạo sức răn đe. Đặc biệt, yêu cầu Công An tỉnh và Cục Quản lý thị trường cần tập trung quản lý quá trình sản xuất, tiêu thụ rượu và những sản phẩm có giá trị cao khác; Sở Y tế trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ về ATTP chủ trì, phối hợp với các ngành quản lý chất lượng quan tâm tới các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng; kiểm soát ATTP tại các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến…
Các sở, ngành đơn vị, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ 15/4 đến 15/5/2022 cũng như công tác ATTP trong thời gian tới đạt hiệu quả tích cực nhất.
Thu Trang