Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Các chỉ số nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Ninh Bình đều nằm trong giới hạn cho phép
Trước tình trạng nhiều người dân thuộc các phường, xã trên địa bàn thành phố Ninh Bình phản ánh về chất lượng nước của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình có tình trạng vẩn đục, nhiều cặn bẩn, hôi tanh, có sinh vật lạ giống giun trong nước, nước không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân trên địa bàn, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế để làm rõ hơn về vấn đề này.
Kiểm tra quy trình sản xuất nước sạch tại Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình. Ảnh: Minh Quang
Kiểm tra quy trình sản xuất nước sạch tại Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên: Thưa đồng chí, thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Ninh Bình có nhiều hộ dân phản ánh nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, xuất hiện sinh vật lạ, vậy trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc như thế nào để đảm bảo chất lượng nước và sức khoẻ của người dân?

Đ/c Vũ Văn Cẩn: Theo nắm bắt của chúng tôi, trong thời gian từ khoảng giữa tháng 4-2016, khá nhiều người dân của một số xã, phường trên địa bàn thành phố Ninh Bình đang sử dụng nước của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình phản ánh tình trạng nước tại gia đình mình không đảm bảo vệ sinh, thường có màu hơi vàng, xuất hiện những con giun đỏ, mùi khác lạ… Người dân rất hoang mang, lo lắng và đã có những kiến nghị đến Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình và các cơ quan liên quan có trách nhiệm quản lý trên địa bàn.

Với trách nhiệm của mình, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình tiến hành lấy các mẫu nước tại Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình và một số hộ dân có ý kiến phản ánh tại xã Ninh Nhất, phường Đông Thành, phường Nam Thành… Qua xét nghiệm, các mẫu nước thành phẩm của Công ty Cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình cho thấy các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép của QC 01:2009/BYT. Chỉ số độ đục và chỉ số pecmanganat có giá trị lớn hơn các tháng trước, nhưng vẫn trong giới hạn cho phép.

Phóng viên: Được biết, tình trạng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh vẫn tiếp tục xảy ra, UBND tỉnh đã có công văn thành lập Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra các nhà máy nước trên địa bàn. Đoàn đã tiến hành kiểm tra như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Vũ Văn Cẩn: Thực hiện Quyết định số 597 ngày 9-5-2016 và Quyết định số 626 ngày 13-5-2016 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt của 3 công ty: Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình, Công ty cổ phần địa ốc VSG (Nhà máy BOO VSG) và Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Nam, giao cho Sở Y tế làm trưởng đoàn. Mục đích nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất và cung cấp nước sạch hợp vệ sinh cho người dân. Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong tự kiểm tra vệ sinh chất lượng nước và các biện pháp đảm bảo chất lượng nước, công bố tình hình chất lượng nước trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.

Theo đó, trong các ngày 13 và 14-5, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra thủ tục pháp lý, điều kiện vệ sinh chung, việc thực hiện chế độ nội kiểm và ngoại kiểm định kỳ, tiến hành xét nghiệm chất lượng nước thành phẩm và kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước tại vòi sử dụng của hộ gia đình. Đoàn đã tiến hành lấy 27 mẫu nước, gồm 9 mẫu ở 3 nhà máy nước, 3 mẫu trên đường ống trung gian của Nhà máy nước Ninh Bình và 15 mẫu đầu vòi, bể chứa của nhà dân.

Các mẫu nước này được chia làm 3 phần, 1 phần gửi Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường để xét nghiệm, 1 phần xét nghiệm tại Trung tâm và 1 phần lưu tại Trung tâm Y tế dự phòng. Đồng thời gửi mẫu sinh vật lạ giống giun lấy tại téc chứa nước của hộ gia đình ông Nguyễn Thiên Tân, số 93, phố 8, phường Vân Giang đến Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương đề nghị xác định tên, loài, đặc tính sinh sản, phát triển, khả năng gây bệnh hay không, con đường xâm nhập vào nước ăn uống và sinh hoạt, cách ngăn chặn và loại bỏ sinh vật này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, vậy kết quả của Đoàn thanh tra liên ngành đến thời điểm này như thế nào?

