Tại Ninh Bình, xác định tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với việc bảo vệ sức khỏe người dân, ngành Y tế với vai trò nòng cốt đã chú trọng thực hiện tốt công tác này ở nhiều lĩnh vực. Kể từ khi Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh được thành lập đến nay, trong 5 năm hoạt động, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị trong ngành, các địa phương, các ngành có liên quan đẩy mạnh hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh những kiến thức cơ bản về ATTP nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi về ATTP trong cuộc sống sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP được triển khai thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm, phát hiện ngăn chặn kịp thời việc lưu thông hàng hóa thực phẩm không đảm bảo đến tay người tiêu dùng. Các đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã đã tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong các dịp trọng điểm trong năm.
Trong quá trình thanh, kiểm tra về ATTP, các đoàn đều được trang bị hóa chất cũng như dụng cụ kiểm tra nhanh về ATTP để kiểm tra các cơ sở thực phẩm trên địa bàn, nhờ đó nhanh chóng phát hiện và kịp thời cảnh báo tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm những sản phẩm không đạt chất lượng theo quy định. Từ năm 2009 đến năm 2014, các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành cũng như chuyên ngành y tế các cấp đã kiểm tra trên địa bàn tỉnh được hơn 42.000 lượt cơ sở thực phẩm, phát hiện và tiến hành xử lý 445 cơ sở có hành vi vi phạm hành chính về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 500 triệu đồng. Hàng năm, Chi cục duy trì hoạt động giám sát mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đã tiến hành lấy 1.916 mẫu xét nghiệm, kiểm tra nhanh chất lượng và phát hiện, cảnh báo tới người tiêu dùng 241 mẫu thực phẩm không đạt chất lượng ATTP theo quy định. Lấy 215 mẫu thực phẩm để hậu kiểm chất lượng, kết quả có 166/215 mẫu đạt chất lượng theo hồ sơ công bố, 49 mẫu sản phẩm không đạt đều được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Những nỗ lực của Chi cục An toàn thực phẩm đã góp phần hạn chế tình trạng vi phạm về đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe người dân, quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo ATTP vẫn còn. Vẫn còn những cơ sở sản xuất, người kinh doanh, chế biến thực phẩm chưa có ý thức chấp hành quy định của Luật ATTP. Tranh thủ các dịp mà nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao như: dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, mùa cưới… để trà trộn các hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc vào thị trường. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm, các trường hợp trẻ em mắc tiêu chảy kéo dài… Trên địa bàn tỉnh ta, theo ghi nhận từ Chi cục ATTP tỉnh, 5 năm qua đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số hơn 400 người mắc. Ngay tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, hàng năm cứ vào dịp lễ, Tết thường tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn ói, ho, sổ mũi, đi phân lỏng liên tục. Theo các bác sỹ điều trị, trẻ bị tiêu chảy do ăn uống thất thường, ăn hàng quán không hợp vệ sinh, do thói quen trữ nhiều thực phẩm trong ngày Tết của các gia đình dẫn đến việc thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn…
Điều đó cho thấy, cùng với các yếu tố khách quan, việc đảm bảo ATTP còn phụ thuộc cả vào nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng. Khuyến cáo của ngành Y tế “Hãy là người tiêu dùng thông thái” luôn cần và đúng trong mọi trường hợp. Bởi bữa ăn của mỗi gia đình đều phụ thuộc hoàn toàn vào sự lựa chọn thực phẩm của người nội trợ. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm và cần được ngành Y tế cùng các địa phương quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức cơ bản nhất để người dân tự bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho bản thân.
Ngày Sức khỏe thế giới năm nay với chủ đề “An toàn thực phẩm” thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất ATTP để kêu gọi sự tham gia, vào cuộc tích cực của không chỉ riêng ngành Y tế, mà cả cộng đồng cùng chung tay thực hiện tốt việc đảm bảo ATTP bằng những hành động cụ thể nhất: Chấp hành tốt các quy định của Luật ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; có kiến thức để lựa chọn thực phẩm an toàn; tẩy chay những mặt hàng thực phẩm nhái, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc; tích cực tham gia cùng các ngành chức năng trong việc phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm về ATTP…
Kim Thoa (nguồn Báo Ninh Bình)