Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Ngành Y tế Ninh Bình đẩy mạnh chuyển đổi số
Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã tích cực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) vào hoạt động quản lý, khám, chữa bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số ngành Y tế của tỉnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm trong quản lý, khám chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp – là một trong những giải pháp cụ thể mà ngành y tế thực hiện có hiệu quả hướng tới chuyển đổi số, qua đó đã đạt được những kết quả khích lệ: 6 tháng năm 2022, qua theo dõi trên hệ thống phần mềm chăm sóc sức khoẻ F0 tại nhà tính từ lúc bắt đầu triển khai đến ngày 14/6/2022 đã có 73.685 bệnh nhân. 100% các cơ sở tiêm chủng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được trang bị chữ ký số, đảm bảo ký xác thực hồ sơ “Hộ chiếu vắc xin” trên hệ thống phần mềm tiêm chủng.Tính đến ngày 14/6/2022 Toàn tỉnh đã “làm sạch” được 39.817 đối tượng tiêm chủng vắc xin COVID -19 cần làm sạch, đạt tỷ lệ 34%. Toàn bộ các bệnh viện và các cơ sở y tế đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng phương thức mã QR code hoặc phương thức Mobile money và thẻ POS liên kết với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị đã tích cực chủ động trong việc cải cách thủ tục hành chính đã triển khai ứng dụng “VssID-Bảo hiểm xã hội số” để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện nay đã tích hợp được trên 200.000 thẻ BHYT vào CCCD để đi khám chữa bệnh BHYT, công việc này vẫn đang được tiếp tục triển khai thực hiện. Đối với những người chưa được tích hợp thẻ BHYT vào CCCD thì vẫn đi KCB bình thường như cũ và khi đi phải mang theo thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh; 100% các đơn vị trực thuộc đã triển khai hệ thống mạng chuyên dùng cấp II, vận hành ổn định, an toàn, thông xuốt. 100% các đơn vị trực thuộc đã được triển khai hệ thống phần mềm Quản lý văn bản iOfice và thực hiện ký số khi gửi văn bản điện tử giữa các đơn vị.

Ông Vũ Mạnh Dương - Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cho biết: “Thực hiện Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 12/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngành Y tế tỉnh đã xây dựng Kế hoạch Phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2022. Kết quả: Trong năm 2021, Ngành y tế khai thác hiệu quả phần mềm dịch vụ công trực tuyến; 100% các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã triển khai sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, giảm thiểu việc sử dụng văn giấy. Toàn Ngành đã thực hiện ký số điện tử và số hóa 100% văn bản điện tử đúng quy định; thực hiện gửi, nhận văn bản, công việc qua môi trường mạng, hệ thống mail công vụ đảm bảo nhanh, kịp thời, chính xác; Công tác cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được Sở Y tế thực hiện có hiệu quả. Trong năm Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính thực hiện việc rà soát thủ tục hành chính (TTHC) nhằm loại bỏ bớt những thủ tục rườm rà, không cần thiết cũng như cắt giảm thời gian tối đa trong việc giải quyết TTHC. Việc cung cấp, thông tin các TTHC của Sở được cung cấp đầy đủ trên hệ thống một cửa của tỉnh cũng như Trang thông tin điện tử của Sở Y tế. Bên cạnh đó, các phần mềm chuyên ngành cũng được triển khai và phát huy hiệu quả, trong đó có phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử (bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2019 tại 02 xã thuộc địa bàn huyện Nho Quan, đến nay phần mềm đã bắt đầu được triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh với mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu về hồ sơ sức khỏe cá nhân của mỗi người dân trên địa bàn tỉnh); Công tác an toàn an ninh thông tin luôn được quan tâm triển khai tới toàn thể cán bộ trong ngành, không để xảy ra tình trạng liên quan đến việc mất dữ liệu cũng như vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh thông tin. Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-SYT ngày 01/4/2022 về việc phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2022; Kế hoạch số 11a/KH-SYT ngày 10/02/2022 về việc triển khai thí điểm phần mềm chăm sóc sức khoẻ F0 tại nhà trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Kế hoạch số 42/KHSYT ngày 08/4/2022 về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022. Sở Y tế cũng đã ban hành 04 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cở sở tiêm chủng và các đơn vị trực thuộc tăng cường “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cho biết: Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hầu hết các trạm y tế (TYT) của huyện đã có sự đầu tư về máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước số hóa trong hoạt động, đã tạo điều kiện giúp các TYT chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hiệu quả thấy rõ nhất của việc ứng dụng công nghệ vào khám, chữa bệnh trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tiêm chủng đã tạo điều kiện giúp người dân thuận lợi theo dõi thông tin tiêm chủng không cần phải mang theo sổ giấy vì hiện các thông tin đã được cập nhật trong sổ tiêm chủng điện tử trên hệ thống tiêm chủng quốc gia. Theo tôi, để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong chuyển đổi số ngành y tế cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng số hóa, đặc biệt là đầu tư ngân sách cho mua sắm trang thiết bị, bảo dưỡng bảo trì hệ thống máy móc trang thiết bị; tiếp tục hoàn thiện ứng dụng phần mềm quản lý duy nhất tại TYT phường, xã; tập huấn nâng cao về chuyển đổi số cho cán bộ y tế, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Ông Phạm Văn Dậu - Giám đốc Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh cho biết: “Cùng với đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, các bệnh viện còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh hướng đến đáp ứng yêu cầu triển khai bệnh án điện tử, xây dựng bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ. Tăng cường triển khai các hoạt động y tế từ xa với các bệnh viện tuyến trên…Tuy nhiên, hiện nay một số hạng mục công nghệ thông tin còn chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế còn hạn chế nên ảnh hưởng trực tiếp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị... Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, chúng tôi tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về công nghệ thông tin y tế, tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi số ...; tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng máy móc, trang thiết bị đồng bộ; tăng cường tuyên truyền đến người dân cùng tham gia quá trình chuyển đổi số; tăng cường kết nối với các đơn vị y tế tuyến trên…”.