Đ/c Vũ Văn Cẩn: Kết quả kiểm tra tại 3 công ty cho thấy, quy trình sản xuất của 3 nhà máy nước được thực hiện theo đúng TCXDVN33:2006 của Bộ Xây dựng, có cán bộ vận hành. 3 nhà máy đều có phòng hóa nghiệm, hàng ngày đã làm xét nghiệm nội kiểm một số chỉ số thông thường: màu, độ đục, độ pH, độ cứng, hàm lượng Clo dư. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh định kỳ làm xét nghiệm ngoại kiểm các tiêu chí thuộc mức độ A 1 lần/tháng (theo QCVN 01:2009/BYT). Công tác đảm bảo vệ sinh nội, ngoại cảnh của 3 nhà máy được thực hiện khá tốt.

Đối với 2 đơn vị là Nhà máy nước Thành Nam và Nhà máy BOO VSG, hoạt động sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo theo đúng quy trình quy định, chưa thấy sự phản hồi của người dân về tình trạng nước không đảm bảo, các mẫu lấy xét nghiệm cho kết quả, các chỉ số về hóa lý cơ bản nằm trong giới hạn cho phép. Riêng đối với Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình còn để xảy ra một số vi phạm: Khu thu nước nguyên liệu tại bờ sông Đáy không đảm bảo vệ sinh, như bể thu không có nắp, không có rào chắn bèo rác, không có biển báo theo quy định tại Thông tư 50/2015/TT-BYT; hàm lượng hóa chất dùng để khử nước sinh hoạt chưa đạt yêu cầu, cụ thể là trong các mẫu nước lấy tại bể chứa của các hộ dân đều có chỉ số clo dư không đạt và chỉ số pecmanganat vượt giới hạn cho phép. Và mẫu nước lấy tại đáy bể chứa nước thành phẩm của nhà máy có chỉ số độ đục và chỉ số pecmanganat vượt giới hạn cho phép của QCVN 01: 2009/BYT.

Đối với mẫu sinh vật lạ có trong téc nước của một số hộ dân gửi Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương đã có công văn trả lời, nhận định, đó là ấu trùng của côn trùng thuộc bộ hai cánh. Đây là loài côn trùng sống ngoài thiên nhiên, đẻ trứng trong nước, ấu trùng thường sống trong các bể nước không được đậy kín, ăn các chất hữu cơ có trong nước. ấu trùng này không có tác hại gì cho sức khỏe con người, chúng có thể được sử dụng làm thức ăn cho cá.

Phóng viên: Trước những kết quả trên, Đoàn có kiến nghị gì đối với các nhà máy nước và ngành Y tế có khuyến cáo gì đối với người dân?

Đ/c Vũ Văn Cẩn: Trước những kết quả bước đầu xác định được, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã có văn bản kiến nghị đối với Nhà máy nước Ninh Bình thực hiện ngay việc vệ sinh sạch đáy bể chứa nước thành phẩm. Tiến hành xả sục đường ống dẫn nước từ bể chứa nước thành phẩm nhà máy tới các hộ dân (cấp I, II, III). Tăng cường kiểm tra mạng lưới đường ống cấp nước, phát hiện vị trí vỡ hoặc rò rỉ (nếu có) để kịp thời xử lý, tránh gây tái ô nhiễm nguồn nước.

Đồng thời đề nghị cả 3 nhà máy nước phải bổ sung Clo hoạt tính tại trung gian hệ thống đường ống cấp nước cho các hộ gia đình người dân sử dụng, để đảm bảo tại bể, téc nước hộ gia đình có lượng Clo dư đạt từ 0,3-0,5mg/lít.

Đặc biệt, đối với các hộ gia đình sử dụng nước trên địa bàn, cần tăng cường công tác vệ sinh, thau rửa dụng cụ chứa đựng (téc đựng nước, bể chứa) tránh gây tái ô nhiễm. Các dụng cụ chứa đựng cần đảm bảo có nắp đậy kín, có biện pháp ngăn côn trùng hoặc sinh vật xâm nhập vào dụng cụ chứa đựng. Đối với những nơi khó thau rửa, cần thực hiện thả các loại cá để diệt côn trùng, ấu trùng…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Hạnh Chi (thực hiện)

  • Từ khóa :