Là địa phương có nhiều điểm du
lịch nổi tiếng, hàng năm đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Vì vậy để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là tại những
địa điểm du lịch, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường đảm
bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương.
Ninh Bình là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn
hóa và lễ hội dân gian. Theo kết quả tổng kiểm kê di tích trên địa bàn, hiện
nay tỉnh Ninh Bình có 1.499 di tích, được phân bố đều khắp ở 145 xã, phường, thị
trấn, trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt là Khu di tích
lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu hang động Tràng An - Tam Cốc, Bích Động.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 228 lễ hội, trong đó dịp mùa xuân là 149
lễ hội, đặc biệt trong tháng giêng có 52 lễ hội. Đây là điều kiện thuận lợi để
du lịch địa phương phát triển. Để đón lượng khách du lịch trong và ngoài nước về
tham quan, chiêm bái vào các dịp lễ hội đầu năm, hoạt động kinh doanh dịch vụ
ăn uống phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch tăng cao phải đảm bảo
an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng khách du lịch bị ngộ độc thực phẩm.
Vì vậy, để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm ( ATTP) cho du khách được tăng cường. Chi cục ATTP tỉnh phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố,
UBND các xã, phường, thị trấn có tổ chức hoạt động du lịch đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh, người
tiêu dùng về an toàn thực phẩm; kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận đủ điều
kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh
thực phẩm theo phân cấp quản lý... ; chuẩn bị đầy đủ điều kiện về trang thiết bị,
cơ số thuốc, hóa chất để ứng phó kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra; tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành việc chấp hành
các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm tại những cơ sở sản xuất,
chế biến, kinh doanh thực phẩm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cơ sở, doanh
nghiệp cố tình vi phạm; đồng thời biểu dương, khen thưởng những cơ sở, doanh
nghiệp chấp hành tốt quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Trong năm
2017 và 3 tháng đầu năm 2018, Chi cục ATTP tỉnh đã tổ chức 05 lớp tập huấn kiến
thức an toàn thực phẩm cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố
tại các xã phường có khu du lịch cho khối nhà hàng trong tỉnh với 157 người
tham gia, gồm chủ nhà hàng và người trực tiếp nấu nướng. Cùng với công tác
tuyên truyền, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo
đảm ATTP tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Các đoàn kiểm tra liên ngành,
chuyên ngành đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 106 cơ sở thực phẩm, phát hiện 36
cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý bằng hình thức phạt tiền 32 cơ sở với
số tiền phạt là 143 triệu đồng. Quá trình thanh tra, kiểm tra cho thấy có nhiều
chuyển biến trong công tác quản lý về ATTP, tạo điều kiện thuận lợi cho khách
du lịch lưu trú trong quá trình tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, tại các khu du
lịch trọng điểm của tỉnh, người làm công tác kinh doanh tại các nhà hàng, khách
sạn đã có nâng cao hiểu biết về công tác ATTP do thường xuyên được tuyên truyền
về các vấn đề bảo đảm ATTP, quy trình xử lý thực phẩm, cách chế biến và bảo quản
thực phẩm cũng như việc lưu hành mẫu thực phẩm. Do vậy, công tác ATTP, vệ sinh
môi trường tại cơ sở lưu trú du lịch, cũng như tại các khu du lịch trọng điểm
luôn được đảm bảo. Chất lượng dịch vụ tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn
uống được nâng lên.
Bà
Nguyễn Thị Hường - Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết:
"Do làm tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên các mùa du lịch
gần đây, trên địa bàn không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn. Để chủ động phát
hiện sớm các mối nguy cơ trong thực phẩm tại các khu du lịch trong tỉnh bằng phương
pháp lấy mẫu ngẫu nhiên, quy trình lấy mẫu theo quy định, chuyển công tác thanh
tra, kiểm tra sang công tác hậu kiểm. Đặc biệt trong “Tháng hành động vì vệ
sinh an toàn thực phẩm” năm 2018, chúng tôi đã tiến hành tổ chức tuyên truyền,
vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến,
kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Công tác
thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường, nhất là đối với các cơ sở sản xuất,
kinh doanh rượu thủ công; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...
Y thức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là hết sức
quan trọng, từ đó đem lại môi trường kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo an
toàn, chất lượng”./.
Thu Minh