Mục tiêu của tháng hành động nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của người quản lý và nhận thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP đối với rau, thịt là các sản phẩm mà mọi người, mọi nhà tiêu dùng hàng ngày, đồng thời tăng cường kiểm tra sản phẩm rau, thịt từ sản xuất, sơ chế, chế biến, lưu thông, buôn bán để giảm thiểu ngộ độc từ rau, thịt.
Nhìn lại thực trạng công tác đảm bảo ATTP nông, lâm, thủy sản ở tỉnh ta trong thời gian qua có thể khẳng định là ATTP nói chung và đối với sản phẩm rau, thịt nói riêng đã được quan tâm và đạt được một số kết quả quan trọng. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Bình không để xảy ra ngộ độc tập thể. Tuy vậy, vẫn còn 46 ca mắc ngộ độc thực phẩm lẻ phải đến điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Kiểm tra, giám sát trên diện rộng cho thấy: tỷ lệ mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, mẫu thịt ô nhiễm vi sinh vượt giới hạn cho phép đã giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng. Chỉ tính trong dịp Tết nguyên đán ất Mùi và mùa lễ hội xuân 2015, các đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành của Công an tỉnh, Sở Công thương, Y tế… đã tiến hành kiểm tra 577 cơ sở, phát hiện 111 cơ sở có vi phạm chiếm 19,2% số cơ sở được kiểm tra, đồng thời yêu cầu 12 cơ sở phải tự tiêu hủy 11 loại sản phẩm thực phẩm các loại, trong đó có 54 kg thịt dê ôi thiu, biến chất; 01 kg giò lợn dương tính với hàn the; 166 kg nầm động vật không rõ nguồn gốc; 200kg thịt bò 100kg xương động vật…Cũng trong thời gian đó, các cấp, các ngành của tỉnh đã thành lập 157 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 1.667 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, tập trung vào các mặt hàng như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo…đã phát hiện 319 cơ sở có vi phạm chiếm 19% số cơ sở được kiểm tra. Các Đoàn đã kiên quyết xử lý buộc 21 cơ sở phải tự tiêu hủy 40 loại sản phẩm thực phẩm các loại, trong đó có 24 kg giò, chả; 30 cái giò nạc; 95 cá thể chim; 15 kg lòng, mề chim; 15 kg nầm động vật… Điều đáng nói là chỉ có 03 đoàn liên ngành của tỉnh và 08 đoàn liên ngành cấp huyện phát hiện và xử lý các cơ sở bị sai phạm, còn 145 đoàn thanh, kiểm tra cấp xã tiến hành kiểm tra đến 1370 cơ sở, nhưng không phát hiện và xử lý được cơ sở nào.
Để thực hiện có hiệu quả tháng hành động vì ATTP năm 2015 với chủ đề:“sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” thì giải pháp quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng rau, thịt an toàn. Tuyên truyền thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia; vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến rau, thịt. Tập trung tuyên truyền vào 3 đối tượng là: các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, sơ chế, chế biến, giết mổ, xuất, nhập khẩu, kinh doanh rau thịt; với những người làm công tác quản lý như chính quyền cơ sở, cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra tuyên truyền để nâng cao nhận thức, làm đúng trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP theo quy định của pháp luật; và đối với người tiêu dùng, cần tự nghiên cứu và bằng kinh nghiệm cuộc sống hãy là những người tiêu dùng thông thái, tích cực hưởng ứng tháng hành động vì ATTP để đem lại lợi ích thiết thực cho gia đình, bản thân và toàn xã hội.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cần có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng trong việc bảo đảm vệ sinh ATTP. Thực tế thời gian qua có thể nhận thấy một số cấp ủy, chính quyền cơ sở có biểu hiện thờ ơ, khoán trắng vấn đề ATTP cho ngành y tế. Đáng ra, chính quyền cấp cơ sở phải nắm được trong xã, phường có bao nhiêu hộ sản xuất rau, thịt để kinh doanh; họ sản xuất mô hình nào, tiêu chuẩn gì, có an toàn hay không? Có nên chăng xây dựng mô hình cộng đồng kiểm tra sản xuất rau, thịt từ thôn, xóm, xã. Hình thành các tổ liên gia, liên kết để giám sát lẫn nhau trong việc sản xuất, kinh doanh rau, thịt ngay từ vườn, chuồng. Có như vậy mới quản lý được từ “gốc”, còn như hiện nay, chúng ta đang quản lý phần “ngọn”, chỉ đến khi rau, thịt ra lưu thông, chế biến rồi, mới kiểm tra, phát hiện. Mà quản lý phần “ngọn” thì không bao giờ có thể hết được rau, thịt không đảm bảo ATTP.
Thu Minh (Nguồn Báo Ninh Bình)