Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BÀI TẬP PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI BỊ THOÁI HOÁ CỘT SỐNG THẮT LƯNG

     Thoái hoá cột sống thắt lưng bao gồm rất nhiêu nguyên nhân, khi bị thoái hoá cột sống thắt lưng gây ra nhiều bệnh, đầu tiên là bệnh nhân có biểu hiện đau ở lưng, lan xuống mông rồi lan xuống chân, làm cho bệnh nhân đau đớn và đi lại rất khó khăn. Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị : bằng thuốc, phẫu thuật tuỳ theo mức độ nhẹ, nặng của bệnh. Tuy nhiên hiện nay tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh sử dụng phương pháp điều trị là bài tập cho người đau cột sống thắt lưng . Các bài tập này được áp dụng tại rất nhiều cơ sở, kể cả ở tuyến trung ương và ở dưới cộng đồng. BS CKII Dương Văn Thành Bệnh viện PHCN tỉnh chia sẻ về phương pháp này.

 


 PV: Xin Bác sỹ cho biết tác dụng của phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống lưng?

      Bác sỹ: Để có một bài tập thể dục chữa thoái hóa cột sống lưng tốt nhất, người bệnh nên lựa chọn những bài tập đơn giản, nhẹ nhàng, cường độ thấp, đảm bảo không gây quá sức với sức khỏe, đặc biệt là cột sống lưng. Những bài tập sử dụng ngoài việc giúp quá trình lưu thông máu được diễn ra một cách thông suốt, còn giúp cột sống có được sự co giãn, từ đó hạn chế những chèn ép đến dây thần kinh và mạch máu.

           PV: Xin Bác sỹ cho biết phương pháp điều trị phục hồi chức năng cho người bị thoái hóa cột sống thắt lưng?

     Bác sỹ: Trước khi vào tập chuẩn bị: 1,5- 2kg muối ăn rang nóng già từ 50 - 55 độ, sau đó đổ vào một túi đặt lên lưng trong thời gian 10 -15 phút. Sau đó chúng ta dùng 2 gan lòng bàn tay xoa đều 2 bên khối cơ từ lưng xuống tới mông. Trong thời gian từ 5 đến 10 phút. Sau đó chúng ta từ từ tập các bài tập:

         Bài tập thứ nhất: Vị trí nằm ngửa

 - Động tác 1: chân trái duỗi thẳng, chân phải co lại và từ từ chúng ta kéo gối áp sát vào vai bên trái và giữ trong tư thế từ 5 tới 7 giây, rồi từ từ thả chân ra. Chúng ta lặp lại động tác như vậy 05 lần.

 - Động tác 2: chân phải duỗi thẳng, chân trái có lại và kéo gối áp sát vai phải, giữ tư thế đó trong  5 tới 7 giây. Lặp lại động tác này 05 lần.

 - Động tác 3: từ từ co 2 gối và lấy 2 bàn tay kéo sát 2 gối áp sát vào ngực và giữ trong thời gian 5 tới 7 giây rồi từ từ thả ra.

    Bài tập thứ 2:  Vị trí năm sấp

- Động tác 1: nằm sấp lấy tay bên phải từ từ cầm ngòn chân cái bên phải kéo lòng bàn chân vào người, đầu nâng lên, lưng ưỡn ra và giữ tư thế đó trong thời gian 5 tới 7 giây.

 - Động tác 2: tay trái từ từ cầm ngón chân cái bên trái kéo lòng bàn chân vào người, đầu nâng lên, lưng ưỡn ra giữ tư thế đó trong thời gian 5 tới 7 giây.

 - Động tác thứ 3 : lấy hai tay bám vào 2 lòng bàn chân kéo hai chân co lên, lưng ưỡn ra.

    Bài tập thứ 3: Vị trí ngồi

 - Hai chân duỗi thẳng, từ từ lấy tay phải vươn ra và cầm lấy ngón cái chân phải kéo vào phía mình. Giữ tư thế đó 5 tới 7 giây.

 - Hai chân duỗi thẳng, từ từ lấy tay phải vươn ra và cầm lấy ngón cái chân trái kéo vào phía mình. Giữ tư thế trong 5 tới 7 giây.

  Lưu ý: Lưng luôn luôn phải thẳng, đầu gối phải thẳng.

          Bài tập thứ 4: Vị trí ngồi thiền

 - Động tác 1: chân phải duỗi thẳng, chân trái co lại và bàn chân trái bắt chéo qua đùi bên phải, lấy tay trái ôm vào cẳng chân hoặc lòng bàn chân bên trái, tay bên phải đưa ra sau và ôm vào mạn sườn bên trái, từ từ thẳng đầu quay nhìn về phía bên phải.

 - Động tác thứ hai làm ngược lại.

        Bài tập thứ 5: Vị trí đứng

 - Động tác 1: nghiêng người về bên phải, lưu ý là người đứng thẳng, tay phải bỏ thõng, tay trái thẳng từ từ dơ lên cao và nghiêng người về bên phải tới khi có cảm giác sườn của bên trái căng ra và giữ tư thé đó 5 tới 7 giây rồi về vị trí đứng nghiêm.

 - Động tác 2: về bên trái làm ngược lại động tác bên phải

 - Động tác 3: chân thẳng, gối thẳng, 2 tay thẳng từ từ cúi người về phía trước, cúi tới khi có cảm giac lưng căng, cơ đùi và cẳng chân căng thì giữ tư thế đó từ 5 tới 7 giây.

 - Động tác 4: Ngả người về phía sau: đứng thẳng, gối thẳng, 2 tay thẳng từ từ dơ lên cao đưa ra sau và người từ từ đưa ra sau, khi nào cảm giác cơ bùng căng, cơ ngực căng thì giữ tư thế đó từ 5 tới 7 giây.

 - Động tác 5: xoay người, 2 tay chúng ta chống ở 2 bên hông, gối thẳng, từ từ lắc người quay sang bên phải, sang bên trái.

     PV: Bác sỹ có lưu ý gì đối với những bài tập trên?

   Bác sỹ: Tất cả các động tác trên đều tập từ 5 tới 10 lần. Thời gian cho những bài tập dành cho bệnh thoái hóa không nên kéo dài, nhưng đều đặn hàng ngày với mức độ nhẹ và tần suất nhiều.Nắm được những điều này, việc thực hiện các bài tập thể dục của người bệnh sẽ đạt được kết quả tốt nhất.

 

PV: Cảm ơn Bác sỹ đã chia sẻ những thông tin hữu ích trên./.

 

Nguyễn Minh

 

  • Từ khóa :