Có thể nói, chuyển đổi số trong y tế là bắt buộc, là xu hướng chung của tất cả quốc gia nói chung nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ trong khám, chữa bệnh. Các phòng khám tư nhân cũng không nằm ngoài xu hướng đó, phải ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thăm khám và điều trị để mang lại sự hài lòng cao nhất cho người bệnh. Việc ứng dụng phần mềm quản lý phòng khám sẽ hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trong quản lý toàn diện hoạt động. Phòng khám thông minh không cần phải tốn quá nhiều chi phí, sức lực để vận hành, mà thông qua việc sử dụng công nghệ để mang lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động KCB, đem đến sự hài lòng cho người bệnh.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số sẽ tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ cơ quan, đơn vị ngành y. Cách thức lãnh đạo, quản lý công việc trong ngành y thời gian tới sẽ chính xác, kịp thời và hiệu quả hơn nhờ nền tảng công nghệ số. Không chỉ vậy, việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế sẽ được chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số. Điều này góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi. Chuyển đổi số trong ngành y còn tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, từ đó hình thành nên người thầy thuốc số.

Tuy nhiên trong thực hiện còn gặp một số khó khăn trong: việc làm sạch dữ liệu tiêm chủng COVID-19; việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các đơn vị trực thuộc và các cơ sở khám, chữa bệnh do: Phí thu quẹt thẻ qua POS của các ngân hàng trên mỗi giao dịch khá cao, một bệnh nhân có thể phát sinh nhiều hơn một giao dịch, các đơn vị khám chữa bệnh đang phải trả chi phí giao dịch này, trong khi chi phí này chưa được đưa vào chi phí khám chữa bệnh; Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh chưa được đồng bộ hết trong cả quy trình khám, chữa bệnh với các hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện hiện có tại các đơn vị; Tỷ lệ người dân, đặc biệt là người bệnh có thẻ để thanh toán còn thấp. Đối tượng bệnh nhân chủ yếu là người già, trung niên chiếm số lượng lớn nên việc tiếp cận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều khó khan; Người dân vẫn có thói quen thanh toán bằng tiền mặt, đặc biệt với những người trung niên, cao tuổi do không thể kiểm soát được những vẫn đề phát sinh khi sử dụng thẻ để thanh toán (bảo mật thông tin, thao tác khi thanh toán, kiểm soát lượng tiền còn lại trong thẻ sau khi thanh toán, nhớ mật khẩu thẻ...).

Ông Vũ Mạnh Dương -  Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số nhấn mạnh: “Tập trung tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp về ứng dụng  CNTT trong việc xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn an ninh thông tin; Xây dựng kế hoạch về cải cách hành chính năm từng năm, trong đó có việc ứng dụng CNTT áp dụng cho các dịch vụ công trực tuyến; Phát triển nền tảng Chính quyền điện tử; phát triển hạ tấng số, nền tảng số; Phát triển dữ liệu số; Phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; Tiếp tục đấy mạnh triển khai, ứng dụng các dịch vụ, giải pháp phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ số trong lĩnh vực y tế. Triển khai các hệ thống thu thập phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; Bảo đảm an toàn an ninh thông tin; Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số - Đây là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong quá trình thực hiện chuyển đổi số thời gian tới.”

Như vậy, chủ động chăm sóc sức khỏe người dân chính là định hướng chuyển đổi số ngành y tế trong giai đoạn tới. Nhìn từ những lợi ích của chuyển đổi số mang lại cho thấy, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động chăm sóc sức khoẻ Nhân dân là vô cùng cần thiết, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện với mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia số. Để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, thời gian tới, ngành y tế tiếp tỉnh tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước đồng thời tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong y tế.

Nguyễn Minh

  • Từ khóa :