Có rất nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm trong mùa hè: do lựa chọn thực phẩm không đảm bảo an toàn, cách chế biến không đảm bảo vệ sinh, do bảo quản thực phẩm không đúng cách dẫn đến thực phẩm bị hư hỏng. do sử dụng các loại đồ ăn nhanh, thức ăn đường phố mất an toàn thực phẩm.
Vì vậy để đảm bảo ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, chúng ta cần lưu ý trong việc lựa chọn và chế biến thực phẩm như sau:
1. Lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn
- Đối với rau quả tươi: Hình dáng bên ngoài phải còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống. Có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo (không lựa chọn loại có màu sắc bất thường). Sờ - nắm có cảm giác nặng, chắc tay (một số rau xanh được phun quá nhiều chất kích thích sinh trưởng và hóa chất bảo vệ thực vật cho cảm giác “nhẹ bỗng”). Không có mùi lạ (Nếu lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư nhiều có thể ngửi thấy mùi hắc, mùi lạ...)
- Đối với thịt gia súc tươi: màng ngoài của lát thịt khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả; lớp mỡ có màu sắc sáng, khô, độ rắn, mùi bình thường. Sờ - nắm khối thịt có cảm giác chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết bị lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
- Thực phẩm bao gói sẵn: sản phẩm không được rách, nát, không bị biến dạng. Đặc biệt phải có đủ nhãn mác với các nội dung sau: Tên thực phẩm; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Định lượng của thực phẩm; Thành phần cấu tạo; Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản; Hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng.
- Nên lựa chọn sản phẩm ở các cửa hàng có tín nhiệm quen thuộc, siêu thị… những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện an toàn thực phẩm để kinh doanh. Không nên mua ở những cửa hàng, quán hàng, bụi, bẩn, ẩm ướt, nóng, nắng, ở những nơi bày bán lẫn lộn hóa chất, xà phòng, bột giặt, mỹ phẩm, xăng, dầu, sơn, hóa chất bảo vệ thực vật…
2. Chế biến thực phẩm an toàn
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, nấu chín kĩ thức ăn, đảm bảo nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt trên 700C và ăn ngay sau khi thức ăn vừa được nấu chín.
- Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín với thực phẩm sống, bề mặt tiếp xúc bẩn bởi thức ăn đã nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sống hoặc bề mặt bẩn (dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).
- Rửa sạch tay trước khi chế biến thực phẩm và sau khi có những công việc khác làm gián đoạn quá trình chế biến như sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ gây ô nhiễm khác. Sau khi chế biến thịt phẩm sống, chẳng hạn như cá, thịt, hoặc thịt gia cầm, nên rửa lại tay thật sạch trước khi bạn chế biến các thực phẩm khác. Và nếu tay có vết thương, phải băng và bọc kín vết thương trước khi chế biến thực phẩm.
- Sử dụng nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh để sơ chế và chế biến thực phẩm.
3. Bảo quản thực phẩm
- Các nguyên liệu rau, củ, quả khi mua về phải được sơ chế, rửa bằng nước sạch, để ráo nước, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh hoặc nơi mát, thoáng gió.
- Đối với nguyên liệu thịt, cá tươi phải được sơ chế, rửa bằng nước sạch, để ráo nước, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và bảo quản ở ngăn đá của tủ lạnh hoặc tủ cấp đông.
- Đối với thực phẩm bao gói sẵn, phải làm sạch bao gói, bảo quản sản phẩm theo yêu cầu của nhà sản xuất ghi trên nhãn mác của sản phẩm bao gói sẵn.
- Thức ăn đã nấu chín phải được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ nóng (gần hoặc trên 600C), hoặc lạnh (gần hoặc dưới 100C) và trước khi ăn cần nấu lại một lần nữa ở nhiệt độ trên 700C.
- Khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, cần lưu ý: Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.